Kiểm toán nhà nước được xử phạt hành chính: ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’?
2020.06.30
Theo nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính bắt đầu từ ngày 1/7.
Cụ thể, tại Điều 11, Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nhận xét về điều luật mới của kiểm toán nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 này, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng Việt Nam ngày càng có những quy định ra đời bất chấp mọi quy tắc tư pháp và luật pháp.
“Ví dụ như luật kiểm toán vừa đi kiểm tra vừa được quyết định xử phạt hành chính, đúng là họ trao quyền cho một người vừa được phép luận tội lại vừa được phép xử phạt. Do đó tính độc lập về mặt tư pháp hầu như sẽ bị chà đạp. Tôi thấy rằng nó sẽ tạo cơ hội cho chuyện tiêu cực để tham nhũng. Thứ hai nữa ta cũng thấy rằng chứng tỏ ngân sách nhà nước đã cạn kiệt và bây giờ họ tìm đủ mọi cách để thu về cho ngân sách để hệ thống có thể tồn tại và hoạt động.”
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động dân sự, Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng đồng tình cho rằng việc bổ sung điều luật vừa nêu là bất hợp lý. Ông giải thích:
“Cơ quan kiểm toán nhà nước trực thuộc quốc hội mà quốc hội là cơ quan lập pháp, không phải cơ quan hành pháp. Chức năng của kiểm toán được quy định rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước đó là xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công. Bây giờ đưa thêm cho họ có quyền xử phạt trực tiếp sẽ lấn qua bên hành pháp là bên chính phủ. Thứ hai là không đúng với thông lệ quốc tế về nghề kiểm toán. Việc sinh ra như vậy sẽ giẫm đạp lên công việc của thanh tra chính phủ và rất dễ phát sinh ra tệ nạn tham nhũng thêm chứ không giải quyết được gì.”
Trao đổi với RFA vào tối 30/6, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng đây là sự đi ngược với tiến trình phát triển xã hội vì kiểm toán nhà nước đã kiêm nhiệm nhiệm vụ khác mà đúng về bản chất là họ không nên và không được thực hiện.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng trên thực tế, nhiều cơ quan tương tự đã thực hiện không phải kiểm toán là cơ quan đầu tiên có việc trùng lắp nhiệm vụ, ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ thế này.
“Xét về góc độ thì cơ quan kiểm toán bên mình gần như cơ quan hành chính, tổ chức bộ máy của nó chẳng khác gì cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam, nên nó có quyền kiểm tra giám sát và xử phạt thì nó cũng không có gì lạ so với các quy định cơ quan hành chính khác của Việt Nam hiện thời.”
Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy cơ quan nào cũng muốn mình có quyền xử phạt. Ông nói rõ:
“Nghĩa là ngoài việc quản lý hành chính hay làm việc chuyên môn của mình thì thêm việc áp dụng các chế tài. Có nghĩa là có chế tài thì mới đe nẹt được doanh nghiệp và người dân, nói theo ngôn ngữ dân gian là ‘có màu’ hơn. Thế thì họ cứ thi nhau nại ra những quy định riêng biệt như thế.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng sở dĩ có tình trạng như Luật sư Ngô Anh Tuấn vừa nói là do thể chế tại Việt Nam.
Ông Ngô Nhật Đăng đưa ra điển hình về việc công an sinh ra các luật để phạt phương tiện giao thông, tự thu tiền của dân mà ngay khi ông Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh vẫn không có tác dụng.
“Đầu tiên mà chúng ta thấy câu tục ngữ của Việt Nam gọi là tình trạng ‘quân hồi vô phèng’ hoặc một số lãnh đạo của đảng đã nhiều lúc nói tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’, tình trạng sứ quân các thứ và tình trạng cơ quan riêng không nghe sự chỉ đạo của cơ quan trung ương bên trên nữa. Họ tự ý để quyền cho mình với mục đích cuối cùng chỉ là thu tiền.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng tình trạng mà ông vừa nói đã có từ trước nhưng đến giai đoạn này lại phổ biến, không chỉ ở một vài cơ quan, tổ chức nữa mà hầu như xảy ra ở tất cả cơ quan, tổ chức, thậm chí các đơn vị hành chính như các tỉnh thành đều tự ý đề ra quyết định mà không theo sự chỉ huy thống nhất từ trung ương.
Trong Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước cũng có quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử và các quy định khác được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng những điều luật bổ sung thêm nhiệm vụ cho cơ quan Kiểm toán nhà nước hay cá nhân Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ đều lâm vào tình trạng bế tắc vì không giải quyết được gì.
“Nói về riêng lĩnh vực kiểm toán cũng như nói chung về hoạt động kinh tế trong chế độ độc đảng toàn trị thì bây giờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ chỉ loay hoay sửa cái ngọn thôi, mà chặt ngọn nào thì sẽ đâm ra nhiều ngọn khác. Có nghĩa là tình trạng lề mề, hành chánh quan liêu và đặc biệt vấn đề tham nhũng là điều không thể nào cứu vãn được.”
Các nhà quan sát đưa ra nhận định cho rằng chính phủ Hà Nội luôn kêu gọi phải diệt trừ tham nhũng, nhưng trong thực tế, những quy định, dự luật được bàn thảo, ban hành gần đây lại cho thấy điều ngược lại; tức tạo điều kiện để cơ quan chức năng tham nhũng.