Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một quyết định sáng suốt

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.11.11
000_HB4S8-622.jpg Ảnh minh họa
AFP

Việt Nam vừa đề xuất việc dừng thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận miền Trung, nói rằng đây quyết sách của Đảng, Nhà Nước và Quốc Hội. Quyết định này lập tức được cho là sáng suốt.

Quyết định của thủ tướng chính phủ, dừng thực hiện việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, được bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày với quốc hội trong cuộc họp chiều 10 tháng Mười Một vừa qua.

Dừng nếu không muốn tiêu tốn nhiều hơn nữa

Theo bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi quyết định thay đổi chính sách về điện hạt nhân thì đây là một quyết định bất khả kháng theo những diễn biến và thay đổi trong bối cảnh chung của quốc tế cũng như những yêu cầu của đất nước.

Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được quốc hội thông qua năm 2009 với tổng vốn đầu tư dự trù khi đó là 200.000 tỷ đồng. Giá điện dự kiến vào lúc khởi đầu kế hoạch chỉ xê xích trong khoảng 4 đến 4 xu rưỡi tiền Mỹ mỗi kilowat.

Tôi nghĩ trước hết phải nói cho đầy đủ là sự sáng suốt hơi muôn màng, hay là sự sáng suốt mà phải trả một giá quá đắt.
-Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, báo cáo từ các cơ quan chức năng liên hệ tính đến lúc này cho thấy tổng mức đầu tư đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong lúc giá điện tăng lên gần 8 xu Mỹ một kilowat.

Ông Lê Hồng Tịnh, phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học, Công Nghệ Và Môi Trường trong quốc hội, cho rằng dừng lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết định đúng lúc cũng như cần thiết nhằm tránh gây thiệt hại nhiều hơn nữa.

Giải thích về hiện tượng đội giá từ 4 xu Mỹ/KWh lên 8 xu Mỹ/KWh như hiện nay, ông Lê Hồng Tịnh nói là vì sau biến cố Fukushima ở Nhật Bản thì yêu cầu của Việt Nam phải sử dụng công nghệ tiên tiến và an toàn hơn nên giá bị đẩy lên cao hơn.

Ngoài ra, vẫn theo lời ông Lê Hồng Tinh, sau sự cố Formosa thì yếu tố rủi ro, vấn đề an toàn và mức độ thận trọng cũng phải được đặt ra, nhất là trong việc giải quyết chất thải hạt nhân và xử lý môi trường.

Ngay sau nguồn tin về việc dừng dự án xây dụng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ sự tán đồng, nói rằng đây là một quyết định sáng suốt:

Tôi nghĩ trước hết phải nói cho đầy đủ là sự sáng suốt hơi muôn màng, hay là sự sáng suốt mà phải trả một giá quá đắt. Sở dĩ tôi nói như thế là bởi vì với tất cả những chứng lý đưa ra thì việc dừng lại là hết sức đứng đắn. Không những hạn chế được những tác hại những hậu quả mà nó còn góp phần làm cho chúng ta phải nhìn nhận lại những gì đã qua đối với một việc quan trọng như thế.

Từng tham gia thảo luận cũng như chứng kiến thời điểm năm 2009, khi quốc hội thông qua Nghị Quyết xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc giải thích vì sao quyết định dừng dự án cũng là một cái giá phải trả:

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
File photo

Thực ra vào thời điểm đó, bên cạnh một số ý kiến đồng thuận thì phải nói có rất nhiều ý kiến băn khoăn thắc mắc hoàn toàn tương tự như những điều mà giờ đây trở thành lý do để chúng ta dừng lại.

Chỉ có điều 9 năm qua, tất cả những băn khoăn ấy đã trở thành hiện thực một cách hết sức thuyết phục. Những câu chuyện liên quan đến tình hình Biển Đông, sóng thần, Formosa và môi trường rồi đến vấn đề giá cả đội lên vân vân... thì điều tôi muốn nói ở đây là nếu như cách đây 9 năm mà có được một nhận định sáng suốt hơn, có một khả năng dự phòng tốt hơn như ý kiến một số trí thức và một số nhà khoa học thời kỳ đó, thì chắc chúng ta không phải trả một cái gia như thế này. Bởi vậy cho nên tôi hết sức tán thành quyết định dừng lại và tôi nghĩ rất nhiều người đồng thuận với quyết định của chính phủ, không những sáng suốt mà tôi còn cho là dũng cảm bởi vì nó phủ nhận một quyết định đã có nhưng cũng phải rút ra được bài học kinh nghiệm.

Trả giá nhưng lấy lại được niềm tin của dân

Tưởng cần nhắc tại hội nghị hạt nhân hồi tháng Năm năm 2015 ở Đà Lạt, qui tụ khoảng 300 chuyên gia thuộc lãnh vực công nghệ hạt nhân trong và ngoài nước, giáo sư tiến sĩ Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam, cục trưởng Cục An Toàn Bức Xạ Hạt Nhân, từng khuyến cáo rằng cơ sở hạ tầng về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chẩn của cơ quan an toàn hạt nhân quốc tế.

Chuyên gia của Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỷ, nhận định:

Tất nhiên Việt Nam do trình độ quản lý, do đầu tư chưa được đầy đủ, tôi nghĩ quyết định tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay là đúng. Vừa rồi đến làm việc với Ninh Thuận, nơi mưa thì ít, nắng thì nhiều, gió thì nhiều rồi hạn hán, ngoài ra là vùng biển cho nên đã có định hướng rằng đấy là tiềm năng rất lớn về những nguồn điện khác như năng lượng mắt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng . Vì thế cho nên định hướng là Ninh Thuận phải tận dụng tối đa nguồn lực đấy.

Chính quyết định dừng lại tuy phải trả giá nhưng phần nào nó lấy lại được niềm tin của người dân, là có lúc chính phủ có những cách nhìn và những quyết định hết sức khó khăn.
-Dương Trung Quốc

Tôi nghĩ nếu vừa rồi Ninh Thuận đã phải giải tỏa mặt bằng đến chuẩn bị mặt bằng xây dựng nhà máy điện mà bây giờ phải tạm dừng thì tất nhiên có ảnh hưởng. Tuy nhiên với số tiền như vậy, với mặt bằng như vậy, vị trí như vậy mà chuyển sang nguồn điện khác tôi nghĩ chắc không có vấn đề gì, mình vẫn có thể bù đắp được theo hướng an toàn hơn về môi trường và rủi ro sẽ ít hơn.

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Ninh Thuận với sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga và Nhật, Việt Nam đã chi ra nhiều tỉ đồng vào việc đầu tư, chuẩn bị, đào tạo, dựng cơ sở hạ tầng. Theo ông Lê Hồng Tịnh, phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học, Công Nghệ Và Môi trường trong quốc hội, dừng dự án lại lại là phù hợp nếu không muốn tiêu tốn nhiều hơn nữa. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc:

Thực ra dự án này có 2 tổ máy, một do Nga tài trợ và thứ hai là của Nhật tài trợ, hai quốc gia có những thành công và có cả những trải nghiệm cay đắng như Tchernobyl hay Fukushima.

Quan điểm của tôi cũng như một số anh em khác là thất thoát hay mất là nhiều. Cái mất đong đếm được và đã công bố là khoảng hơn 2.000 tỷ chỉ trong quá trình triển khai như vậy, nhưng còn cả cái mất ở chỗ là uy tín đối với đối tác của mình. Nga và Nhật đều là hai đối tác quan trọng cả, việc dừng lại dự án lớn như thế không phải không tác động tiêu cực vào những mối quan hệ ấy.

Tuy nhiên phía Việt Nam cũng có thể đưa ra những lý do. Tôi cho một trong những lý do chính đáng nhất là điều kiện không an toàn của nó. Điều quan trọng hơn tôi muốn nói là lòng tin người dân đối với một vấn đề như thế. Chính quyết định dừng lại tuy phải trả giá nhưng phần nào nó lấy lại được niềm tin của người dân, là có lúc chính phủ có những cách nhìn và những quyết định hết sức khó khăn.

Hiện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận đang làm việc với EVN Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam để tìm cách giải quyết một số vấn đề liên quan nếu như quốc hội đồng ý dừng dự án điện hạt nhân ở địa phương. Ông Nguyễn Bắc Việt, phó bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết như vậy.

Nhằm chuẩn bị dự án điện hạt nhân cho Ninh Thuận, chính phủ và quốc hội Việt Nam đã chuẩn thuận đầu tư tuyến đường ven biển của tỉnh cùng với việc tái khỏi động dự án hồ Tân Mỹ trên 200 triệu mét khối.

Tin nói nếu dự án nhà máy điện hạt nhân không tiếp tục thì những công trình giao thông và những cơ sở hạ tầng này vẫn có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Ninh Thuận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.