‘Đại học 2 điểm’: chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng
2018.07.19
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam thả nổi điểm sàn, quy định này tạo cơ hội cho một số trường đại học hạ điểm chuẩn tuyển sinh xuống thấp để tăng số lượng sinh viên. Hệ quả khiến chất lượng đầu vào đại học tụt dốc thê thảm.
Thả nổi điểm tuyển sinh
Năm 2018, Bộ Giáo dục – Đào tạo thông báo bỏ quy định điểm sàn tuyển sinh đại học, chỉ có ngành sư phạm là vẫn quy định điểm sàn.
Theo quy định mới này, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, các trường đại học đã bắt đầu công bố mức điểm có thể vào trường học dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Các trường đại học thuộc nhóm mà mọi năm sinh viên rất khó để vào học vì điểm tuyển sinh rất cao, thì năm nay điểm trúng tuyển cũng giảm từ 1 đến 3 điểm so với các năm trước.
Tuy nhiên, quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng khiến một số trường đại học thả nổi điểm tuyển sinh, thậm chí có trường chỉ cần 11 điểm trên 3 môn là sinh viên có thể vào học. Như vậy, thí sinh chỉ cần thi được 3 hay 4 điểm mỗi môn đã có thể vào đại học.
Bản thân cái bài thi 2 điểm nó không đáng sợ bằng cái kỳ thi rất dễ gian lận và nó giống như là chơi xổ số, tức là thi trắc nghiệm 4 điểm thì chỉ tương đương 2 điểm của thi tự luận, còn lại là đánh bừa.
-GS. Nguyễn Tiến Zũng
Đáng chú ý là trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nếu thí sinh chỉ đạt 12 điểm cho 3 môn, thì cũng có thể vào học 29 trong 31 ngành đào tạo của trường, cả những ngành thuộc nhóm phục vụ sức khỏe con người như kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng, kỹ thuật phục hồi chức năng…
Thấp hơn nữa là trường Đại học Xây dựng Miền Trung, mức điểm sàn xét tuyển chỉ từ 11 điểm…
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, gọi một số trường công bố điểm sàn xét tuyển đại học 12 điểm dựa theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, là “Đại học 2 điểm”. Theo ông Tùng, 12 điểm cho 3 môn, tức trung bình 4 điểm/môn, mà 4 điểm thi trắc nghiệm chỉ tương đương 2 điểm thi tự luận. Tức làm được 20% số câu hỏi trắc nghiệm, 80% câu hỏi còn lại đánh bừa theo xác suất được 1/4 là 20% nữa.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp đưa ra ý kiến của mình:
“Bản thân cái bài thi 2 điểm nó không đáng sợ bằng cái kỳ thi rất dễ gian lận và nó giống như là chơi xổ số, tức là thi trắc nghiệm 4 điểm thì chỉ tương đương 2 điểm của thi tự luận, còn lại là đánh bừa. Việc này không kiểm tra được chất lượng thật sự và tạo ra sự bất công trong lỳ thi tốt nghiệp trung học cũng như thi đại học. Và nhiều chuyện khác như việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp trung học và đại học nó nảy sinh nhiều vấn đề. Vì mục đích hai kỳ thi này khác nhau, thì cách đánh giá hai kỳ thi đấy cũng phải khác nhau.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành giáo dục, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng không hẳn điểm chuẩn thấp thì chất lượng đầu vào kém, ông nói tiếp:
“Hạ điểm chuẩn thấp cũng không phản ánh rằng chất lượng đầu vào kém. Tại vì năng lực nó vẫn thế, mà các em chỉ vì thi năm nay điểm thi chung của cả nước nó đều bị thấp như vậy. Cho nên các trường bắt buộc phải hạ thấp. Nhưng Bộ giáo dục cũng đã có một quyết định rất là quan trọng, ví dụ như ngành sư phạm thì bắt buộc phải có điểm sàn là 17 điểm, như vậy chúng ta đã có sự cân đối. Tức là đối với một số ngành quan trọng chúng ta phải đảm bảo cái chuẩn đầu vào.”
Cô Hạnh, một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh các cấp tại Sài Gòn thì cho rằng, vẫn cần kiểm soát chất lượng đầu vào của sinh viên đại học. Cô Hạnh nói tiếp:
“Tất cả các lĩnh vực ngành nghề muốn phát triển đồng đều toàn vẹn thì phải siết ngay từ đầu vào. Tức là những em nào thực chất đạt yêu cầu thì sẽ tiếp tục vô đại học, còn những em không đạt thì phải thi lại một năm hay hai năm nữa giống như thời chúng tôi đi học. Như vậy mọi ngành nghề trong xã hội sẽ cân bằng hơn, chất lượng hơn. Chẳng hạn như ngành bác sĩ, cứ thả nổi thì bác sĩ cứ không có kiến thức, không có lương tâm, thì khi ra trường sẽ trở thành một bác sĩ, một y tá không có đạo đức với nghề, những người bị thiệt thòi là những bệnh nhân.”
Phải chịu trách nhiệm với xã hội
Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, các trường đại học trước khi tuyển sinh đã công bố các chương trình đào tạo của mình, trong chương trình đã mô tả rất rõ chuẩn đầu ra. Tức là họ đã cam kết với toàn xã hội chuẩn đầu ra. Vì vậy, nếu những sinh viên được đào tạo theo giống như bản mô tả chương trình đào tạo mà đã công bố, thì trường có trách nhiệm phải giải trình với xã hội. Ông nói tiếp:
Về mặc dư luận, họ mà hạ điểm chuẩn một số ngành, đặc biệt là ngành về chăm sóc con người, nhưng ngành y, thì dư luận xã hội sẽ có những cái nhìn nghi ngờ đối với những trường đó.
-TS. Trần Thành Nam
“Những người làm công tác lãnh đạo của từng trường, họ sẽ phải cân nhắc lợi hại, họ sẽ phải đánh đổi. Rõ ràng về mặc dư luận, họ mà hạ điểm chuẩn một số ngành, đặc biệt là ngành về chăm sóc con người, nhưng ngành y, thì dư luận xã hội sẽ có những cái nhìn nghi ngờ đối với những trường đó. Và có thể trong tương lai họ phải chịu những hệ lụy và sẽ không tuyển được đầu vào xuất sắc nữa. Và họ sẽ phải liên tục giải trình về chất lượng đầu ra.”
Trước đây, khi đưa ra ý kiến về việc bỏ điểm sàn đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lý do chính là vì quy định điểm sàn không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường.
Khi đó dự thảo bỏ điểm sàn đầu vào đại học đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, vấn đề các chuyên gia đáng lo ngại là việc tuyển sinh sẽ tràn lan, khó kiểm soát về chất lượng.
Và năm nay, đúng như dự báo, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ quy định điểm sàn đại học thì lập tức xảy ra tình trạng thả nổi điểm sàn tràn lan.
Trước tình trạng này, tại buổi họp báo ngày 15 tháng 7 năm 2018, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nếu như điều kiện chất lượng của các trường đại học không bảo đảm thì bộ sẽ can thiệp mạnh, nhằm buộc các trường này phải thay đổi điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc giảm chỉ tiêu, dừng tuyển sinh.
Chúng tôi liên lạc với Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để tìm hiểu về vấn đề này, thì nhận được trả lời như sau:
“Dạ vâng anh ạ, cái đấy tôi phải trao đổi lại với lãnh đạo. Về cung cấp thông tin báo chí bên tôi không được cung cấp đâu ạ, tôi không nói được. Vì cái này nó ảnh hưởng đến toàn xã hội nên mình cũng không thể ngồi đây mà được quyền nói về cái đấy. Vậy nhé…”
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng, việc đưa ra các quy định quản lý lúc này lúc khác của Giáo dục và Đào tạo như một cái vòng luẩn quẩn. Ông nói tiếp:
“Bây giờ Bộ giáo dục chỉ giải quyết theo phần ngọn thôi. Tức là ông cứ xử lý giật cục, lúc cho lúc không, lúc thì mở tràn lan, lúc thì cho dễ quá, lúc thì cho khó quá, bởi vì người ta không có một triết lý giáo dục làm nền tảng.”
Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng cho rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo đang bị hỏng tận nóc, từ ông Bộ trưởng đạo văn đến một bộ máy tham nhũng có hệ thống. Ông đưa ra lời khuyên:
“Lời khuyên của tôi là không nên chờ đợi nhiều vào nhà nước, ta làm được gì tốt cho giáo dục Việt Nam, cho con em ta thì ta phải cố gắng thật là tích cực. Còn cả một hệ thống thì theo tôi nó rất khó mà thay đổi, vì nó quá là trì trệ. Mà nếu cần phải thay đổi thì theo tôi thì cần phải thay đổi cả thể chế thì nó mới ảnh hưởng đến giáo dục.”