Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị: Sân khấu mới, vở diễn cũ?

Trung Khang, RFA
2018.12.04
6f33788411c2f89ca1d3-630 Ảnh minh họa: Biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 8 hôm 6/10/2018.
Courtesy chinhphu.vn

Một vở kịch diễn lại?

Hội nghị Trung ương lần thứ 9 sắp diễn ra và một công tác chính được cho biết là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương và thường trực cấp ủy các cấp… Đây là một dấu hiệu tốt hay chỉ là một vở kịch diễn lại?

Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị trong một Hội nghị trung ương.

Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương lần này, được thực hiện theo quy định số 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội…

Về hình thức tôi nghĩ cũng như thế thôi, tức là không đưa ra mục tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Mà lại đưa ra mục tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, tức là ba cái là tín nhiệm cả.
-Nhà báo Trương Duy Nhất

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết:

“Cũng từ lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban chấp hành trung ương cũng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư... Thông qua việc lấy phiếu này, Ban chấp hành trung ương cũng sẽ có cơ sở để đánh giá các thành viên bộ chính trị và ban bí thư, để rồi có cái xem xét quyết định quy hoạch nhiệm kỳ tới.”

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị lần này, cũng sẽ tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Theo ông, đây là quy định chung của Việt Nam cho đến thời điểm này, tức là Trung ương hay Quốc hội cũng đều lấy phiếu giống nhau, với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hôm 24 tháng 11 năm 2018.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hôm 24 tháng 11 năm 2018.
Courtesy of chinhphu.vn

Tại cuộc gặp cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hôm 24 tháng 11 năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho cử tri biết sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư… Tuy nhiên, theo ông Trọng, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm!? Ông Trọng cho rằng chỉ căn cứ vào phiếu tín nhiệm mà thay thế cán bộ thì chưa chuẩn xác, mà chủ yếu để răn đe, ngăn ngừa, giáo dục...

Từ Đà Nẵng, Nhà báo Trương Duy Nhất, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Theo như ông Trọng tổng bí thư tuyên bố, thì trung ương đảng sẽ lấy phiếu tính nhiệm của các ủy viên bộ chính trị. Tôi nghĩ không biết hình thức lấy phiếu tín nhiệm như thế nào, chứ nếu giống như lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội thì sẽ không có tác động gì cả. Bởi cái thứ nhất, về hình thức tôi nghĩ cũng như thế thôi, tức là không đưa ra mục tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Mà lại đưa ra mục tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Tức là ba cái là tín nhiệm cả. Thứ nhì, đối với đối tượng có điểm số tín nhiệm yếu nhất, thì tôi thấy nó chẳng tác động gì đến sự cố gắng, để xử lý họ hay tạo cho họ sự phấn đấu cả.”

Không tác động gì nhiều?

Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra ví dụ vào cuối năm 2013, khi đó lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thì lần đó người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất là nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy nhiên với số phiếu tín nhiệm thấp nhưng ông Dũng vẫn là thủ tướng. Ông nói tiếp:

“Tức là không có một tác động gì cả do bỏ phiếu tín nhiệm. Và sau này ông Dũng cũng trị vì từ 2013 đến 2016 ông mới nghỉ. Và cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua ở Quốc hội cũng thế, người đội sổ có phiếu tín nhiệm thấp nhất, bê bết nhất là ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Nhưng người ta cũng không coi những cái đó để đánh giá ông Phùng Xuân Nhạ. Thậm chí trong buổi làm việc với Bộ giáo dục, ông Nguyễn Phú Trọng còn nói chưa có bao giờ sự nghiệp giáo dục tốt như bây giờ.”

Trong chế độ độc tài cộng sản họ muốn làm gì cũng làm được hết, họ muốn làm gì thì mọi cái họ sẽ giải thích theo đấy, dư luận, rồi đài, các tờ báo sẽ nói theo ý đấy. Cho nên mọi cái chỉ là hình thức, chứ bản chất không hề thay đổi.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng, hiện sống tại Sài Gòn, thì về hình thức, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị ở Hội nghị Trung Ương là như nhau. Ông cho rằng Quốc hội thì hơn 90% là đảng viên, còn Hội nghị trung ương cũng là đảng viên, cho nên về cơ bản cũng là những con người ấy, nên ông nghĩ không có gì khác nhau về bản chất. Tuy nhiên ông Đinh Đức Long nói tiếp:

“Tôi nghĩ trong chế độ độc tài cộng sản này, họ muốn làm gì chả được, có thể họ nói một đường họ làm một nẻo. Như ông Đinh La Thăng đấy, tín nhiệm rất cao, nhưng khi cần kỷ luật khai trừ khỏi đảng, bỏ tù thì họ vẫn làm được, vẫn đúng quy trình, vẫn đúng pháp luật. Cho nên những cái vấn đề chỉ là hình thức, trong chế độ độc tài cộng sản họ muốn làm gì cũng làm được hết, họ muốn làm gì thì mọi cái họ sẽ giải thích theo đấy, dư luận, rồi đài, các tờ báo sẽ nói theo ý đấy. Cho nên mọi cái chỉ là hình thức, chứ bản chất không hề thay đổi.”

Cùng quan điểm với Bác sĩ Đinh Đức Long, Nhà báo Trương Duy Nhất cũng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên bộ chính trị thì cũng chỉ là hình thức giống như các cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội, chứ không tác động gì nhiều. Ông đưa ra nhận định:

“Quốc hội còn như thế huống gì trong đảng, trong Quốc hội thì hơn 90% là đảng viên rồi nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ người ngoài đảng, mà người ta còn cả nể bỏ phiếu như thế, huống hồ trong đảng bỏ phiếu cho nhau. Bây giờ trong đảng, các ủy viên trung ương lẫn nhau, có ông nào dám bỏ phiếu cho các ủy viên bộ chính trị, tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội là tin nhiệm thấp không? Như thế là chết ngay, mệt ngay với mấy ổng. Tôi nghĩ đó là hình thức chủ nghĩa thôi chứ không có tác động gì cả.”

Nhà báo Trương Duy Nhất kết luận, đánh giá qua việc lấy phiếu tín nhiệm là vô nghĩa, nó như hình thức cho vui chứ nó không tác động thực sự gì đối với việc đánh giá chất lượng cán bộ đảng viên theo yêu cầu của bộ máy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

TRAN DINH TUS
14/03/2023 20:31

Cong khai gio tay thi noi lam gi?
Phai bo phieu kin thi moi chuan!