Trang Ba Sàm ngưng hoạt động

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017.04.18
ee3d1372-3c94-4d44-8e73-535c1c5409ba.jpeg Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016.
AFP photo

 

Trang mạng Anh Ba Sàm, mà người khai sinh ra nó  đang ngồi tù, sẽ chính thức ngưng hoạt động ngày 20 tháng này. Thông tin này gây tiếc nuối cho những người hằng ngày truy cập vào trang này để đọc tin.

Sức hấp dẫn của báo lề dân

Hôm thứ Sáu 14  vừa qua, dư luận ‘dậy sóng’ với tin báo của biên tập viên Đinh Ngọc Thu, người đảm nhiệm cập nhật và post tin bài cho Anh Ba Sàm 8 năm qua, nói rằng do không thể một mình cáng đáng nổi công việc, nên phải chính thức ngưng hoạt động ngày 20 tháng Tư  tới đây.

Nhà báo Nguyễn Văn Tạo, cựu chiến binh Quảng Trị năm 1972,  cho biết trang Anh Ba Sàm ngưng hoạt động là một điều đáng tiếc:

Tôi rất tiếc về trường hợp như Anh Ba Sàm, rất lấy làm tiếc. Đinh Ngọc Thu có lần tâm sự với tôi là cô làm không nổi, một mình cô làm tối tăm mặt mũi mà còn phải lo gánh nặng gia đình nữa.

Trang Anh Ba Sàm thì có thể nói là hấp dẫn nhất trong các trang mạng người dân làm.
- Nhà báo Nguyễn Văn Tạo

Trang Anh Ba Sàm thì có thể nói là hấp dẫn nhất trong các trang mạng người dân làm. Nhờ phát triển của Internet nên công chúng bắt đầu biết về cái dở của báo chí nhà nước. Họ kiểm nhận, kiểm chứng với thực tiễn thì họ thấy báo mạng, báo lề dân trung thực hơn, đầy đủ hơn, đa chiều hơn. Tôi biết Nguyễn Hữu Vinh làm chuyện đó với động cơ lành mạnh, trong sáng. Anh Ba Sàm tập hợp thông tin đa chiều lắm, kể cả báo nhà nước, báo phương Tây, kể cả những tờ báo được coi là bảo hoàng như tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân vân  vân... anh Vinh cũng đưa vào hết, không phân biệt gì hết, anh trình bày để cho công chúng tự đánh giá”.

Báo  mạng không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước là nhu cầu thông tin của mọi giới trong thời đại công nghệ tin học. Thay vì dập tắt nó, nhà nước nên tìm hiểu vì sao báo lề dân lại ăn khách hơn báo đảng hay báo lề phải. Đó nhận định của ông Trần Ngọc Quang, trước làm việc cho báo đảng ở Hà Nội, nay là nhà báo độc lập ở Nha Trang:

Báo mạng như trang Ba Sàm thực sự là cuộc cách mạng, là nhu cầu khai mở xã hội dân sự, chứ báo lề phải bị trói chân trói tay hết thì viết cái gì đâu. Bây giờ từ người bình dân cho đến giới trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà báo độc lập ... ngày nào cũng vào trang Ba Sàm.

Ở Hà Nội thì hàng trăm nhà báo như vậy, rồi các cháu trẻ tự nó lên những trang độc lập. Mà thực sự xã hội Việt Nam đã trong tình trạng là chính quyền không kiểm soát được dư luận, trước đây anh quen cái lối tuyên truyền một chiều rồi, bây giờ do công nghệ thông tin mà dân thành nhà báo luôn, kể cả những người bình dân chưa biết sử dụng mạng cũng đã bắt đầu tập và truyền tay nhau. Tất cả là nhu cầu tìm sự thật và chân lý mà quan trọng là bây giờ dân chúng không còn lòng tin đối với nhà nước nữa.

Đáp ứng nhu cầu độc giả

Người dân biểu tình bên ngoài tòa đòi trả tự do cho blogger Basàm và cộng sự của anh.
Người dân biểu tình bên ngoài tòa đòi trả tự do cho blogger Basàm và cộng sự của anh.
AFP photo

Dưới mắt nhà văn Vũ Thư Hiên đang ở Pháp, rõ ràng chuyện dân thích báo lề trái và chê báo lề phải không có gì khó hiểu, những người truy cập mạng Anh Ba Sàm cũng không nhất thiết là những kẻ phản động hay chống đối như suy nghĩ của nhà nước Việt Nam:

Tức là báo mà có chỉ đạo, hàng mấy trăm tờ báo mà chỉ có một tổng biên tập thì dần dần người ta mất lòng tin, còn trang Ba Sàm thì nói những chuyện mà người ta tin được.

Nhiều người cũng chỉ vì tò mò hoặc cảm thấy những tin tức trên báo chính thống của nhà nước chuyên chế không đáp ứng được yêu cầu của người ta. Không đáp ứng được lòng mong muốn của người ta thì người ta đi tìm ở chổ khác, người ta đi tìm những trang mạng như vậy.

Từ Czech, ông Đoàn Hòa, một nhà hoạt động cũng là facebooker từng viết một bài liên quan đến việc trang mạng Anh Ba Sàm sắp ngưng tiếng, bày tỏ cảm tưởng:

Thỉnh thoảng tôi cũng có liên hệ với cô Ngọc Thu, giữ được trang Ba Sàm là công rất lớn. Sưu tầm chọn lọc những bài báo có chất lượng cho người đọc đỡ phải tìm kiếm, đỡ phải bơi trong cái biển thông tin rộng lớn. Trang Ba Sàm là một trong những trang có uy tín nhất của bạn đọc trong và ngoài nước.

Còn lý do tại sao người dân trong nước không đọc báo chính thống bởi vì một nhà nước mà nhà cầm quyền có sự chỉ đạo nhất định là báo chí, các mạng truyền thông được đăng được nói về vấn đề gì, nói như thế nào, những vấn đề gì không được phép nói... Cho nên khi đọc báo chính thống người ta toàn thấy những cái đẹp của đảng những cái đẹp của chính phủ thôi chứ người ta không thấy cái thực chất của nó là cực kỳ thậm tệ. Dân muốn tìm sự thật thì phải đi tìm ở những trang mạng cá nhân hoặc những trang mạng người ta gọi là lề trái. Điều đó không có gì ngạc nhiên, bản thân tôi cũng không bao giờ đọc những trang mạng lề phải cả bởi tin tức không trung thực.

Báo mạng như trang Ba Sàm thực sự là cuộc cách mạng, là nhu cầu khai mở xã hội dân sự, chứ báo lề phải bị trói chân trói tay hết thì viết cái gì đâu.
- Ông Trần Ngọc Quang

Không còn Anh Ba Sàm mà mọi người từng ưa thích thì sẽ có những trang mạng lề trái và độc lập khác mà ảnh hưởng của nó không thua kém trang anh Ba Sàm, là khẳng định của nhà báo Trần Ngọc Quang:

Có một số những trang như là Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt của Vũ Quang Thuận đó. Vừa rồi Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển bị bắt rồi. Sau khi bắt Vũ Quang Thuận thì một loạt những trang Chấn Hưng Nước Việt lại ra đời và người ta phát tại địa chỉ nhà riêng người ta.

Thế còn nhà báo độc lập Lê Dũng Vova đó, bây giờ tại nhà Lê Dũng Vova cũng có một logo của Chấn Hưng Nước Việt, rồi thì Lê Trọng Hồng là một nhà giáo đã đốt bằng đại học sư phạm của mình. Những người như vậy luôn bị an ninh làm phiền mà họ vẫn cứ nói. Những tố chất như vậy tôi cho là xã hội đã thay đổi.

Vẫn theo lời ông Trần Ngọc Quang, đây là những trang mạng mà người ta có thể truy cập bất cứ lúc nào để biết rõ về những vụ việc đang nóng sốt như vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội chẳng hạn. Đó là sức mạnh và sự hấp dẫn của các trang mạng lề dân ở Việt Nam hiện nay, nhà báo Trần Ngọc Quang kết luận.

Từ năm 2007, trang Blog Anh Ba Sàm của blogger Nguyễn Hữu Vinh, chuyên cập nhật và post lên những tin bài thời sự xã hội trong nước, trở thành trang báo mạng có nhiều người truy cập.

Những bài trên Anh Ba Sàm thường được báo chí người Việt ở nước ngoài trích đăng lại như một nguồn đáng tin cậy.

Tháng Năm 2014, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Vinh cùng người cộng sự là bà Nguyễn Minh Thúy về tội lợi dụng tự do-dân chủ để đưa những bài bị cho là nói xấu Đảng và Nhà nước lên trang Anh Ba Sàm cũng như hai trang Dân Quyền và Chép Sử Việt.

Phiên tòa sơ thẩm tháng Ba năm 2016 đã chiếu theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự để tuyên án 5 năm tù giam đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm tù giam đối với bà Lê Thị Minh Thúy. Tháng Chín 2016, tòa phúc thẩm giữ y án tòa dưới, ông Nguyễn Hữu Vinh vẫn bị 5 năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy vẫn 3 năm tù.

Dư luận trong và ngoài nước cho rằng vụ xử Anh Ba Sàm là vụ án bỏ túi, chỉ trích chính sách cứng rắn và chuyên chế của nhà cầm quyền muốn bịt miệng những tiếng nói lề phải, trong lúc lượt người truy cập tăng lên hàng triệu lượt mỗi tháng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.