“Tham nhũng vặt” ở Việt Nam: Bao giờ chấm dứt?

RFA
2019.07.02
ThamnhungVat.jpg Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg vào ngày 27/06/19.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình dangcongsan.vn

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân trong giải quyết công việc, diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tình trạng “tham nhũng vặt” cần phải sớm chấm dứt.

“Tham nhũng vặt” là gì?

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, diễn ra vào sáng ngày 27/06 tại Hà Nội, báo giới quốc nội dẫn lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng cán bộ, công viên chức của nhiều ngành, ở nhiều cấp lợi dụng chức vụ, kẽ hở về chính sách và pháp luật, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiên hà, giải quyết không đúng quy định…dẫn đến hậu quả cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Báo cáo mới nhất do Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên về Chỉ số Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam hồi cuối tháng 3 năm nay, cho thấy có đến 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn.

Bà Nguyễn Thị Bích, nhân viên quản lý dự án của một công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng xác nhận với RFA rằng có thể nói tất cả doanh nghiệp ở Việt Nam đều phải “chung-chi” cho vấn đề thủ tục hành chính:

“Nếu như nói ‘một cửa-một dấu’ nhưng tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế. Chủ trương Nhà nước không sai, nhưng người thực thi ở mỗi địa phương vì đời sống của nhân sự trong bộ máy của các ban, ngành có thể gây ra nhũng nhiễu cho người dân.”

Vào đầu tháng 4 năm 2019, Báo cáo PAPI 2018, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam được công bố với gần 60% trong số 14300 người ngẫu nhiên tham gia khảo sát cho biết mặc dù họ ghi nhận tình trạng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua nhưng người dân vẫn hoài nghi về nỗ lực chống tham nhũng được báo chí đưa tin nhiều trong năm 2018 và tham nhũng vẫn là mối quan ngại hàng đầu trong công chúng.

Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người phát động chiến dịch chống tham nhũng từng tuyên bố rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành xu thế và phong trào chứ không phải lẻ tẻ từng vụ.

Nếu như nói ‘một cửa-một dấu’ nhưng tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế. Chủ trương Nhà nước không sai, nhưng người thực thi ở mỗi địa phương vì đời sống của nhân sự trong bộ máy của các ban, ngành có thể gây ra nhũng nhiễu cho người dân
-Bà Nguyễn Thị Bích

Không ít vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong vài năm trở lại đây, điển hình như vụ án xảy ra tại tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), mà hai lãnh đạo của tập đoàn này bao gồm ông Định La Thăng, cựu Ủy viên bộ chính trị và ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức nhà nước cấp cao bị tuyên các bản án lần lượt là 13 năm tù giam và chung thân.

Tuy nhiên, xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) cho Việt Nam bị tụt 10 bậc trong Báo cáo thường niên năm 2018 về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI).

Trong khi đó, một số những người dân ở khắp 63 tỉnh, thành của Việt Nam Đài RFA tiếp xúc cho rằng trước lời kêu gọi của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho phong trào chống tham nhũng cũng như những kết quả đạt được từ phong trào này, thì nạn tham nhũng vẫn hiện hữu từng ngày, từng giờ trong đời sống xã hội, mà giới chức chính quyền gọi là “tham nhũng vặt”. Một người dân ở Sài Gòn có thân hữu làm việc trong ngành cảnh sát giao thông giải thích với RFA vì sao tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn cứ tồn tại:

“Hiện tại, lực lượng cảnh sát giao thông theo quy định của ngành là tiền phạt sẽ được (Nhà nước) cắt lại cho lực lượng này này đến 70-80%. Nếu nói về yếu tố thủ tục theo quy định thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhận được tiền nhiều hơn, tuy nhiên thủ tục mà người vi phạm đi nộp vào Kho bạc Nhà nước rồi các anh cảnh sát giao thông đi làm thủ tục để nhận lại 70-80% của số tiền nộp phạt đó nhiêu khê quá nên các anh cảnh sát giao thông chia đôi (tiền phạt) trực tiếp với người vi phạm cho nhanh.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình quangninh.gov.vn
“Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, yêu cầu cần phải quán triệt chỉ thị, sớm chấm dứt tình trạng “tham nhũng vặt” biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt…Cũng tại hội nghị trực tuyến này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh trong lời phát biểu rằng Hà Nội từng bước xây dựng văn hóa không tham nhũng trong xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công viên chức; đồng thời sẽ giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của những người có chức vụ, quyền hạn và xóa bỏ tình trạng lợi ích nhóm. Blogger Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động dân chủ và là cư dân ở thủ đô, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do sau khi nghe tuyên bố vừa nêu của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội:

“Tôi với tư cách là một người dân thì tôi rất mừng bởi vì khi một lãnh đạo cao nhất của thành phố đã có tuyên bố như thế thì ít nhất, chưa cần biết họ có làm hay không, nhưng họ nói ra nên là điều rất tốt. Ở Hà Nội sẽ có rất nhiều người dân, báo giới kể cả các cơ quan ban ngành trung ương sẽ kiểm tra và xem xét xem lời tuyên bố của ông Chung trên thực tế có như vậy không?”

Ông Nguyễn Lân Thắng bày tỏ sự hy vọng tình trạng tham nhũng ở thành phố nơi tập trung các cơ quan công quyền của trung ương sẽ được đẩy lùi qua tinh thần quyết tâm của giới lãnh đạo:

Bộ máy của Đảng và của Nhà nước với đồng lương không cao, nhưng ai cũng muốn bám lấy, dựa vào quyền để đục khoét của dân. Tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn
-Giáo sư Tương Lai

“Tôi thấy cũng có một số phương tiện báo chí đã vạch ra chuyện này, chuyện kia xảy ra tại Hà Nội cũng có những vấn đề nghi ngờ liên quan tham nhũng. Thế nhưng không biết các chứng cứ của cơ quan báo chí chưa đủ mạnh hay do các quan hệ, những sức ép nào đó mà có thể nói là đến giờ chưa có nhiều sự việc ở Hà Nội gần đây được phanh phui. Tôi hy vọng qua lời tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung thì trong thời gian tới đây, các cơ quan báo chí và các ban ngành trung ương cũng sẽ hưởng ứng nhiệt liệt và cùng quan sát, cùng phát hiện ra những vụ việc tham nhũng ở thành phố Hà Nội.”

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng việc Việt Nam không có tam quyền phân lập cộng với sự giám sát kém của truyền thông đã khiến việc đấu tranh chống tham nhũng kém hiệu quả.

Không chỉ riêng quan điểm cá nhân của nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Lân Thắng, mà giới quan sát tình hình Việt Nam cũng cho rằng vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam sẽ còn tiếp diễn dưới sự lãnh đạo của mỗi duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam, như nhận định của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam rằng:

“Bộ máy của Đảng và của Nhà nước với đồng lương không cao, nhưng ai cũng muốn bám lấy, dựa vào quyền để đục khoét của dân. Tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.