Tổ chức Phóng viên không biên giới – RSF vào ngày 31/3 ra thông cáo cho biết vừa tung ra Tracker-19, một công cụ để theo dõi và đánh giá tác động của đại dịch coronavirus đối với ngành báo chí và đưa ra khuyến nghị về quyền được thông tin.
Theo RSF, Tracker-19 không chỉ được dùng để theo dõi và đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19, mà còn cả Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Dự án này sẽ ghi lại biện pháp kiểm duyệt của nhà nước và việc cố tình đưa thông tin sai lệch, cũng như tác động của chúng đối với quyền có được tin tức và thông tin đáng tin cậy. Đồng thời cũng sẽ đưa ra khuyến nghị về cách bảo vệ ngành báo chí.
Ông Oliverhe Deloire, Tổng Thư ký Tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho rằng cuộc khủng hoảng coronavirus cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về sự liên quan của cuộc chiến thông tin. Kiểm duyệt không thể được xem như vấn đề của một quốc gia. Ông cho rằng kiểm soát thông tin ở một quốc gia nhất định có thể có hậu quả trên khắp hành tinh và hiện chúng ta đang phải chịu những ảnh hưởng của điều này. Tương tự, thông tin sai lệch và tin đồn khiến mọi người đưa ra những quyết định tồi tệ, hạn chế ý chí tự do và gây hại đến trí thông minh.
Vì vậy, RSF buộc phải đưa ra các giải pháp cho phép các nhà báo cung cấp thông tin đáng tin cậy và đấu tranh với những tin đồn không đúng sự thật, thông qua Tracker-19.
Nhận xét về tính thực tiễn của Tracker-19 đối với tình trạng Việt Nam hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho rằng:
“Trong khuôn khổ thông tin toàn cầu thì truyền thông Việt Nam chỉ là một bộ phận nhưng tất nhiên có những đặc thù riêng. Những khuyến cáo chung của tổ chức nghề chuyên nghiệp như Phóng viên không biên giới cũng là cái để Việt Nam tham khảo và học hỏi. Nhưng vẫn phải nói trước, khác với truyền thông các nước khác, hệ thống truyền thông do Đảng cộng sản, nhà cầm quyền độc quyền thì họ kiểm soát rất chặt chẽ thông tin. Không phải cứ điều tra ra sự thật là được đăng. Nhiều khi sự thật nhưng họ không cho phép nói lúc này, không cho phép nói lúc khác, hoặc có thể cấm luôn không cho nói chuyện đó. Bộ tiêu chuẩn của Phóng viên không biên giới hay các tổ chức khác có tính chất nghề nghiệp về báo chí, theo tôi nghĩ tác động của nó cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi đối với truyền thông Việt Nam.”
Báo trong nước loan tin ngày 1/4 cho biết, Thủ tướng chính phủ Việt Nam vào trưa cùng ngày đã công bố dịch Covid-19 trên toàn cõi Việt Nam. Công bố được đưa ra sau khi chỉ thị cách ly toàn xã hội được ban hành kể từ 0 giờ ngày 1 tháng tư.
Hiện tại Việt Nam đã có tổng cộng 218 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong đó số người được chữa khỏi từ khi bắt đầu mùa dịch đến nay lên 63 người.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, có nhiều người đặt vấn đề nghi ngờ số liệu do Việt Nam công bố không đầy đủ, không minh bạch. Cá nhân ông cũng không thể trả lời chắc chắn con số được chính phủ Hà Nội đưa ra có trung thực hay không vì không phải người điều tra. Tuy nhiên ông cho rằng:
“Giấu hay không, hay thủ tiêu tôi cho rằng ít khả năng xảy ra chuyện đó. Nhưng xảy ra chậm chạp vì có những quy định thế nào đó mà cho đến giờ vẫn thấy một số tỉnh bức xúc. Một số địa phương muốn là khi phát hiện ra rồi thì để cho chính quyền tỉnh đó công bố, nhưng nhà nước vẫn chưa chịu, vẫn cứ để Bộ Y tế báo cáo lên báo cáo xuống. Ông Chủ tịch Hà Nội có nói nếu để Bộ công bố sẽ chậm 7, 8 tiếng, đó là thời gian vàng ngọc để ngăn chặn sự lây lan. Tôi rằng đó là sự luộm thuộm ảnh hưởng đến hậu quả chống dịch của Việt Nam.”
Còn theo quan điểm cá nhân, nhà hoạt động dân sự Lã Việt Dũng từ Hà Nội cho rằng chính phủ Hà Nội đang quản lý rất chặt chẽ trong việc tung tin giả, tin đồn, và tin bịa đặt về dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, anh vẫn cho rằng có những thông tin được chính quyền lờ đi hoặc bưng bít.

Vì vậy, theo anh Dũng việc có thể biết được thông tin chính xác, rõ ràng, không bị che giấu về dịch bệnh là điều rất cần trong tình hình đối phó Covid-19 hiện nay:
“Thực ra minh bạch rất tốt, trong mọi trường hợp minh bạch đều tốt cả. Chúng ta đã có bài học Vũ Hán rất rõ ràng. Khi chính quyền Trung Quốc tìm cách ngăn chặn thông tin Covid-19 có thể lây từ người sang người đã gây một hậu quả rất nghiêm trọng. Khi họ bưng bít số lượng người nhiễm sẽ làm cho không ai biết ai bị nhiễm hay không, những người liên quan F2, F3, F4 sẽ rất dễ bị bỏ sót những người có nguy cơ nhiễm. Mình cho rằng chính quyền đang không dám bưng bít thông tin đó, nhưng việc bưng bít thông tin số người chết cũng không phải tốt bởi vì nếu có người nào chết vì Covid-19 thì vẫn nên nói ra để làm cho những người khác hiểu được mức nghiêm trọng của vấn đề và bớt chủ quan hơn.”
Trong công bố đăng tải ngày 31/3, người đại diện RSF cho rằng, có những nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh như Trung Quốc và Iran lại là những quốc gia mà giới truyền thông không thể hoàn thành vai trò thông tin cho công chúng. Tại đây có những trở ngại đối với tự do báo chí; bên cạnh đó là những nỗ lực thao túng thông tin trong dịch bệnh lịch sử này.
Dưới góc nhìn người cầm viết lâu năm và quan tâm đến tình hình xã hội dân sự, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng nhận định:
“Ở Trung Quốc ta thấy một số nhà báo như Phương Bân, Trần Thu Thực đã bị bắt giam và giờ này chưa biết khi họ đưa những tin tức về dịch bệnh Vũ Hán. Ở Việt Nam hầu như hiện tại có một số nhà báo bị gây khó dễ, giam giữ, hoặc đàn áp trong khi đưa tin về dịch Covid-19 thì chưa có thông tin nào.”
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng vẫn cho rằng do Việt Nam là bản sao của Trung Quốc, nên việc bắt giữ những người đưa tin không theo định hướng của Chính phủ vẫn có thể xảy ra:
“Tôi nghĩ là họ (Việt Nam) sẽ làm theo một cách kín đáo, ngầm là họ sẽ chọn những lý do khác, không phải đưa tin về dịch Covid-19 mà gán cho những tội hình sự chẳng hạn.”
Phóng viên Không biên giới cho hay các nhóm của tổ chức này trên toàn thế giới đã được huy động. Tổ chức này có những biện pháp bảo đảm rằng Track-19 vẫn hoạt động đầy đủ nhất có thể, đồng thời vẫn đảm bảo sự an toàn cho nhân viên và đối tác của mình.
Dữ liệu RSF thu thập được đến từ mạng lưới phóng viên nhằm cung cấp một bản đồ toàn cầu về tình hình tự do báo chí, đưa tin liên tục về các diễn biến và phân tích các vấn đề chính về dịch bệnh Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ trên cả thế giới hiện nay.