Đến lúc chết vẫn chưa được nhận tiền bồi thường oan sai - Lỗi từ đâu?

0:00 / 0:00

Ông Hồ Long Chánh, một nạn nhân trong vụ án liên quan đến “vụ cướp năm chỉ vàng” tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh 41 năm trước, vừa qua đời mà chưa được cầm đồng tiền bồi thường oan sai nào.

Ông Hồ Long Chánh là người đầu tiên bị bắt. Do bị kê súng vào màng tang bắt nhận tội và ép phải khai các đồng phạm, cả gia đình tám người lần lượt bị bắt chỉ trong hai đêm cuối tháng 7 năm 1979.

Tám người bị bắt gồm vợ chồng ông Nguyễn Thành Nghị, bà Võ Thị Thương cùng con trai Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1961 (Dũng Nhỏ); vợ chồng ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan với bào thai 5 tháng tuổi; vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan; ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958 (Dũng Lớn) là em bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Ngoài ông Dũng Lớn được nhận quyết định đình chỉ vụ án do ông đòi ngay sau khi được thả, vì ông là quân nhân nên ông sực nhớ mình phải có giấy tờ gì để chứng minh với đơn vị mình là người bị oan, bảy người còn lại được nhận bản photocopy quyết định này vào ngày 4 tháng 4 năm 2019, tức sau 40 năm, dù những bản quyết định này được ký từ năm 1983.

Họ không quan tâm đúng mức, hay không muốn bồi thường sớm, hay vì một lý do nào đó mà cái cách họ nói là ngân sách không có tiền. Chúng tôi thấy ngạc nhiên với cách nói như vậy.- Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc

Trò chuyện với RFA, Luật sư Phạm Công Út, người được ủy quyền đòi bồi thường cho gia đình bà Thương, kể rằng khi được thả ra sau 1.386 ngày bị giam thì nhà đã mất, ruộng không còn. Họ trắng tay không còn gì ngoài tiếng đời là một gia đình bất lương, nhưng họ không thể kêu oan vì họ không có giấy tờ gì chứng minh mình bị oan.

Với sự trợ giúp pháp lý của một nhóm luật sư (không nhận thù lao), các nạn nhân bắt đầu hành trình đòi bồi thường oan sai từ tháng 4 năm 2019. Đến nay, cả bảy người vẫn chưa được nhận đồng nào. Hai người đã chết.

Luật sư Phạm Công Út khẳng định đây là sự tắc trách một cách cố ý của những người đại diện cho cơ quan làm oan (Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh), chứ không phải là vô ý. Ông giải thích:

“Thứ nhất, họ xúi giục những người ủy quyền cho tôi đòi bồi thường từ chối tôi. Thứ hai, họ không tạm ứng tiền bồi thường cho các nạn nhân theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước dù họ có văn bản yêu cầu tạm ứng. Thứ ba, họ không đi xác minh thiệt hại của nạn nhân mà theo luật thì họ có nghĩa vụ phải xác minh. Thứ tư khi có quyết định bồi thường một tỷ không trăm năm chục triệu thì họ không gởi văn bản ra Bộ Tài Chính ngay mà cách đây hai tháng họ mới gởi. Tức họ gởi rất chậm so với quy định của pháp luật. Vậy lý do gì họ gởi chậm để bây giờ họ nói Bộ tài chính chưa gởi tiền về?”

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân nói với RFA sau cái chết của ông Hồ Long Chánh rằng, rất thương tâm là các nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường dù đã có thỏa thuận đồng ý mức bồi thường thấp. Mức này không tính đến khoản oan sai mấy mươi năm qua mà chỉ tính thời gian bị giam cầm. Nhưng họ đã chấp nhận, trừ anh Dũng Nhỏ tiếp tục kiện ra tòa và tòa án Bình Dương đang thụ lý. Ông nói thêm:

“Họ không quan tâm đúng mức, hay không muốn bồi thường sớm, hay vì một lý do nào đó mà cái cách họ nói là ngân sách không có tiền. Quỹ bồi thường không có để chi ra bồi thường. Họ còn đưa ra lập luận là hiện nay không chỉ có một vụ này mà có trên 20 vụ trong cả nước không có tiền bồi thường. Chúng tôi thấy ngạc nhiên với cách nói như vậy.

Cái trách nhiệm này là trách nhiệm bồi thường oan sai. Bên gây oan sai và bồi thường oan sai là Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhưng tiền bồi thường là do tổng hợp từ Viện kiểm sát tối cao. Cao hơn nữa là tiền của Nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường. Tới hôm nay vẫn chậm trễ từ thủ tục hành chính.”

Cụ bà Võ Thị Thương.
Cụ bà Võ Thị Thương. (Photo: Thanhnien.vn )

Ban đầu, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đồng ý bồi thường cho khoảng thời gian các nạn nhân bị tù oan, tức chỉ 1.386 ngày. Các nạn nhân không đồng ý và đòi phải bồi thường 36 năm sau đó trong thân phận bị can. Mỗi người đòi từ trên 10 tỷ đồng đến khoảng 20 tỷ đồng. Nhưng do tất cả đều đã quá già, thêm vào đó là sức khỏe yếu, di chứng do bị đánh đập trong tù… không ai đủ sức chờ đợi nên cuối cùng họ đồng ý với thương lượng nhận mỗi người chỉ hơn một tỷ đồng. Riêng ông Dũng Nhỏ (sinh năm 1961) vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện.

Ông Dũng Nhỏ cho biết:

“Giờ này chưa ai nhận được tiền dù ký quyết định gần bảy tháng rồi mà mấy ổng có nạp lên trên đâu. Mới đi hỏi thì viện kiểm sát cho biết họ mới gởi đi có hai tháng thôi nên chưa có tiền bạc gì hết.

Tui thì đang khiếu kiện ở tỉnh Bình Dương. Vừa rồi thương lượng chưa được nên đang chờ ngày ra tòa mà cũng chưa biết bao giờ. Thương lượng hai lần rồi chưa được. Tui không chấp nhận từ đầu và bây giờ đang khiếu kiện tiếp. Mấy người kia thì lớn tuổi quá rồi nên họ chấp nhận chỉ bồi thường thời gian mình ở trong tù là ba năm chín tháng 14 ngày thôi, còn hơn 36 năm ở ngoài trong thân phận bị can thì họ không tính tới.

Tui đang đấu tranh đòi phải bồi thường hết. Trước khi cả nhà bị bắt thì ai cũng có nhà, có đất. Giờ mất hết mà họ không bồi thường vì họ nói không có bằng chứng.”

Quá đau khổ, bây giờ có bồi thường bao nhiêu cũng không thể giải quyết được về tinh thần. Mấy chục năm mất mát từ tinh thần, vật chất, con người…đau cả thể xác lẫn tâm hồn. - Ông Hồ Long Chánh

Là em vợ của ông Hồ Long Chánh, ông Dũng Lớn đã hỏi trực tiếp cơ quan có thẩm quyền thì họ cho biết mọi thủ tục đã xong. Ông đoán trong tháng 10 mọi người sẽ có tiền bồi thường. Ông chia sẻ thêm vì sao các nạn nhân đồng ý nhận số tiền bồi thường thấp:

“Họ chịu sự thỏa thuận và anh yêu cầu họ phải làm khẩn trương. Người ta chấp nhận vì người ta không còn thời gian để chờ đợi nữa. Đúng lý ra khi giải quyết khiếu nại không thỏa đáng thì người ta sẽ kiện và chờ ra tòa. Nhưng vì họ không còn thời gian đủ để chờ ra tòa nên họ phải chấp nhận số tiền này. Anh đề nghị họ phải có trách nhiệm giải quyết cho nhanh để như ông Chánh bây giờ là khó khăn. Họ không có thời gian chờ đợi nữa. Lớn tuổi quá rồi lại thêm việc xác minh tài sản này nọ mất rất nhiều thời gian. Nếu theo đến cùng chắc đến lúc mất cũng không cầm được đồng tiền bồi thường nữa.”

Điều ông Dũng Lớn nói đang là sự thật với ông Hồ Long Chánh. Hồi tháng 4 năm 2019, ngay sau khi được minh oan, ông Hồ Long Chánh chia sẻ với RFA rằng, được minh oan con người trong sáng, trong sạch là một danh dự quá lớn lao và ông mang ơn những luật sư, họ là những đại ân nhân của gia đình ông. Còn chuyện bồi thường, ông nói:

“Quá đau khổ, bây giờ có bồi thường bao nhiêu cũng không thể giải quyết được về tinh thần. Mấy chục năm mất mát từ tinh thần, vật chất, con người… đau cả thể xác lẫn tâm hồn.”

Ngoài ông Hồ Long Chánh, ông Nguyễn Thành Nghị đã mất mà chưa nhận đồng tiền bồi thường nào, bà Võ Thị Thương giờ đã 95 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã 82 tuổi, ông Nguyễn Văn Chiến đã 78 tuổi.

Họ giờ như những ngọn nến trước gió. Đến bao giờ họ mới nhận được tiền bồi thường oan sai là câu hỏi còn bỏ ngỏ…