Romney thắng keo đầu - Tình thế sẽ ra sao?
2012.10.11
Việt-Long:
Cả hai phía ủng hộ hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đều phải nhìn nhận Tổng thống Obama đã bị kém thế trong cuộc đối thoại đầu tiên với cựu thống đốc Mitt Romney hôm thứ tư tuần trước. Đây là một kết quả bất ngờ, theo nhiều ý kiến trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ Anh Gia Minh nghĩ sao?
Gia Minh:
Đúng là một kết quả bất ngờ vì không ai nghĩ Tổng thống Obama lại có thể xuất hiện trong một dáng vẻ uể oải và có thể nói là lơ đãng như vậy. Rồi khi tranh luận thì lại không thể hiện một chút nào cái cung cách của một nhà hùng biện như ông từng chứng tỏ suốt từ khi được công chúng Mỹ biết đến cho tới nay. Người ta không thấy một ứng cử viên Obama hùng hồn, năng động, hoạt bát, tấn công ào ạt với những ngôn từ và luận cứ vững chắc bao hàm những quan điểm và lập trường chính trị, kinh tế, tài chánh đặc sắc, như ông thể hiện trong tất cả mọi lần xuất hiện trước công chúng từ khi bước vào cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Trong khi đó thống đốc Mitt Romney tỏ ra rất tự tin, lão luyện về chính sách kinh tế và vững chắc trong khả năng lãnh đạo. Đó là những sự bất ngờ theo hầu hết ý kiến của giới truyền thông Mỹ cũng như của những người ủng hộ của cả hai phía.
Bị "lấn sân" từ đầu
Việt-Long:
Anh Nguyễn Khanh nghĩ thế nào về lý do vì sao mà Tổng thống Obama tranh luận với một cung cách gần như lơ đãng, mệt mỏi, thiếu tập trung, gần như bị bất ngờ khi ông Romney trả lời là ông không giảm 5 tỉ tiền thuế, và ông Obama gây cảm tưởng ông thiếu chuẩn bị trước những câu hỏi không lấy gì làm hóc búa của thống đốc Mitt Romney?
Nguyễn Khanh:
Có ý kiến nói lý do là vì độ cao của cao nguyên Colorado ảnh hưởng đên sức khoẻ của Tổng thống Obama vì ông chỉ có được mấy tiếng đồng hồ làm quen với môi trường đó trước khi vào cuộc đối thoại với thống đốc Mitt Romney. Tuy nhiên bốn năm trước chính Tổng thống Obama đã diễn thuyết hùng hồn ngay trên Colorado về kế hoạch thăng tiến cho nước Mỹ của ông. Vì vậy lý do có thể là ông Obama đã không chuẩn bị cho một vị trí ở thế thủ, và cũng không chuyển được từ thế thủ sang thế công. Từ đó dẫn tới việc ông Romney “lấn sân” và “chiếm sân”. Đây là một trận “võ đài” chính trị bằng ngôn luận, và ông Romney đã ra đòn chiếm chủ động từ phút đầu tiên.
Một câu chuyện bên lề, là ngày hôm sau, cố vấn của ông Obama là ông David Axelrod nói với các nhà báo, rằng ông Mitt Romney có thể đoạt giải Oscar nhưng vẫn không lấy được lá phiếu của cử tri. Tôi thấy đó là sai. Người phó chủ tịch điều hành chiến dịch tranh cử của ông Barrack Obama, cô Stephanie Cutter có lẽ đưa ra câu trả lời hay nhất. Cô nói cô đồng ý là ông Obama đã không thành công trong cuộc tranh luận, nhưng hãy chờ xem một ông Obama hoàn toàn khác vào ngày 16 tháng 10 này.
Một chuyện nữa: ban tranh cử của ông Mitt Romney khi được hỏi là có ngạc nhiên thấy một ông Obama uể oải thụ động… thì họ nói không có gì ngạc nhiên, vì 3 năm rưỡi nay ông chẳng làm được việc gì hay, nên không chống đỡ nổi và thua. Đơn giản vậy thôi.
Những tiểu bang "bản lề"
Việt-Long:
Đó là quan điểm để tuyên bố của phía ông Romney, nhưng chắc họ không dám chủ quan đến thế tuy rằng sau một tuần thì kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ông Mitt Romney chiếm lại ưu thế qua hầu hết những cuộc thăm dò có uy tín. Như cuộc thăm dò hằng tuần của viện Gallup cho thấy hôm thứ tư ông Romney dẫn trước ông Obama tới 2%, cuộc thăm dò của website RealClearPolitics cho thấy ông Romney dẫn trước 0,7%, trong khi hai phía đồng đều về tỉ lệ trong cuộc thăm dò của Rasmussen. Trong tình thế như vậy hai đảng phải làm gì, anh Gia Minh?
Gia Minh:
Việc gấp rút trước mắt cho cả hai bên là phải chiếm cho bằng được đa số cử tri của Ohio và các tiểu bang còn lơ lửng giữa hai bên, chưa hẳn ủng hộ một bên nào. Kế đó là cuộc tranh luận ngày mai giữa hai ứng cử viên phó Tổng thống. Ông Joe Biden phải thắng lợi rõ rệt trước ông Paul Ryan của phía đảng Cộng Hoà thì mới mong gỡ lại được vài điểm thua. Tuy nhiên tôi để ý rằng kết quả sau cuộc tranh luận đầu tiên cũng chỉ là một sự phản ảnh của toàn bộ bức tranh tuyển cử, còn nhiều diễn tiến khác có thể còn quan trọng hơn và có thể dẫn đến những diễn biến bất ngờ khác.
Nguyễn Khanh:
Tôi đồng ý, và muốn nói thêm là hiện các cuộc thăm dò ý kiến đều nói ông Romney đang nằm ở kèo trên nhưng hỏi ông đã có chìa khoá vào toà Bạch ốc chưa thì câu trả lời là chưa. Chúng ta còn chưa thấy được hình ảnh người chủ nhân toà Nhà Trắng trong mấy tuần sắp tới.
Việt-Long:
Anh Nguyễn Khanh có thể cho biết vì sao kết quả ở Ohio lại quan trọng cho cả hai phía tranh cử, và tình thế ở các tiểu bang lưng chừng hiện có lợi cho bên nào, tương lai có thể xoay chuyển ra sao?
Nguyễn Khanh:
Tôi nghĩ có lợi cho cả hai bên! Nói như vậy không phải là “ba phải”, nhưng trong chính trường Hoa Kỳ có những người luôn luôn ủng hộ một trong hai đảng, bất kể người nào đại diện cho đảng đó ra tranh cử. Nghĩa là họ đã nhắm bỏ phiếu cho Cộng hoà thì cứ bỏ, không cần biết ai là người ứng cử. Bên đảng Dân Chủ cũng có những người ủng hộ cố định như vậy, coi như những cử tri “có sẵn”. Vì vậy mà Ohio, Iowa và đâu khoảng 10 tiểu bang có những cử tri “không cố định”, nghĩa là chưa quyết định bỏ phiếu cho bên nào mà còn chờ đánh giá các ứng cử viên, là những “đấu trường” rât thú vị của hai đảng và hai ứng viên tranh cử Tổng thống. Đó là những tiểu bang “bản lề” quyết định cho cái ghế Tổng thống năm nay. Những nơi đó có 7% cử tri chưa quyết định sẽ ủng hộ Dân chủ hay Cộng Hoà, ông Obama hay ông Romney. Vì thế trong cuộc tranh luận của hai ông ứng viên phó Tổng thống Joseph Biden và Paul Ryan, mà ví dụ ông Biden lại chẳng may thua ông Ryan chẳng hạn, thì chiếc ghế Tổng thống có thể nói đã nghiêng về phía liên danh Romney-Ryan hơn 50%.
"Nhu" chống "cương", ai thắng ai?
Việt-Long:
Anh Gia Minh có thể dự đoán kết quả tranh luận giữa hai ứng cử viên phó Tổng thống Joe Biden và Paul Ryan?
Gia Minh:
Dân biểu Paul Ryan là một chuyên gia hàng đầu về ngân sách, và là một chính trị gia trẻ tuổi, một ngôi sao sáng chói của đảng Cộng Hoà nhờ tài hùng biện và kiến thức uyên bác về nội trị và tài chính, ngân sách. Trong khi đó phó Tổng thống Joe Biden là một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm về đối ngoại, vì ông từng làm chủ tịch Uỷ ban đối ngoại thượng viện Hoa Kỳ trong cả chục năm trời.
Kết quả thắng sẽ nghiêng về bên nào thể hiện được sở trường của mình và làm lu mờ đối thủ trong lãnh vực đó. Riêng ông Paul Ryan có một điểm có thể bị thụ động, đó là chính sách của ông bị coi là chủ trương cắt giảm các chương trình Medicare, Medicaid, phúc lợi của người già, khá mạnh tay, trong khi ông Romney cũng đả kích ông Obama về chương trình phúc lợi y tế gọi là Obamacare, cũng liên quan đến người già. Đảng Dân chủ sẽ khai thác mạnh về sự khác biệt này. Ngược lại ông Joe Biden chưa từng chứng tỏ ông là một người có tài hùng biện, tranh luận, mà từ khi làm phó Tổng thống ông còn có một vài lần nói năng quá đáng, gây chỉ trích. Ông phó Biden còn được gọi là một người ‘soft spoken person”, nói năng nhỏ nhẹ, đứng trước ông Paul Ryan trẻ tuổi hoạt bát, hùng biện, có lẽ ông Biden sẽ phải vận dụng hết kinh nghiệm tranh luận ở nghị trường để đối phó. Trong khi đó về kinh nghiệm nghị trường thì dân biểu Ryan cũng không thiếu, mà chỉ thiếu bề dày kinh nghiệm đối ngoại. Đó là tình thế tương quan lực lượng giữa hai ứng viên vào tối nay, lúc đó mới thấy được ai thắng ai.