Nhà giáo có cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp khi đã có bằng sư phạm?
2024.01.22
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đưa ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Trao đổi với truyền thông trong nước, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải, giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác. Ông dẫn chứng ở nhiều nước, giấy chứng nhận nghề nghiệp là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Ông Đức khẳng định, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí.
Ở Việt Nam, trường cao đẳng sư phạm hay đại học sư phạm là những trường do Nhà nước thành lập với mục tiêu được nói là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng; đào tạo những giáo viên và những nhà giáo dục nắm vững tri thức chuyên môn, có khả năng hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập suốt đời, có nhân cách và những phẩm chất của người thầy. Một số nhà giáo cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là việc thừa thãi, vô lý.
Thầy giáo Ngọc Sơn ở Sài Gòn nói với RFA sáng 22 tháng 1:
“Nói chung, một khi người ta được đào tạo qua trường Cao đẳng sư phạm hay Đại học sư phạm thì họ đã có đầy đủ chức năng dạy học. Bây giờ lại lập thêm một cái giấy phép con thì mình thấy nó vô lý vô cùng. Điều cần thiết là loại tính Đảng ra khỏi môi trường giáo dục thì tự khắc giáo dục sẽ tốt lên, cần gì phải cấp ba cái giấy phép con ngớ ngẩn. Không biết mấy ổng hóng hớt ở đâu. Người ta có cái gì là mấy ổng phải có cái đó. Nhiều khi mấy ổng còn tự nghĩ ra những loại giấy tờ rất là tào lao để hành hạ giáo viên như chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng Anh… nhưng thực chất những cái đó toàn là mua không. Ở trên bắt thì giáo viên cũng phải làm thôi”.
Tháng 9 năm 2015, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành một loạt thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học. Đầu tháng 2 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04 có hiệu lực ngày 20 tháng 3 cùng năm, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập.
Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định. Loạt thông tư mới này thay thế các thông tư liên tịch trước đó, chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho thầy cô trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Tuy vậy, theo truyền thông Nhà nước, từ khi các thông tư số 01, 02, 03, 04 ra đời, giáo viên cả nước phải tự bỏ tiền ra học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức học phí khoảng 2,5 triệu đồng.
Việt Nam cứ bày đặt ra những cái chứng chỉ, những cái giấy này giấy kia thực sự chỉ gây phiền phức và tốn. Hội đồng trường đã đánh giá rồi thì ai sẽ cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa?! - Giáo sư Mạc Văn Trang
Giáo sư Mạc Văn Trang nói với RFA quan điểm của ông về việc này, hôm 22 tháng 1 năm 2024:
“Người giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm theo mục tiêu đào tạo của Nhà nước. Họ ra trường, được nhận về trường để qua thời kỳ gọi là thực tập nghề nghiệp. Thế thì Hội đồng của trường người ta đã chứng nhận họ đủ tiêu chuẩn để dạy học rồi thì không cần giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa. Trước nay chỉ thế thôi. Bây giờ bày đặt ra bao nhiêu là chứng chỉ. Trước đây là chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ; giờ thì chứng chỉ nghề nghiệp…bao nhiêu là giáo viên họ kêu ca. Học chẳng ra cái gì cả, tập trung vài ba buổi rồi nộp tiền thi. Mỗi chứng chỉ giáo viên mất vài triệu xong về vứt xó. Đó là điều vô lý và làm khổ giáo viên. Họ làm tất cả chỉ vì tiền.
Ở các nước người ta có hội nghề nghiệp, sau khi đã thành nghề thì các hội đó cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ở Việt Nam không có hội đó mà do Nhà nước làm hết. Mà Nhà nước thì đã đào tạo người ta rồi không cần phải làm thêm cái gì nữa cả. Việt Nam cứ bày đặt ra những cái chứng chỉ, những cái giấy này giấy kia thực sự chỉ gây phiền phức và tốn. Hội đồng trường đã đánh giá rồi thì ai sẽ cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa?!”
Tuy ông Vũ Minh Đức, một viên chức trong Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định với truyền thông Nhà nước là việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đơn giản và miễn phí, nhưng theo một số giáo viên mà RFA trao đổi, việc này chắc chắn sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội với những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan; gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục. Hơn nữa, tất cả các giáo viên dù dạy học trong môi trường công lập hay tư thục đều đã qua những quy định về xét tuyển, tập sự; qua sát hạch, thử việc… mới được ký hợp đồng giảng dạy, nên việc phải có chứng nhận nghề nghiệp là điều vô lý.
Không biết ông bà lãnh đạo Việt Nam nào ngồi nghĩ ra những cái giấy tờ, những cái giấy tờ chứng nhận chứa danh, nghề nghiệp này kia… nó cực kỳ lãng phí, vô ích và không cần thiết một tí nào cả. Cái này chúng ta phải xem lại tư cách đạo đức của mấy ông bà được nhân dân nuôi mà ngồi ngồi nghỉ ra những cái gây ra tốn kém ngân sách, thời giờ và công sức của nhân dân như thế. - Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nói với RFA sáng 22 tháng 1:
“Thật là kỳ cục. Cái ông cán bộ văn phòng nào đó ngồi phòng lạnh nghĩ ra những cái giấy tờ, chứng chỉ hết sức quái đản. Giáo viên đã học chuyên ngành sư phạm là họ đã đủ tư cách để di dạy học. Mà họ đã đi dạy thì họ là những thầy cô giáo. Thế mà bây giờ có kẻ nghĩ ra thầy cô giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Thế thì các ngành nghề khác cũng phải có chứng nhận hết à?! Đây là điều vô lý.
Không biết ông bà lãnh đạo Việt Nam nào ngồi nghĩ ra những cái giấy tờ, những cái giấy tờ chứng nhận chứa danh, nghề nghiệp này kia… nó cực kỳ lãng phí, vô ích và không cần thiết một tí nào cả. Cái này chúng ta phải xem lại tư cách đạo đức của mấy ông bà được nhân dân nuôi mà ngồi ngồi nghỉ ra những cái gây ra tốn kém ngân sách, thời giờ và công sức của nhân dân như thế”.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vào chiều 18 tháng 8 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra con số thiếu giáo viên của cả nước là hơn 118.000; hơn 9.000 giáo viên bỏ nghề.
Cách đây đúng một năm, hôm 22 tháng 1 năm 2023, nhằm mùng Một Tết Quý Mão, Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn gửi tới giáo viên, phụ huynh và xã hội những mong muốn của mình rằng, “chỉ mong đội ngũ nhà giáo có sức khỏe tốt, niềm tin, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục đổi mới bản thân, phương pháp, cách thức, phát huy sáng tạo của mình, để có năm học mới hoàn thành tốt trách nhiệm, một năm hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò.”