Thế nhưng chuyện thu các khoản phí vẫn diễn ra tại một số trường, thậm chí có trường còn thu đến 23 khoản phí khác nhau, mà mới đây báo chí trong nước có đề cập đến tình trạng “loạn thu phí” này.
Bộ Giáo dục và tình trạng lạm thu của các trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học 2009-2010 Bộ sẽ kiên quyết triển khai việc thực hiện “3 công khai và 4 kiểm tra trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để tăng cường tính giám sát. Đặc biệt chấm dứt tình trạng lạm thu trong các trường, những khoản thu không hợp lý, trái quy định phải trả lại cho phụ huynh học sinh.
Năm học 2009-2010 Bộ sẽ kiên quyết triển khai việc thực hiện "3 công khai và 4 kiểm tra trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để tăng cường tính giám sát. Đặc biệt chấm dứt tình trạng lạm thu trong các trường
Trong buổi đối thoại trực tuyến mới đây của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân với người dân trước thềm năm học mới, một vấn đề được khá nhiều độc giả quan tâm và “chất vấn” người đứng đầu ngành giáo dục là các khoản thu trong trường học vào dịp đầu năm học mới, cụ thể là tình trạng lạm thu ở các trường tiểu học dưới danh nghĩa hội phụ huynh đóng góp.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: Bộ GD-ĐT đã có quy định trong Quy chế của Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận. Nhà trường cũng có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn tiền này cho có hiệu quả, tránh lãng phí và phải thanh toán công khai với ban đại diện cha mẹ học sinh vào những dịp họp phụ huynh như cuối học kỳ, cuối năm học."
Tuy nhiên, ông Hiển cũng nhận định: "Trong thực tiễn thực hiện vẫn có một số nhà trường, thậm chí có một số ban đại diện cha mẹ học sinh vì muốn làm cho tiện, nhanh nên cứ ra chỉ tiêu thu góp mà không có thuyết phục, không giải thích, những đối tượng khó khăn thì không miễn thu."
Mặc dù ngành giáo dục và các nhà quản lý giáo dục nhận thấy vấn đề tuỳ tiện thu các loại phí của các trường là không ổn, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết.
Trong thực tiễn thực hiện vẫn có một số nhà trường, thậm chí có một số ban đại diện cha mẹ học sinh vì muốn làm cho tiện, nhanh nên cứ ra chỉ tiêu thu góp mà không có thuyết phục, không giải thích, những đối tượng khó khăn thì không miễn thu
Ô.Nguyễn Vinh Hiển,Thứ trưởng Bộ GD
Phu huynh chỉ biết kêu trời
Đến mùa khai trường là những bậc cha mẹ có con đi học lại lao đao vì các khoản phí phải đóng cho nhà trường, bất kể là truờng công lập hay tư thục. Mới đây báo chí trong nước đã loan tin “có trường thu tới 23 khoản khác nhau.” Đây quả thực là một điều không thể lý giải nổi.
Trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều tỉnh thành đã bỏ khoản thu tiền xây dựng trường trong hệ thống trường công lập theo quy định của Luật Giáo dục. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng nghiêm túc chấp hành.
Năm nào cũng thu tiền xây dựng, sửa chữa nhưng sân trường cứ có mưa là ngập mấy ngày mới rút hết nước; nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, xuống cấp
Một phụ huynh
Theo phản ánh của một phụ huynh không nêu danh tính cho biết: Trường Tiểu học Đông Hội, huyện Đông Anh năm học này vẫn thông báo thu tiền xây dựng là 20.000 đồng/học sinh. Phụ huynh này bức xúc nói: "Năm nào cũng thu tiền xây dựng, sửa chữa nhưng sân trường cứ có mưa là ngập mấy ngày mới rút hết nước; nhà vệ sinh thì bẩn thỉu, xuống cấp..."
Một số trường còn đặt ra khoản tiền tự nguyện đối với học sinh đầu cấp diện trái tuyến. Khoản tiền này phụ huynh thậm chí phải nộp như một thủ tục bắt buộc trước khi nộp hồ sơ tuyển sinh mà không được nhận bất cứ chứng từ nào.
Trường Trung Học Cơ Sở Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã có "thư ngỏ" gửi các bậc phụ huynh khối lớp 1 và lớp 6 ngay từ lúc thông báo tuyển sinh, nhằm kêu gọi đóng góp cho "quỹ sửa chữa lớn" của trường với mức tiền từ 300.000 đồng – 500.000 đồng. Khoản thu này bị tố giác bởi những phụ huynh đã đóng góp đầy đủ nhưng đến gần khai giảng năm học mới thì lại bị "loại" ra một cách bất ngờ.
Tôi có hai cháu, cháu lớn học cấp 3, cháu nhỏ mới cấp 1. Năm ngoái tiền đóng góp cho nhà trường của con gái lớn gần 1 triệu đồng, ngoài tiền học phí. Thằng con trai học cấp 1 cũng đóng hơn nữa triệu. Năm nay mới tựu trường chưa họp Phu huynh nên chưa nghe nói sẽ đóng bao nhiêu tiền
Chị Minh Tâm ở TPHCM
Những khoản thu mang tên: "quỹ sửa chữa lớn" hoặc "sửa chữa cơ sở vật chất" như vậy đều không hề được công khai việc sử dụng cụ thể ra sao.
Chị Minh Tâm ở Thành Phố Hồ Chí Minh có hai con đang đi học cho biết:
“Tôi có hai cháu, cháu lớn học cấp 3, cháu nhỏ mới cấp 1. Năm ngoái tiền đóng góp cho nhà trường của con gái lớn gần 1 triệu đồng, ngoài tiền học phí. Thằng con trai học cấp 1 cũng đóng hơn nữa triệu. Năm nay mới tựu trường chưa họp Phu huynh nên chưa nghe nói sẽ đóng bao nhiêu tiền. Nghe đâu năm nay có văn bản của Nhà nước không được thu ngoài học phí, nhưng văn bản có nghiã gì đâu vì toàn là danh nghiã Hội Phu huynh học sinh đứng ra thu cho trường; thành ra không có ai nói được mà phải đóng góp hết. Có năm còn thu cả tiền đóng để thuê người làm vệ sinh toilet cho các cháu nữa. Nhà có con đi học tiếng là học trường công lập không phải lo nhiều, nhưng ngoài tiền học phí cha mẹ còn phải đóng góp các khoản từ học kỳ 1 đến học kỳ 2 cho các con đi học chứ.”
Chính thức thì nhà trường chỉ có hai khoản thu là học hai buổi/ngày và hao mòn đồ dùng học tập. Còn lại các khoản thu khác là do phụ huynh đề ra và nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ
Bà hiệu trưởng, T.Tiểu Học Trần Minh Phú
Anh Sang, có con học tại trường Trung Học Cơ Sở ở Q.3, TPHCM than thở: "Vào năm học, sẽ có thêm nhiều khoản tiền lắt nhắt như: tiền tăng tiết, tiền học thêm, tiền ban đại diện cha mẹ học sinh vận động... đau đầu lắm".
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của báo Thanh Niên, việc thu các khoản vẫn mặc nhiên diễn ra ngay từ đầu năm ở rất nhiều trường. Mới đây, phụ huynh trường Tiểu học thị trấn Phú Minh – Huyện Phú Xuyên đã “chới với” khi nhận được tờ thông báo về 23 khoản thu lần 1 của trường. Theo đó, trong số 23 khoản thu này có những khoản rất vô lý như: quỹ chăm sóc cây, quĩ hao mòn đồ dùng học tập, vở rèn chữ của phòng giáo dục, vở rèn chữ của Hội chữ thập đỏ, bảo hiểm điện, giấy thi chữ đẹp mỗi tháng 1 tờ...
Giải thích cho những khoản thu "trên trời" này, bà hiệu trưởng cho rằng: "chính thức thì nhà trường chỉ có hai khoản thu là học hai buổi/ngày và hao mòn đồ dùng học tập. Còn lại các khoản thu khác là do phụ huynh đề ra và nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ (!)."
Bài báo này đã gây sốc và mới đây Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội đã có công văn gửi Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu kiểm tra vấn đề này; đồng thời cũng yêu cầu, các đơn vị trên địa bàn thành phố kiểm tra các khoản thu của tất cả các trường, để phát hiện, và khắc phục những vi phạm, nếu có xảy ra, nhằm đảm bảo tất cả các trường thu chi đúng quy định.
Liệu quyết định này sẽ được thực hiện đến đâu? Vì trên thực tế việc này vẫn cứ xảy ra hầu như ở khắp các địa phương trong nước từ trước tới nay.