Có cần thành lập Bộ Thanh Niên?

Diễm Thi, RFA
2020.04.20
000_B23S6.jpg Hai thành viên đoàn thanh niên Cộng sản sử dụng điện thoại di động khi ngồi với một người phụ nữ lớn tuổi tại bàn phụ trách phân phát phiếu bầu cho cử tri, tại trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2016.
AFP

Sáng 20 tháng 4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ‘làm sao luật ra đời thì có lực lượng thanh niên xung kích đi đầu, bật ra được những công trình được đầu tư công, tạo việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên không có điều kiện học lên cao, chưa có điều kiện học nghề.’

Bà Ngân cho rằng thời kỳ này, thanh niên cần được quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ vận động mà không được quyết định, thanh tra hay kiểm tra. Bà Ngân đề nghị thành lập Bộ Thanh Niên.

Luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc Công ty luật TNHH Hà Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng Quốc Hội đang làm việc của Chính phủ:

Việc đề nghị thành lập Bộ Thanh Niên, nếu có, là việc của Chính phủ chứ không phải việc của Quốc Hội. Việc Chủ tịch Quốc hội đưa ra ý kiến, đề xuất như vậy là không đúng chức năng của Quốc Hội. - Luật sư Hà Huy Sơn

“Việc Thành lập Bộ Thanh Niên thì tôi đã có ý kiến trên facebook của mình. Đó là theo Khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc Hội có thẩm quyền quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ.

Nói cách khác, việc đề nghị thành lập Bộ Thanh Niên, nếu có, là việc của Chính phủ chứ không phải việc của Quốc Hội. Việc Chủ tịch Quốc hội đưa ra ý kiến, đề xuất như vậy là không đúng chức năng của Quốc Hội.”

Theo phân tích của bà Ngân, Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định, không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ. Do đó bà đề nghị thành lập Bộ Thanh niên, nâng cấp từ Đoàn, có chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.

Trong khi đó, cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, có thể giao chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Nội vụ sang Trung ương Đoàn Thanh niên bằng cách hợp nhất giữa các cơ quan của Đảng với cơ quan của Chính phủ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Hai tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là hai tổ chức bỏ tù giới trẻ Việt Nam về mọi mặt. Hai tổ chức này làm hỏng thanh thiếu niên Việt Nam. Nếu dẹp được và thay bằng một bộ mà về mặt hành pháp có thể làm những việc về chính sách, về thanh thiếu niên thì theo tôi, ý tưởng đó là rất hay.

Còn nếu vẫn để hai tổ chức kia thì hoàn toàn không nên thêm Bộ Thanh niên. Phải dẹp cho được hai tổ chức kia của đảng cộng sản đi."

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sẽ rất nguy hiểm nếu ‘đẻ’ thêm ra Bộ Thanh Niên, trong đó Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, vì nó lẫn lộn giữa đảng phái với bên hành pháp.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hiện nay là một tổ chức chính trị - xã hội do ĐCSVN và ông Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Tổ chức này được coi là vườn ươm đội ngũ cán bộ lãnh đạo và là cánh tay nối dài của nhà nước. Đoàn Thanh niên được vận hành hàng dọc từ trung ương xuống đến cấp xã, phường với đầy đủ chức danh thuộc biên chế ăn lương nhà nước.

Tên gọi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được ra đời vào tháng 12 năm 1976, hợp nhất từ Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc khai mạc hôm 11 tháng 12 năm 2017, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cảnh báo về tình trạng các đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”.

Lúc đó, Cựu đại tá Bùi Tín nói với RFA rằng đây là một thực trạng đang xảy ra tràn lan ở Việt Nam :

"Thanh niên hiện nay chúng chán lắm có muốn vào Đảng hay Đoàn đâu. Mà có bắt buộc vào chúng nó cũng có sinh hoạt gì đâu. Chúng không thấy gì bổ ích cả. Đảng viên thì nhiều chi bộ không họp, họ chán quá rồi. Tất cả những điều này là do uy tín của Đảng xuống thấp nhất, không được tin cậy nữa.”

Nhiều ý kiến cho rằng không nên thành lập Bộ Thanh Niên vì nó lại ngốn ngân sách nhà nước. Nếu thật sự chỉ là nâng cấp từ cái sẵn có, không thêm biên chế thì đó cũng là điều tốt.

Hai tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là hai tổ chức bỏ tù giới trẻ Việt Nam về mọi mặt. Hai tổ chức này làm hỏng thanh thiếu niên Việt Nam. - TS. Nguyễn Quang A

Luật sư Hà Huy Sơn nêu quan điểm của ông:

“Hiện giờ Đoàn thanh niên hoạt động cho tổ chức thuộc Mặt trận tổ quốc. Thực chất nó vẫn là một cơ quan thuộc diện nhận ngân sách. Nên ghép vào một bộ nào đó, chẳng hạn Bộ văn hóa - Thể thao…có chức năng của một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc ghép như vậy cũng là tốt với điều kiện không tăng nhân sự, không tăng chi tiêu ngân sách. Tôi cho đấy là một cái tích cực, tức là ghép chức năng vào một bộ hiện thời chứ không lập một bộ mới.

Theo tôi, người dân hiện nay đều muốn thu gọn lại bộ máy của Nhà nước, của Chính phủ, giảm bớt chi tiêu ngân sách. Việc bày ra thêm một Bộ mới là không phù hợp.”

Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương là ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Với xu hướng tinh gọn bộ máy Nhà nước, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2017.

Con số thống kê trước đó cho thấy, Việt Nam với dân số hơn 93 triệu nhưng có đến 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương do ngân sách nhà nước đài thọ. Con số này bao gồm cán bộ, công chức, người ăn lương hưu, hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, kể cả các hội đoàn nhà nước.

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, về tổ chức hành chánh, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giảm 4.139 tổ chức và 9.893 cán bộ lãnh đạo, quản lý; về đơn vị sự nghiệp giảm 4.162 đơn vị và 6.229 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy vậy, Bộ Tài chính ước tính số chi ngân sách Nhà nước cả năm 2019 là khoảng 1,666 triệu tỉ đồng, tăng 33.500 tỉ đồng so với kế hoạch.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.