Nhân quyền tại Việt Nam theo phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua đã công bố bản phúc trình về tình trạng Nhân quyền trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
RFA 24.05.2012
17072011473-305.jpg An ninh, cảnh sát cơ động đàn áp, bắt người dân biểu tình chống Trung Quốc lên xe buýt sáng 17-07-2011 tại Hà Nội.
File photo

Phần nói về Việt Nam trong phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Việt Nam năm qua là sự giới hạn nghiêm nhặt từ phía chính quyền đối với các quyền chính trị của công dân; việc gia tăng các biện pháp hạn chế quyền tự do dân sự cũng như vấn đề tham nhũng trong hệ thống tư pháp và cảnh sát.

Những vi phạm nhân quyền được nêu lên trong bản phúc trình bao gồm sự ngược đãi vẫn tiếp diễn của cảnh sát đối với các đối tượng trong quá trình bắt giữ, chẳng hạn như sử dụng các biện pháp có thể gây tử vong hay các điều kiện giam giữ khắc nghiệt; việc bắt giữ tuỳ tiện những nhà hoạt động chính trị và không tiến hành xét xử công bằng và nhanh chóng những đối tượng này.

Ngoài ra, bản phúc trình cũng chỉ ra nạn lạm quyền chính trị, tham nhũng tràn lan và sự thiếu hiệu quả đã bóp méo hệ thống tư pháp. Chính phủ không ngừng hạn chế quyền riêng tư và tự do bày tỏ ý kiến, ngôn luận, tụ tập, hội họp; tình trạng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tăng cao.

Bản phúc trình cũng cho hay, Chính phủ ngày càng hạn chế quyền tự do internet cũng như được cho là có liên đới đến nhiều vụ tấn công vào những website chỉ trích Nhà nước, theo dõi các nhà blogger bất đồng chính kiến.

Chính sách tôn giáo của Nhà nước được áp dụng không đồng đều, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra ở các cấp làng xã.

Chính quyền duy trì sự cấm đoán đối với các tổ chức nhân quyền độc lập.

Bạo lực và phân biện đối xử với phụ nữ cũng như nạn buôn người vẫn tồn tại, nạn xâm hại tình dục trẻ em và phân biệt đối xử vì các lý do sắc tộc, giới tính hay tình trạng bệnh HIV/AIDS vẫn không được cải thiện.

Chính phủ vẫn còn hạn chế quyền thành lập và tham gia công đoàn độc lập của người công nhân.

Về mặt truy tố và xử phạt các quan chức lạm quyền, Chính phủ cũng có những bước thực hiện không đồng nhất và lực lượng cảnh sát đôi khi vẫn có quyền miễn tội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.