Phúc trình RSF cảnh báo về mối nguy hiểm đối với các nhà báo nữ tại nhiều nước

Thanh Trúc
2021.03.10
Phúc trình RSF cảnh báo về mối nguy hiểm đối với các nhà báo nữ tại nhiều nước Hình minh hoạ. Các phóng viên báo chí Việt Nam tại họp báo Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/1/2021
Reuters

Báo cáo của RSF cho thấy trong 112 quốc gia được quan sát, 40 nước không chỉ nguy hiểm đối với báo giới đã đành mà còn là mối đe dọa gấp đôi với phóng viên nữ trong đất nước đó.

Đây là phúc trình về giới nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, qua đó RSF nhấn mạnh đến vấn nạn những nhà báo nữ trên thế giới phải đối diện những hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, bạo hành, xâm hại tình dục, thậm chí dọa giết hay bị giết chết. 

Những cách hành xử như vậy, theo RSF, không còn đơn thuần là tấn công hay bạo hành thông thường mà đã đi quá đà trong thời đại công nghệ thông tin. Hơn 58% đối tượng được hỏi đều cho rằng Internet là phương tiện cực kỳ hữu hiệu để bôi nhọ, phỉ báng, sách nhiễu, khủng bố tinh thần các nhà báo nữ không may lọt vào tầm ngắm của kẻ có thế lực. 

Phúc trình mới nhất về giới này dựa căn bản trên một báo cáo trước đây của RSF về sự khó khăn trong việc tiến tới một nền báo chí tự do, đặc biệt nữ quyền trong lĩnh vực truyền thông hiện đại. 

Đầu tiên và điển hình trong báo cáo của RSF là trường hợp nữ ký giả Rana Ayyub, một nhà bỉnh bút nổi tiếng ở Ấn Độ. Với loạt  phóng sự điều tra, phanh phui vụ tai tiếng tham nhũng trong chính quyền, ký giả Rana Ayyub cho biết bà bị tổn thương và suy sụp nặng nề trước những lời đe dọa ngày này qua ngày khác trên Internet là sẽ bị hãm hiếp cho đến chết nếu tiếp tục viết.     

Trường hợp thứ nhì xảy ra hồi tháng 8/2020 với nữ ký giả Sofie Linde, khuôn mặt nổi tiếng của chương trình Talk Show trên TV ở Đan Mạch. Cô Sofie Linde tố cáo cô bị sách nhiễu tình dục nhiều lần bởi một nam đồng nghiệp lớn tuổi vốn là cấp trên của cô. 

Vụ việc Sofie Linde gây chấn động và phẫn nộ trong làng báo cũng như trong dư luận ở Đan Mạch.

Theo RSF, điều này chứng tỏ người nữ làm báo ngày nay đã dám tố cáo những hành động sách nhiễu, lạm dụng, hăm dọa, xâm hại tình dục mà họ là nạn nhân.

Mạnh dạn tố cáo là việc được khuyến khích, cổ vũ mà những người tranh đấu bảo vệ nữ quyền ở Mỹ, Nhật, Ấn Độ khởi xướng bằng phong trào có tên Me Too được nhiều người hoan nghênh.   

RSF Phóng viên Không Biên Giới còn nêu tên tuổi những nữ ký giả bằng lòng đưa ra ánh sáng về trường hợp bị hại của họ. 

Đó là nữ ký giả Nouf Abdulaziz al-Jerawi ở Saudi Arabia, bị tra tấn bằng roi điện, bị hãm hiếp suốt thời gian ngồi tù vì loạt phóng sự vạch trần sự chuyên quyền trong công sở và tính gia trưởng trong gia đình của đàn ông Ả Rập. 

Kế tiếp, nữ ký giả Patricia Campos Mello ở Brazil, vì đưa tin về những sai trái trong một ngân quĩ công hồi năm 2018, mà đã liên tục bị mắng nhiếc bằng lời lẽ thô lỗ tục tằn, kể cả bị dọa giết trên Internet.  

Chuyện tương tự cũng xảy ra với phái nữ làm báo ở Hoa Kỳ, là chia sẻ qua điện thư của cô Bảo Anh, phóng viên báo LA Times ở California:

“Bởi vì trên Internet thì  người ta có thể trở thành bất kỳ người nào họ muốn. Họ dùng tài khoản nặc danh để tấn công phụ nữ hay người da màu trong các cộng đồng yếu thế”

Và quả là một động lực, một sự tiếp sức quí báu khi biết đến công việc của RSF Phóng Viên Không Biên Giới, của AAJA Hiệp Hội Phóng Viên Mỹ gốc Á,  hoặc SPG Tổ Chức Ký Giả Chuyên Nghiệp, với những khóa huấn luyện về tự vệ và bảo toàn an ninh dành cho những nhà báo nữ bị tấn công trên mạng”. 

Dù không nêu tên Việt Nam trong báo cáo ngày 8/3 nhưng trước đó RSF từng lên tiếng đòi Hà Nội phóng thích nhà báo  Phạm Đoan bằng cuộc vận động có tên “Free Pham Doan Trang”, sau khi nhà báo tự do này bị bắt giữ và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà Nước.

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, nhà báo  Đoan Trang chỉ là trường hợp cá biệt, còn ở đây là nói chung về tình trạng nữ phóng viên trong hệ thống báo chính quy ở Việt Nam.

Qua điện thư gửi cho RFA, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên cho biết rất khó hoặc sẽ không bao giờ có một cuộc điều tra, hay một thống kê chính thức nào về những vụ tấn công lẫn bạo lực tình dục đối với các nhà báo nữ trong nước.

Đã có những nhà báo nữ bị hăm doạ, thậm chí bị sa thải,  cô Phạm Thanh Nghiên trình bày tiếp, chỉ vì họ dám đưa các phóng sự điều tra lên mặt báo liên quan đến những tiêu cực sai trái của doanh nghiệp nào đó chẳng hạn. 

Còn một thực tế mà cô Phạm Thanh Nghiên khẳng định, là ở các nhật báo lớn, nhiều nữ phóng viên trẻ bị sách nhiễu giới hoặc tình dục mà thủ phạm chính là sếp hoặc đồng nghiệp nam.

Đáng tiếc, cô Phạm Thanh Nghiên nhấn mạnh, nhiều nạn nhân vì sợ mất việc đành phải chấp nhận bị sách nhiễu như một điều kiện tiến thân trong công việc”. 

Trong một xã hội trọng nam khinh nữ, một hệ thống báo chí bị kiểm duyệt, và cấp trên là ông trời con thì lấy ai bảo vệ cho phái nữ làm báo, là câu hỏi của luật sư Lê Thị Công Nhân, người mà tài khoản cá nhân trên facebook bị đánh  sập từ tháng 4/2020 sau khi tải lên mạng loạt bài về những tiêu cực trong bệnh Viện Bạch Mai ở Hà Nội:

Nó là câu chuyện dài liên quan đến phụ nữ làm báo, tôi đang nói đến báo Nhà Nước. Sự phân biệt đối xử giới tính gây nên những thiệt hại không hề nhỏ”

“Ở Việt Nam bản thân nhiều nữ phóng viên, thường xuyên thì không hẳn nhưng thỉnh thoảng là có, tố giác những trường hợp họ bị quấy rối tình dục cũng như bị đe dọa về bạo lực. Thậm chí có nữ phóng viên một tờ báo lớn, đi làm phóng sự về môi trường trong một dự án có nhiều khuất tất ở Tam Đảo. Chính vị sư trong chùa ở đó đã có hành vi quấy rối tình dục đối với nhà báo này khiến cô không thể chịu nổi và đã đưa ra công luận”

Ở một góc độ lớn hơn thì những việc ấy kể không hết được. Trong bối cảnh một nền pháp luật bị cho là sai lệch thì quyền lực nào trong xã hội sẽ lấy lại công lý cho những nữ phóng viên đó”.

Báo cáo của Phóng Viên Không Biên Giới còn nói rõ các chính phủ chuyên quyền trên thế giới thường bưng bít thông tin về những nữ phóng viên bị bạo hành, bị sách nhiễu.

Hành động truy bức của những nhà cầm quyền đó, theo RSF, thô bạo tới mức 43% nhà báo nữ lặng lẽ rút tài khoản của mình khỏi các trang mạng xã hội, trong lúc 21% tự động chuyển sang công việc khác. 

Tố cáo và chống lại mọi hình thức triệt hạ, xâm hại, giết chóc đối với các nhà báo nữ là trách nhiệm mà cũng là áp lực rất lớn của Phóng Viên Không Biên Giới, là cam kết của  ông Christophe Deloire, tổng thư ký tổ chức này. 

Bởi thật phi lý khi thấy những nhà báo nữ chịu cảnh một cổ hai tròng, là hiểm nguy cùng lúc với tự bảo vệ bản thân, ông Christophe Deloire kết luận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.