Hiệp sĩ đường phố: Làn ranh mong manh giữa anh hùng và phạm pháp!
2020.08.12
Ngợi khen và ủng hộ anh tài xế GrabBike
Truyền thông Nhà nước Việt Nam và mạng xã hội tại Việt Nam lan tỏa thông tin liên quan một video clip, dài gần 4 phút, ghi lại hình ảnh một tài xế xe GrabBike đã nhiệt tình mở đường cho xe cứu thương chạy trong dòng lưu thông trên đường phố Sài Gòn.
Bản tin của Báo mạng Thanh Niên, vào ngày 7/8, cho biết nhân vật trong clip video này là anh Đàm Đại Trà, làm công việc chạy xe GrabBike được 3 năm.
Thuật lại vụ việc xảy ra vào khoảng sau 5 giờ chiều ngày 5/8, trong lúc đang đi giao hàng cho khách trên đoạn đường Cộng Hòa thì anh Trà bỗng nghe tiếng còi hú của xe cứu thương. Và vì trong giờ cao điểm kẹt xe, nên anh Trà chủ động mở đường cho chiếc xe cứu thương chạy theo sau lưng mình.
Anh Trà tâm sự rằng đây không phải là lần đầu tiên, mà anh cũng đã từng ra tín hiệu cho xe cộ hai bên đường vào ban đêm, để cho xe cứu thương chạy đến bệnh viện ở quận Gò Vấp.
Đài RFA ghi nhận qua trang fanpage của báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội, hàng chục lời ca ngợi, khen tặng hành động hào hiệp của anh tài xế xe GrabBike, ngay từ khi xem được video clip và chẳng biết tên của anh là gì. Đối với họ, người anh hùng đường phố vô danh là một tấm gương sáng trong xã hội vốn bị dư luận phàn nàn là ngày càng có đông những người vô cảm.
Trong xã hội ở đâu cũng có lòng tốt và cũng có người có lòng trắc ẩn. Những trường hợp người dân gặp khó khăn trên đường và ngay lúc đó không thể nào gọi kịp cho cơ quan chức năng, nên mới có những trường hợp như mấy anh chạy xe Grab mở đường cho xe cứu thương…Đó là những tấm lòng nhân ái ngoài xã hội và xã hội cần rất nhiều những tấm lòng như vậy. Nói chung, làm gì thì làm và pháp luật của Nhà nước vẫn là quan trọng nhất. Các cơ quan chức năng của các ban, ngành đều đi đầu. Còn những người như chúng tôi chỉ là hỗ trợ và quan trọng nhất vẫn là theo đúng pháp luật và làm đúng luật pháp
-Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải
Anh Nguyễn Thanh Hải, thành viên Đội Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải Bình Dương, vào tối ngày 12/8, chia sẻ với RFA về những việc làm của nhóm cũng như của anh tài xế xe GrabBike-Đàm Đại Trà:
“Trong xã hội ở đâu cũng có lòng tốt và cũng có người có lòng trắc ẩn. Những trường hợp người dân gặp khó khăn trên đường và ngay lúc đó không thể nào gọi kịp cho cơ quan chức năng, nên mới có những trường hợp như mấy anh chạy xe Grab mở đường cho xe cứu thương…Đó là những tấm lòng nhân ái ngoài xã hội và xã hội cần rất nhiều những tấm lòng như vậy. Nói chung, làm gì thì làm và pháp luật của Nhà nước vẫn là quan trọng nhất. Các cơ quan chức năng của các ban, ngành đều đi đầu. Còn những người như chúng tôi chỉ là hỗ trợ và quan trọng nhất vẫn là theo đúng pháp luật và làm đúng luật pháp.”
Có thể bị truy cứu do vi phạm pháp luật?
Thế nhưng, cũng có các ý kiến trái chiều qua trường hợp tài xế xe GrabBike, anh Đàm Đại Trà luôn sẵn lòng mở đường cho xe cứu thương.
Một độc giả bình luận trên Báo Thanh Niên Online rằng “Khoảng cách giữa anh hùng và gây rối trật tự cách nhau một chút xíu”.
Lời bình luận vừa rồi không phải là duy nhất. Một cư dân ở Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Ba lên tiếng với RFA:
“Đối với những tấm gương mở đường cho xe cứu thương, hay hiệp sĩ đường phố thấy chuyện bất bình ra tay cứu trợ là đức tính tốt của tình người. Nhưng mọi sự đều có mặt trái của nó. Ví dụ như anh lái xe grab lấn tuyến để mở đường cho xe cứu thương chạy. Nếu bình yên thì cộng đồng khen ngợi, nhưng khi anh này lấn tuyến và một xe chạy đúng chiều tông vào khiến anh này bị ngã xuống, tử vong thì vợ con, gia đình của anh sẽ do ai chăm sóc và chịu trách nhiệm? Còn nếu như anh lấn đường, gây tai nạn cho người khác thì anh này sẽ bị phạt không, bị lấy bắt lái, bị mất việc làm chạy xe crab hay không? Đó là câu hỏi cần phải hỏi.”
Trước thắc mắc về việc anh Trà, tài xế xe GrabBike chạy lấn tuyến, ngược chiều, vượt đèn đỏ để mở đường cho xe cứu thương bị truy cứu trước pháp luật hay không, Báo mạng Soha.vn vào ngày 9/8 dẫn lời của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TP. HCM, cho biết anh Trà đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ về nhiều lỗi. Bà Thu Thủy nhấn mạnh rằng việc làm đó rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, kể cả nguy hiểm cho xe cứu thương và cho chính bản thân của tài xế GrabBike. Nếu tai nạn xảy ra thì tài xế GrabBike phải chịu trách nhiệm cả về dân sự lẫn hình sự.
Luật sư Võ Đan Mạch, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng được Soha.vn dẫn lời rằng pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định nào cấm một cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (như trường hợp của tài xế mở đường cho xe cứu thương) đối với một người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, hành vi của cá nhân khi mở đường cho xe cứu thương mà gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người tham gia giao thông khác thì chủ thể vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, cũng đề cập đến vấn đề này trong lúc trò chuyện với RFA:
“Ví dụ như trong quá trình truy đuổi, đối tượng chạy và lỡ bị đụng xe, bị thương tích thì bên nhóm chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm. Những đội khác thì không biết như thế nào. Nhưng bên đội của chúng tôi không truy đuổi như vậy đâu, và chỉ bắt đối tượng ở tại một điểm nào đó, tổ chức bắt nhằm giúp hỗ trợ an toàn cho người dân chứ không truy đuổi ngoài đường để hạn chế xảy ra những chuyện ngoài ý muốn. Đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh hải không bao giờ đánh người, chỉ hỗ trợ người dân là người bị hại tìm ra đối tượng gây hại ngay tại hiện trường. Sau đó, gọi cho công an phường ở khu vực đó để họ đến di lý người đi, chứ chúng tôi không bắt người hay giải người đi.”
Luật sư Đặng Dũng tiếp lời với RFA qua ghi nhận của ông:
“Người dân thấy những việc như thế thì người ta nghĩ rằng chấp nhận những rủi ro, nguy hiểm, thiệt thòi và người ta tự phát làm. Khi người dân bộc phát làm những chuyện như vậy thì cần phải lưu ý là những tình huống luôn có sự kiện bất ngờ xảy đến. Thành ra, có thể mình vướng vào tình trạng pháp lý mà cũng hiểm nguy cho chính bản thân của họ. Nhưng tính cách của người miền Nam, theo như tôi biết thì giúp đỡ người dân thì mạnh hơn những suy nghĩ thiệt hơn đối với họ và họ chấp nhận những thiệt thòi, nếu có xảy ra. Đó là những hành động rất đáng hoan nghênh. Còn nếu xảy ra những sự kiện bất trắc đến với họ như thế nào thì luật pháp nhiều khi cũng nghiêm ngặt lắm, nghiêm khắc, không truy xét đến cần có các điều kiện bảo vệ đúng mức cho những người ra tay giúp đỡ đó. Chẳng hạn như đã xảy ra nhiều trường hợp các hiệp sĩ bị đâm chết người. Thế thì có luật điều chỉnh không? Người ta phải căn cứ xem người đó ở trong tình huống như thế nào để người ta điều tra, xử lý, giải quyết theo đúng pháp luật.”
Cảnh sát dù làm nhiệm vụ gì thì họ cũng có trách nhiệm giúp đỡ để tránh những vụ vi phạm pháp luật hay giúp đỡ cứu người, thì các cơ quan có nhiệm vụ giáo dục cán bộ, viên chức ngành công an. Người dân mong muốn như vậy! Thành ra, người dân rất mong muốn các cơ quan chức năng và cán bộ, chiến sĩ có mặt tại những địa điểm nóng, để giải quyết những tình huống đột xuất, bất ngờ
-Luật sư Đặng Dũng
Những chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp như nguyên chánh án Nguyễn Thị Thu Thủy, luật sư Võ Đan Mạch, luật sư Đặng Dũng đều đồng quan điểm những anh hùng đường phố như tài xế xe GrabBike, anh Đàm Đại Trà hay các nhóm hiệp sĩ bắt trộm cướp, như Đội Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải Bình Dương.
Thế nhưng luật sư Đặng Dũng bày tỏ rằng cá nhân ông và đông đảo người dân, đặc biệt tại TP.HCM trông chờ một chỉ thị hay văn bản được Chính phủ ban hành, theo đó quy định về trách nhiệm của các lực lượng chức năng chủ động và nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của họ một cách thiết thực và hiệu quả hơn trong các tình huống đột xuất.
“Cảnh sát dù làm nhiệm vụ gì thì họ cũng có trách nhiệm giúp đỡ để tránh những vụ vi phạm pháp luật hay giúp đỡ cứu người, thì các cơ quan có nhiệm vụ giáo dục cán bộ, viên chức ngành công an. Người dân mong muốn như vậy! Thành ra, người dân rất mong muốn các cơ quan chức năng và cán bộ, chiến sĩ có mặt tại những địa điểm nóng, để giải quyết những tình huống đột xuất, bất ngờ.”
Một vài ý kiến của người dân thì cho rằng cảnh sát giao thông hay các chiến sĩ 113 được đào tạo chuyên môn để làm những công việc mở đường cho xe cứu thương hay săn bắt cướp và họ phải luôn túc trực, “có mặt trên từng cây số” biết đâu là điểm nóng qua phản ánh của người dân để bảo đảm an toàn cho xã hội. Đồng thời, họ cũng trông đợi các cấp chính quyền phổ biến nhiều chương trình nâng cao ý thức cộng đồng cùng góp phần duy trì an ninh, trật tự chứ không phải chờ đợi “phép màu” từ những anh hùng đường phố giúp cho.