Đập thủy điện Sekong A: nguy cơ tàn phá môi trường, kinh tế và xã hội

RFA
2023.02.23
Đập thủy điện Sekong A: nguy cơ tàn phá môi trường, kinh tế và xã hội Đồng bằng Sông Cửu Long đang lún dần
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

Tiếp theo phần trước, RFA phỏng vấn TS. Bryan Eyler về những nguy cơ tiềm ẩn mà đập thủy điện Sekong A có thể gây ra với kinh tế, xã hội và an ninh trong khu vực hạ lưu sông Mekong một khi được hoàn thành trong tương lai gần. 

Nguy cơ đối với an ninh lượng thực 

RFA: Tại sao ông nói rằng con đường di cư của cá trên sông Mekong sẽ không còn khả thi, một khi con sông Sekong bị đóng lại? Điều đó có nghĩa là nguồn cá ở Campuchia sẽ bị ảnh hưởng? Ông có thể giải thích cho thính giả của chúng tôi cơ chế mà đập Sekong A một khi được xây dựng hoàn chỉnh có thể ngăn chặn, phá hủy hoặc làm giảm an ninh lương thực ở Campuchia? Tại sao con đập này có thể ảnh hưởng đến nguồn cá Campuchia?

Brian Eyler: Chắc chắn rồi. Và tôi muốn nói rõ rằng tôi có thể sai khi cho rằng con đập đang được xây dựng trái phép. Vấn đề là toàn bộ quá trình này rất bí ẩn. Và theo sự hiểu biết của tôi, đã không có phản hồi nào từ Ủy hội sông Mekong đối với chính phủ quốc gia Campuchia về những lo ngại của họ đối với con đập này. Vì vậy, chúng tôi suy đoán thông qua việc thu thập dữ liệu từ các thực thể chính trong khu vực này, rằng việc trì hoãn thông tin như vậy có thể liên quan đến một vấn đề pháp lý nào đó.

Ở đây, rủi ro là sông Sekong là con sông dài nhất và có đập của sông Mekong, là chi lưu có đập dài nhất của hệ thống sông Mekong. Nó cũng rất gần với hồ phía nam nhỏ bé, và nó rất gần với đồng bằng sông Cửu Long. Con sông đó, phụ lưu đó, là "đường cao tốc" di chuyển quan trọng cho dòng di cư của cá. 

Hiện có nhiều cá hiện đang di chuyển qua nhánh sông đó hơn trước đây, bởi vì hai nhánh sông dài khác của sông Mekong, ngay phía nam sông Sekong, đã bị chặn bởi đập hạ lưu sông Sesan 2 ở Campuchia. 

Những con đập này không thiết kế bậc thang cho phép cá vượt qua một cách hiệu quả hoặc không có một hệ thống giúp cá di cư để cho phép cá đi qua đập đó. Vì vậy, loài cá trên sông Mekong đang điều chỉnh để thích nghi, và hiện chúng đang chọn sông Sekong để di cư và đẻ trứng.

Chúng tôi biết điều này từ những nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm. Việc đóng cửa dòng sông đó sẽ xóa bỏ khả năng lựa chọn hơn cho việc di cư của cá. Cá thích di cư đến các nhánh sông hơn là dòng chính vì chúng có thể tiếp cận bãi đẻ trứng nhanh hơn, nên nhìn chung chúng cần đến các khu vực nông hơn để đẻ trứng.

Như vậy con đập này sẽ cắt đứt đường di chuyển ngược dòng của cá từ khi ngăn hồ đến bãi đẻ, nhưng cũng cắt đứt đường di chuyển ngược dòng của trứng cá về hạ lưu rồi về đồng bằng. Và chúng cũng đi đến cái hồ nhỏ phía nam nơi chúng lớn lên thành cá hoặc chúng là thức ăn cho những loài khác.

Vì vậy, rủi ro ở đây là nghiêm trọng, trong khi đó bản thân con đập chỉ sản xuất ra 85 megawatt điện. Dự án thủy điện nào cũng có "trade-off" (những điều buộc phải chấp nhận, đánh đổi cho nhu cầu năng lượng), nhưng ở đây, sự đánh đổi và mất mát là rất lớn so với lợi ích nhận được, đặc biệt là khi có nhiều lựa chọn khác để phát điện có thể tạo ra 85 megawatt điện mà không bị tổn thất nghiêm trọng đến nghề cá và các dòng chảy quan trọng khác đến sông Mê Kông.

RFA: Như vậy nguồn cá ở Campuchia có thể bị suy giảm do đập thủy điện Sekong A. Đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Bộ Việt Nam nằm ở cuối hạ lưu sông Mekong. Nguồn cá ở Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia có quan trọng đối với nguồn cá ở Đồng bằng sông Cửu Long hay không?

Brian Eyler: Có. Bởi vì có một mối quan hệ giữa nguồn cá ở Campuchia và Miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Campuchia còn xuất khẩu cá sang Việt Nam. Việt Nam cũng xuất khẩu sang Campuchia. Có giao thương về cá và thực phẩm giữa hai nước. Điều đó quan trọng đối với an ninh lương thực của Campuchia hơn là an ninh lương thực của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam là một quốc gia giàu có hơn Campuchia, hoặc bạn biết đấy, vì Việt Nam giàu có hơn ở Campuchia, nên người dân dựa vào nghề cá đó để cung cấp lượng protein.

Và đó là nghề cá nước ngọt được đánh bắt tự nhiên. Đó không phải cá đông lạnh và chế biến trong siêu thị. Nó đến ngay từ hệ thống hồ và cung cấp cho người dân Campuchia 70% lượng protein hàng năm của họ. Việc loại bỏ 10% hoặc 20% trong số 70% lượng protein đó sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng đảm bảo kinh tế của Campuchia. 

Vì vậy, bản thân con đập có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, từ đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và cuối cùng là dẫn đến một vấn đề an ninh của toàn khu vực. Và đây là những loại hậu quả mà chúng ta đã lo lắng từ lâu.

Và bằng cách nào đó, con đập này vừa mới bắt đầu xây dựng, nhưng nó gần như đã hoàn thành, trong khi có rất ít sự giám sát về tác động của nó đối với xã hội, môi trường và an ninh khu vực.

Đẩy nhanh tốc độ sụt lún ở ĐBSCL 

RFA: Và phù sa cũng vậy, bởi vì đập Sekong A có thể ngăn chặn việc vận chuyển phù sa đến Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Brian Eyler: Đúng.

RFA: Điều đó sẽ ảnh hưởng đến Miền Nam Việt Nam như thế nào? Đó là vùng thấp nhất của sông Mekong.

Brian Eyler: Các con đập chặn trầm tích chảy xuống hạ lưu và điều này sẽ lại chặn dòng chính của con sông Sekong. Vì vậy, trừ khi trầm tích được xả qua đập, điều này hiếm khi xảy ra, ngay cả khi đập có cơ chế xả trầm tích, thì đập đó sẽ hứng toàn bộ lượng trầm tích.

Trầm tích đến từ các phụ lưu khác nhau ở thượng nguồn trong lưu vực sông Sekong là khá lớn. Phía trên nơi con đập này đang được xây dựng.

Đồng bằng sông Cửu Long cần phù sa cho sản xuất nông nghiệp và cũng để giữ cho nó ổn định về mặt địa chất với tư cách là một khối đất. Lý do là đồng bằng châu thổ này hình thành từ trầm tích mới được lắng đọng trên vùng đồng bằng ngập nước trong hai hoặc ba ngàn năm qua.

ĐBSCL thực ra còn rất trẻ. Nó không phải là một địa hình cũ. Nó chỉ khoảng 3.000 năm tuổi. Và nó được tạo ra hoàn toàn bởi sự lắng đọng trầm tích trên khắp vùng đồng bằng ngập nước. Vì vậy, việc cắt đứt dòng sông Sekong sẽ loại bỏ một huyết mạch vận chuyển phù sa quan trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long, khiến nó trở thành một vùng đất rộng lớn kém động năng cũng như kém hiệu quả kinh tế hơn.

2019-01-14T003255Z_128553097_RC15BE8616F0_RTRMADP_3_VIETNAM-MEKONG.JPG
Các căn nhà dọc sông Mekong ở TP Cần Thơ (minh hoạ). Reuters

RFA: Và mực nước biển đang dâng lên. Vậy nó có thể làm cho ĐBSCL bị lún nghiêm trọng hơn trong thời gian tới?

Ryan Eyler: Đúng. Không có phù sa, đồng bằng sẽ chìm nhanh hơn. Vâng. Bạn biết đấy, trầm tích có tính năng đẩy cho đất liền lấn ra biển. Bây giờ mực nước biển dâng lên, đang lấn phần đất liền, đang lấy đất liền đi với tốc độ bằng vài sân bóng đá mỗi ngày, theo sự hiểu biết của tôi.

Nước biển dâng là điều không phải do Việt Nam tạo ra, nhưng là vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết. 

Vì vậy, nếu có thêm trầm tích bị chuyển ngược lên thượng nguồn bên ngoài Việt Nam bởi hành động của một công ty Việt Nam, thì một lần nữa, điều này giống như Việt Nam đang tự bắn vào chân mình. 

Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ ĐBSCL.

Những nguy cơ về xã hội và an ninh quốc gia 

RFA: Và đồng bằng sông Cửu Long ở Miền nam Việt Nam có dân số rất đông. Hơn 17 triệu người phải không?

Ryan Eyler: Đúng, đúng. Khoảng 20% dân số cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long.

RFA: Ông có hình dung được tác động xã hội khi đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam bị lún nghiêm trọng hơn vì con đập Sekong A này không?

Ryan Eyer: Vâng, tác động của nó rất lớn. Nếu vùng châu thổ này biến mất sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam và toàn khu vực Châu Á. Nhưng, bạn biết đấy, thật thoải mái khi biết rằng mực nước biển tuy vẫn đang dâng lên nhưng nó diễn ra rất chậm. Vì vậy, vùng đồng bằng sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Có rất nhiều thời gian để chuẩn bị và thích nghi với những gì sẽ xảy ra trong thế kỷ tới.

Nhưng chúng ta không nên làm cho mọi thứ tồi tệ hơn hiện tại, bằng cách để các công ty Việt Nam xây dựng đập ở những vị trí quan trọng và những con đập được thiết kế kém ở phần thượng nguồn.

RFA: Hãy trở lại với chủ đầu tư của dự án này. Chủ đầu tư là một công ty tư nhân, vì vậy lợi nhuận mà con đập mang lại sẽ thuộc về tư nhân. Nhưng như ông đã nói, nó tác động rất lớn đến kinh tế xã hội của cả khu vực, ở Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam. Vậy các chính quyền trung ương và địa phương trong vùng nên làm gì trong trường hợp này?

Brian Eyler: Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long và cam kết trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trong khu vực sông Mekong. Chúng tôi đã thấy điều này một cách nhất quán. Vì vậy, hành động của một nhà đầu tư tư nhân không nên đi ngược lại cam kết và ưu tiên của chính phủ quốc gia. Điều đó rất nguy hiểm, đúng không?

Và dự án này cũng có vẻ là một ý tưởng thực sự tồi tệ, đặc biệt là bây giờ, với bối cảnh hiện tại. Vì vậy, với thẩm quyền của chính phủ quốc gia ở Hà Nội, tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ Việt Nam xem xét tiến độ của con đập này, đặc biệt là xem xét tính pháp lý mà tôi đã đề cập ở phần trước. 

Bởi vì nếu các bên liên quan có thể nắm rõ được tình trạng pháp lý của con đập này, hiểu được quy trình và quá trình dẫn đến đến trạng thái hiện nay của con đập (đang được xây dựng vượt ngang qua sông Sekong), thì có thể làm cho con đập được xây dựng tốt hơn, bằng cách cải thiện khả năng hỗ trợ cá di cư, cải thiện thiết kế của đập. Đó là phương hướng nên làm nếu không thể dừng hoặc trì hoãn đập. 

Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là nên dừng hoặc trì hoãn xây dựng con đập này, do bởi gánh nặng môi trường và xã hội mà nó đè lên vùng hạ lưu.

RFA: Còn các giải pháp thay thế cho con đập thì sao? Ở trên ông đã đề cập rằng có nhiều giải pháp thay thế cho con đập này. Xin ông cho chúng tôi biết chi tiết?

Brian Eyler: Chắc chắn rồi. Bạn có thể tìm một nơi khác để xây dựng một con đập có kích thước tương tự trên một nhánh của sông Sekong hoặc tìm một địa điểm có thể sản xuất 85 megawatt điện trên một phần của con sông nơi đã xây dựng các con đập khác. Bằng cách đó, chúng sẽ không ảnh hưởng đến con đường di cư của cá. Con đập ở vị trí khác thì vẫn có tác động đến trầm tích nhưng không tác động đến đường di cư của cá. Một giải pháp thay thế như vậy thực sự quan trọng để bảo vệ nghề cá của Campuchia và Việt Nam. 

Tuy vậy, cũng có thể thay thế dự án thủy điện này mà không cần xây đập ở chỗ khác. 

Năng lượng mặt trời quy mô rất khả thi ở khu vực Nam Lào và khả thi với hệ thống đường dây truyền tải. Nếu nguồn điện này được gửi đến hai khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam, các đường dây truyền tải có thể được liên kết với các nhà máy năng lượng mặt trời quy mô cũng như có thể dễ dàng liên kết với các đập. 

Tiếp theo là một lựa chọn khác, đó là năng lượng mặt trời nổi. Bạn có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời lớn trên mặt hồ chứa nước đã được xây dựng. Nó có thể dễ dàng đạt tới 85 megawatt, nguồn năng lượng mà đập thủy điện Sekong A tạo ra. Nó không phải là nhỏ, nhưng nó không phải là một con số lớn. 

Tôi nghĩ có nhiều cách để làm hài lòng tất cả các bên trong tình huống cụ thể này bằng một dự án thay thế và một cách tiếp cận thay thế. 

Đây là một vấn đề thực sự cấp bách. Hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng con sông sẽ sớm bị đóng cửa. Một khi nó bị đóng cửa, nó sẽ không thể mở lại được và có thể mất nhiều tháng nếu muốn mở. Và con đập này có khả năng đóng cửa chặn dòng trong mùa khô này.

RFA: Cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.