In những quyển sách “nhạy cảm” tại Việt Nam như thế nào?

Kính Hòa RFA
2018.10.30
Chinh_tri_binh_dan.jpeg Bìa sách Chính trị Bình Dân của Phạm Đoan Trang, xuất bản tháng 9/2017.
Tác giả cung cấp.

Trong quyết định đưa ra vào ngày 25/10/2018 của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức có đoạn viết:

Nhà xuất bản Tri thức do Giáo sư Chu Hảo làm Giám đốc đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời vi phạm Luật xuất bản nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy.

Cho tới nay vẫn không thấy Đảng Cộng sản đưa ra thông báo quyển sách nào Giáo sư Chu Hảo cho xuất bản bị trái với chủ tương của họ. Nhưng người ta nhớ đến quyển sách Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, tác giả là học giả Nguyễn Đình Đầu, do Nhà xuất bản Tri thức thực hiện, đã được in nhưng bị đình lại, vào tháng 1/2017.

Quyển sách này nói về một nhân vật lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ thứ 19 là ông Trương Vĩnh Ký, được nhìn nhận như một nhà văn hóa của Việt Nam vào thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Tây Phương. Nhưng ông lại là người hợp tác với người Pháp cho nên bị chính quyền Việt Nam hiện nay xem như một người hợp tác với thực dân xâm lược.

Theo nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, hiện về hưu tại Sài Gòn, thì những quyển sách mà Giáo sư Chu Hảo cho xuất bản mang nội dung truyền bá triết học, dân chủ phương Tây, và đó là một trong những nguyên nhân mà ông bị kỷ luật, và dĩ nhiên sẽ không còn được làm việc công khai xuất bản sách nữa.

Trong bức thư được công bố về việc ra khỏi Đảng Cộng sản của mình, ký vào ngày 26/10/2018, Giáo sư Chu Hảo nêu rõ rằng dù đã không còn tin tưởng Đảng Cộng sản nữa, nhưng ông đã sử dụng thế đứng của mình trong đảng để có thể làm những việc có ích.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bình luận rằng việc đó là một thực tế ở Việt Nam, khi muốn làm bất cứ một việc gì quan trọng thì phải có mối qaun hệ với Đảng Cộng sản.

Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, và đảng này có hẳn những cơ quan kiểm duyệt rất chặt chẽ việc xuất bản sách, để ngăn chận những quyển sách không phù hợp với tư tưởng cộng sản của đảng.

Nhưng ngược  dòng thời gian gần hai mươi năm trở lại đây, nhiều quyển sách gọi là có nội dung “nhạy cảm”, đã được các nhà xuất bản của nhà nước cho ra đời bằng nhiều cách khác nhau.

Vào năm 2000 quyển sách tự truyện của nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn, Chuyện kể năm 2000, đã được nhà xuất bản Thanh Niên cho ấn hành, mặc dù người chịu trách nhiệm biên tập quyển sách này biết rằng nội dung của nó không được Đảng Cộng sản chấp nhận, vì nó mô tả xã hội Việt Nam trong mô hình cộng sản áp chế nhiều tầng nấc khác nhau. Theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù chính trị, người ta đã lợi dụng thời gian Tết Nguyên đán để in quyển sách này nhằm lọt lưới kiểm duyệt.

Vào năm 2013, quyển sách Trại súc vật của nhà văn Anh Georges Orwell được in ở Việt Nam bằng cách đổi tên thành Chuyện ở nông trại. Quyển sách này cũng mô tả một xã hội cộng sản theo mô hình Stalin với nhiều sự áp bức, mặc dù đề cao sự bình đẳng.

Cơ quan kiểm duyệt sau đó đã phát hiện ra nội dung quyển sách và lặng lẽ thu hồi.

Tháng 6/2017, quyển hồi ký chính trị của sử gia Trần Trọng Kim, Dọc đường gió bụi, được xuất bản rồi bị ngừng lại. Quyển sách này mô tả những ngày đầu tiên nhà nước cộng sản Việt Nam được thành lập vào năm 1945, trong đó tác giả có nói đến việc những người cộng sản dùng bạo lực để ép dân chúng bỏ phiếu cho mình. Theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, hiện nay sự kiểm duyệt ở Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận những hồi ký chính trị như vậy, mặc dù trong đó chỉ kể lại những gì đã xảy ra.

Tháng 9/2017, quyển Mối chúa của nhà văn Tạ Duy Anh được in ra rồi bị thu hồi vì giới chức kiểm duyệt cho rằng quyển sách mô tả nông thôn Việt Nam đen tối quá. Theo lời tác giả nói với đài RFA thì nội dung chính của tác phẩm là tố cáo những quyền lực đen tối đã và đang áp bức người nông dân Việt Nam.

Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày. Chúng tôi muốn tác phẩm sinh ra phải như một cơ thể sống đầy đủ hình hài.
-Nhà thơ Lý Đợi.

Tháng 7/2018, quyển sách Garma Vòng tròn bất tử, nói về việc bộ đội hải quân Việt Nam tại Trường Sa vào năm 1988 bị tàu chiến Trung Quốc thàm sát, được chính thức phát hành sau bốn năm xin giấy phép của 14 nhà xuất bản khác nhau. Cuốn sách sau đó lại bị thu hồi viện dẫ những lý do kỹ thuật.

Bên cạnh những quyển sách được các nhà xuất bản “chính thống” cho ra đời, còn có việc xuất bản sách của những nhóm tự phát, một trong những nhóm đó có tên là “Nhà xuất bản giấy vụn.” Nhóm này bắt đầu hoạt động từ những năm 1990, một trong những sáng lập viên của nhóm là nhà thơ Lý Đợi nói với đài RFA:

“Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày. Chúng tôi muốn tác phẩm sinh ra phải như một cơ thể sống đầy đủ hình hài.”

Chính nhóm này đã ấn hành quyển Trại súc vật rất lâu trước khi nó được nhà xuất bản Nhã Nam đổi tên thành Chuyện ở nông trại để in một cách chính thức, vượt qua lưới kiểm duyệt.

Với sự phát triển của thương mại điện tử toàn cầu, càng về sau càng có nhiều tác giả cho phát hành sách của mình bằng những phiên bản điện tử, từ nước ngoài. Một trong những tác phẩm gây tiếng vang gần đây là quyển Chính trị bình dân của nhà báo, hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang, được ra đời vào năm 2017. Theo tác giả mục đích của quyển sách là phổ cập kiến thức chính trị đến với người Việt Nam bình thường, thoát khỏi cách giải thích độc quyền của Đảng Cộng sản về những khái niệm chính trị lâu nay.

Cuối cùng, còn một kênh xuất bản sách nữa tại Việt Nam mà qua đó những quyển sách bị cho là “nhạy cảm”, bị kiểm duyệt được ra đời, đó là những người in sách lậu. Kênh xuất bản này chạy đúng theo nguyên tắc thị trường, sẽ in những quyển sách nào bị cấm mà được ưa chuộng.

Sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng những quyển sách của nhà xuất bản Tri thức vốn mang tính triết lý hay phân tích xã hội, kén người đọc, lại có thể sẽ được nhiều người quan tâm sau “bản án” của ông Chu Hảo, và vì thế những người in sách lậu sẽ quan tâm đến việc phát hành những quyển sách này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.