Học Viện Công Dân và công việc phát huy tinh thần trách nhiệm trong xã hội Việt Nam


2020.03.26
  Hình minh hoạ. Một workshop của ICEVN ở Việt Nam hồi năm 2009
Photo by ICEVN

Khởi đầu từ sự tha thiết mong muốn cho thế hệ thanh niên tại Việt Nam có thể vươn lên được với thế giới, giáo dục thanh niên Việt Nam thành những con người tốt cho xã hội, một số người Việt tại hải ngoại đã thành lập một tổ chức mang tên Học Viện Công Dân (ICVN) với mục tiêu xây dựng những con người tốt đẹp về mặt kỹ năng cũng như tư duy qua việc phổ biến những tác phẩm kinh điển, tổ chức những khoá đào tạo trực tuyến để làm nhịp cầu kết nối với những giới trẻ trong nước. Một trong những sáng lập viên, Giáo sư Nguyễn Phúc Anh Lan, Giám đốc Chương trình Tiếp thị và Phát triển, hội viên hội đồng điều hành của Học Viện Công Dân nhận định về tình trạng xã hội Việt Nam, từ đó bà cho biết, cùng với giáo sư Nông Duy Trường- cũng là phu quân của bà- đã đưa đến quyết định thành lập tổ chức này :

Những cái hiện tượng vô cảm trong xã hội là điều thấy rõ nhất rồi học trò thì đánh thầy, về vấn đề bạo hành trong gia đình và bạo hành nhất là trong trường học học trò: học trò vác dao rượt, chém thầy v.v… rất là nhiều. Tất cả những điều đó là những cái biểu hiện của một cái sự khủng hoảng về nhân bản trong xã hội Việt Nam. Đó là một lý do tại sao mà chúng tôi muốn thành lập Học Viện Công Dân để đóng góp phần nào trong việc xiển dương những cái tốt, những cái mà chống lại cái vấn đề vô cảm tức là làm một người tử tế. Từ những thiết tha đó, chúng tôi cũng tin tưởng là giáo dục là con đường duy nhất và tốt nhất để mà mình có thể chuyển hóa được xã hội và vì vậy cho nên năm 2005 là năm và chúng tôi quyết định để thành lập Học viện công dân

Bên cạnh mong muốn dịch khoảng 100 đầu sách kinh điển của các triết gia Tây Phương như Platon, Socrate, Newton…v.v… chương trình chính của Học Viện Công Dân là những khoá học trực tuyến gồm những chủ đề về Công dân học, Khởi nghiệp kinh doanh, tư duy phê phán.v.v.. Học Viện Công Dân cũng chú trọng đến việc đào tạo những con người tốt cho xã hội qua mô thức GRACE, giáo sư Anh Lan giải thích về mô hình đào tạo này :

Chúng tôi có một khoá học gọi là khung tư duy theo mô thức Grace, là một cái khung tư duy mà mình xiển dương năm giá trị mà một người tốt có thể thực hiện mà nếu mà mình thực hiện được năm giá trị đó thì cuộc đời mình thay đổi hoàn toàn. Thứ nhất là lòng biết ơn, mình phải biết ơn chính mình, biết ơn gia đình bạn bè biết ơn môi trường thiên nhiên và biết ơn chính cả ông bà tổ tiên. Nếu mình mà không biết ơn tổ tiên mình làm sao có thể biết ơn mình ? Lòng biết ơn là giá trị lớn nhất. Giá trị thứ hai là « respect » tức là sự tôn trọng, mà tôn trọng đầu tiên là phải tôn trọng chính bản thân mình, mình tôn trọng chính bản thân mình, mình không làm điều gì tổn hại đến cho cá nhân mình và mình cũng không làm điều gì mà làm mất danh dự của dòng họ, tôn trọng người khác và tôn trọng thiên nhiên. Và điều thứ ba là tinh thần trách nhiệm, thứ tư là lòng can đảm bởi vì để mà có được tinh thần trách nhiệm thì phải có lòng can đảm, lòng can đảm không phải là không sợ nhưng mà mình vượt qua nỗi sợ để mình có thể thực hiện những việc làm và cuối cùng là tinh thần dấn thân. Khi nào có giá trị này nó liên hệ với nhau thì nó tạo thành một cái khung tư duy và giúp bạn trở thành một người tuyệt vời và lúc nào mình cũng có vui sau cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Hy vọng với những lớp học đó thì chúng tôi giúp cho các bạn trẻ có thể nhìn thấy được vấn đề trong một hoàn cảnh nào mình vẫn có thể vượt thắng được nó.”

Hình minh hoạ. Một workshop năm 2011 ở Việt Nam
Hình minh hoạ. Một workshop năm 2011 ở Việt Nam
Photo by ICEVN

Khởi đầu từ năm 2005, với mong muốn khiêm nhường là chỉ có 3 học viên cho 1 khoá học, 15 năm sau, Học Viện Công Dân đã đạt được 3000 học viên với 95% là người trong nước, 5% còn lại là người Việt đang học hoặc làm việc ở nước ngoài như Mỹ, Đức, Nga, Nhật.v.v..

Không phân biệt lứa tuổi chúng tôi cũng có thể nhận em là từ lớp 9 - lớp 10 cũng được mà cho tới các vị cao niên mà muốn học cũng hoàn toàn chúng tôi không có sự phân biệt nhưng mà dĩ nhiên thường thường theo như thống kê hiện giờ và trong số 3000 học viên thì đa phần là những bạn chuyên viên trẻ hay những thanh niên sinh viên là đông nhất”.

Với một Ban dịch thuật hùng hậu ở Mỹ và Canada, Học Viện Công Dân cũng có một ban Giảng Huấn gồm 15 giáo sư, tiến sĩ từ Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Singapore.v.v.. giảng dạy thiện nguyện cho khoảng 40 lớp về kinh doanh, 6 lớp về tư duy phê phán, 3 lớp về tư duy theo mô hình Grace. Cũng có những học viên, sau khi nhận được chứng chỉ của Học Viện Công Dân đã ở lại để giảng dạy lại cho các lớp kế tiếp:

“Ba người rồi, và chúng tôi hi vọng trong tương lai sẽ càng ngày càng đông những em này là những em rất xuất sắc trước và sau khi học xong thì em học hết tất cả cái, khóa nào mở là các em học hết và sau khi học xong thì : một là chọn các em làm teaching assistant (phụ giảng) và có em mà có văn bằng Tiến sĩ thì chúng tôi mời dạy luôn bởi vì chúng tôi muốn mở rộng nhất trong tương lai

Giữa tháng 3 vừa qua, Học Viện Công Dân cũng đã sang Paris để quảng bá, đồng thời dự định thành lập những khoá học tại đây, anh Trí, một thân hữu có mặt trong buổi giới thiệu Học Viện Công Dân tại Paris cho biết cảm tưởng:

“Tôi theo dõi các hoạt động của Học Viện Công Dân từ nhiều năm nay, theo tôi nghĩ, dự án dịch thuật 100 tài liệu là rất hữu ích. Nếu những tư tưởng đo truyền đạt đến với các bạn ở Việt Nam là rất tốt. Qua những khoá học này, các bạn sẽ được nâng cao trình độ về tư tưởng, về văn hoá, về trình độ nhận thức chính trị của mình thì sẽ rất tốt cho tương lai của các bạn

Những lớp học thuần lý thuyết trên mạng cũng đã được thực hành trong xã hội, mang những điều nhỏ nhất, những cũng cần thiết nhất để xây dựng một xã hội nhân bản, giáo sư Anh Lan đưa ra một thí dụ:

Có một em làm một dự án rất là hay là: Xin chào, xin lỗi, cám ơn. Em về với trường tiểu học của em và em nói chuyện với bà hiệu trưởng em thực hiện các chương trình huấn luyện và dạy cho các cháu đã biết nói « xin chào » mình biết chào người lớn, thứ hay là khi mình làm việc gì lỗi, mình biết « xin lỗi » và khi mà người nào làm việc gì tốt cho mình biết « cám ơn » Rất là đơn giản : xin chào, xin lỗi, cám ơn. Khi em làm được cái đó là phần thưởng tinh thần khi chúng ta thấy các em đã thực hiện. Không những các em được học free mà các em còn được học bổng như em đó mà làm cho dự án đó và khi ra thực hiện thì chúng phát học bổng cho em”

m 2009, một vài khoá học cũng được tổ chức tại Việt Nam. Thế nhưng, những học viên đã gặp một số khó khăn từ chính quyền địa phương, nên đã phải chấm dứt, giờ chỉ còn các khoá học trực tuyến!

Nhà nước thì để ý tới tất cả các điều gì mà nó có thể có những cái potential (triển vọng) trong tương lai… Công dân học là những khoá mà mình chỉ cho người công dân phải biết thực hành, thực thi những nghĩa vụ của công dân thì chúng tôi sử dụng bản Hiến chương của Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhưng mà dĩ nhiên là có những cái mà khi mà người công dân họ biết sử dụng thì có một số thành phần họ không thích thì chúng tôi cũng phải chịu thôi

Một số học viên của Học Viện Công Dân là những người hoạt động nhân quyền, những thành viên của các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, trong đó có cô Nguyễn Phương Uyên; Theo học từ những năm 2014 lúc còn ở Việt Nam, nay định cư tại Mỹ, cách đây 5 năm, nhân ngày kỷ niệm 10 năm Học Viện Công Dân, cô Phương Uyên đã phát biểu:

Mình cảm thấy đây là một chương trình rất hữu ích và rất cần thiết cho người Việt đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam thì một người lớn lên từ một xã hội băng hoại và xuống cấp về mặt đạo đức, dường như là mất phương hướng và rất dễ đi lạc lối thì Học Viện Công Dân (ICVN) đối với mình như là một cái người hướng đạo có thể có thể dẫn mình đi mà không có bị lạc lối trong một cái xã hội như vậy.
Có một cái điều mà mình cảm thấy rất tâm đắc sau khi học ở ICVN,đó là một câu nói nó nổi tiếng ảnh hưởng đến quan điểm sống cách cư xử, đó là không có gì là tuyệt đối, mọi thứ ở trên đời đó nó mang cái nghĩa tương đối khi mà nghĩ được như vậy đó thì mình sẽ vượt qua được những cái bóng cao cả hơn trong lịch sử của nhân loại

Thành quả của Học Viện Công Dân sau 15 năm là một thư viện phong phú gồm nhiều tài liệu về công dân, giáo dục, nghiên cứu dân chủ.v.v… và 17 tác phẩm dịch thuật mà trong đó, phải kể đến bộ sách của Platon, kết quả công trình 10 năm dịch thuật của giáo sư Đỗ Khánh Hoan. Với con số 3000 học viên đa số là người trẻ, giáo sư Anh Lan xem công việc của mình như là người gieo mạ để mong chờ một ngày đồng lúa sẽ trổ bông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.