Điếu Cày, người tù nổi tiếng nhất Việt Nam sang Mỹ
2014.10.21
Người blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, được Hoa Kỳ can thiệp và trên đường bay sang Mỹ trong tối hôm 21 tháng 10 năm 2014. Được biết ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được giải từ nhà giam ra thẳng phi trường Nội Bài vào lúc 8 giờ tối để sau đó lên máy bay mà gia đình ông không hề được phía Việt Nam thông báo. Ngay sau khi nhận được tin này Mặc Lâm phỏng vấn bà Dương Thị Tân người vợ cũ của ông về sự ra đi bất ngờ này:
Mặc Lâm: Thưa chị, tôi rất vui mừng được báo với chị là anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chồng chị đang ngồi trên máy bay trên đường đến HongKong và sau đó sẽ chuyển đến phi trường Los Angles. Nguồn tin này chúng tôi nhận được từ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chị nghĩ sao sau khi nghe được tin vui này, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Khi mà biết ông ấy được qua Mỹ, mừng thì chỉ một phần thôi anh ạ. Xét về khía cạnh cá nhân, khía cạnh gia đình thì cũng vui vì anh ấy thoát khỏi nơi chốn hang hùm, miệng sói; tốt cho cá nhân anh ấy.
Nhưng cái cách mà người ta để cho anh ấy ra đi thì quả tình tôi thấy rất là buồn, bức xúc. Một lời nói qua điện thoại người ta cũng không cho anh ấy gọi về nhà để mà từ biệt gia đình. Những trường hợp khác người ta còn có thân nhân đi theo hay còn gặp gỡ thân nhân ở sân bay hay thế nào đó. Còn từ xưa đến nay, anh thấy đó, không phải một mình anh Hải đi mà họ đã mang qua Mỹ một số người mà chưa có một trường hợp nào như vậy cả. Tôi hơi buồn vì cái cách mà người ta đưa anh ấy đi.
Nhưng cái cách mà người ta để cho anh ấy ra đi thì quả tình tôi thấy rất là buồn, bức xúc. Một lời nói qua điện thoại người ta cũng không cho anh ấy gọi về nhà để mà từ biệt gia đình.
- Bà Dương Thị Tân
Mặc Lâm: Thưa chị, theo như chúng tôi được biết thì cách đây vài ngày, anh Dũng con chị có nghe phong phanh về vấn đề này rồi chứ không phải hôm nay mới biết. Chị có thể giải thích từ nguồn tin nào mà Dũng biết được điều đó không thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Bản thân tôi thì họ cho rằng tôi không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì cho nên tôi cũng không được nghe thông tin gì cả. Cũng giống như 6 năm rưỡi qua tôi cũng không được phép vào thăm anh ấy. Cái cách người ta hành xử hoặc người ta thông báo hay cách người ta làm thì chẳng qua là sự phỏng đoán thôi anh ạ, không có gì là chính thức hết.
Ví dụ từ hôm thứ Bảy cho đến ngày hôm nay thì mọi người đều đồn đoán là người ta sẽ mang anh Hải ra vì họ không canh chừng ai cả. An ninh đầy khắp cả nhà tôi lẫn nhà con trai tôi ở. Họ canh giữ mẹ con tôi rất là tự nhiên đi đâu họ cũng theo. Mọi người cho rằng có thể có một động thái nào đó. Thực tế thì một tín hiệu chính thức cũng không có từ phía nào cả anh ạ.
Mặc Lâm: Vâng, theo chị trong trường hợp của anh Hải, chị có thấy nguyện vọng của anh Hải là muốn đi Mỹ không hay là anh bị bắt buộc phải đi để mà chấm dứt bản án của anh ấy, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Tôi không có cơ hội gặp gỡ, cơ hội nhìn thấy cũng như là nói chuyện với anh ấy cho nên mình cũng không thể hiểu được rằng vấn đề này như thế nào. Mình không thể nói thay anh ấy được anh ạ.
Mặc Lâm: Nhưng qua những thông tin mà cháu Dũng mang về thì chị có hiểu phần nào nguyện vọng của anh ấy hay không, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Không anh ạ. Anh ấy không nói gì đến vấn đề đó. Hôm tháng 8 anh có nói với mọi người là làm sinh nhật cho anh ấy.
Mặc Lâm: Dạ tất nhiên là chuyện đi Mỹ ngày hôm nay của anh Hải không riêng gì anh mà cũng là chuyện bất ngờ cho gia đình anh phải không ạ?
Con tôi vừa mới cho biết là anh ấy mới gọi về là đang ở HongKong và họ đưa anh ấy đi Mỹ. Gọi được 1 phút và chỉ nói được hai, ba câu như vậy thôi.
- Bà Dương Thị Tân
Bà Dương Thị Tân: Dạ vâng. Hoàn toàn bất ngờ mà còn thấy nó còn bất nhẫn nữa. Tôi cảm thấy khó chịu và bức xúc về cái cách họ đưa anh ấy ra đi kiểu này. Không một lời từ biệt, không có một động thái nào thể hiện tính nhân đạo ở trong đó. Anh em ở đây người ta cũng quá hiểu tình hình rõ ràng là sự thỏa thuận giữa hai phía chính phủ. Không phải việc ra đi này là do cá nhân anh ấy mong muốn.
Mặc Lâm: Vâng, thưa chị, chị có nghĩ rằng từ khi anh Hải bước chân ra khỏi Việt Nam thì hoàn cảnh gia đình chị có thể khá hơn: có nghĩa là chấm dứt sự sách nhiễu từ phía nhà nước vì không còn anh Hải trong tù nữa. Chị có nghĩ như vậy không?
Bà Dương Thị Tân: Tôi không nghĩ thế đâu anh ạ vì trong con mắt họ tôi là thành phần mà họ phải quan tâm cho nên không thể nào nói trước được. Từ bây giờ trở đi phải xem họ còn đối xử với gia đình tôi như thế nào đã.
Mặc Lâm: Thưa chị, khi anh Hải qua tới Mỹ rồi thì chị có nghĩ rằng sẽ nhận được sự liên lạc trực tiếp từ anh Hải và lo cho mẹ con chị những bước tiếp theo, đó là được sum họp với anh ấy bên Mỹ hay không? Chị có nghĩ đến điều đó không?
Bà Dương Thị Tân: Nói thật với anh, thường thường cái cách mà người Mỹ đưa một người nào đó đi thì luôn luôn là kèm theo thân quyến của họ. Bản thân tôi thì tôi biết chắc rằng sự mong muốn của tôi là không có. Tôi cảm thấy bất nhẫn trong cách mà họ đưa anh Hải đi trong khi bên cạnh anh ấy còn có thân nhân. Bản thân anh ấy là một người ngồi tù dài đăng đẳng như thế vừa mới ra nhưng bước chân đi ra khỏi cánh cửa nhà tù là lên máy bay. Cái nơi đến đất lạ người xa, không có thân nhân, sự hiểu biết, cọ quẹt về thông tin, tình hình về cuộc sống đơn giản cũng không có. Đó là điều tôi bức xúc.
Còn mong muốn của bản thân tôi là để được đi ra nước ngoài thì nếu muốn tôi đã đi từ lâu lắm rồi. Thực sự, phía Hoa Kỳ họ đã đề xuất với tôi từ trước đấy rất là nhiều lần. Khi mà sự áp bức, sách nhiễu lên gia đình tôi, tôi và các con tôi ở đây quá sức khắc nghiệt thì họ có gợi ý có lẽ chúng tôi nên ra đi vì cuộc sống chúng tôi quá khó khăn như thế. Tôi không nghĩ là bỏ lại thân nhân mình ở trong chốn lao tù để đến một nơi có thể gọi là yên bình hơn được. Cho đến bây giờ thì suy nghĩ của tôi vẫn vậy thôi. Cách họ đưa anh Hải đi và không có bất cứ một sự chuẩn bị gì thì thật sự là đáng buồn.
Con tôi vừa mới cho biết là anh ấy mới gọi về là đang ở HongKong và họ đưa anh ấy đi Mỹ. Gọi được 1 phút và chỉ nói được hai, ba câu như vậy thôi.
Mặc Lâm: Vâng, xin cảm ơn chị Dương Thị Tân đã giúp cho chúng tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh của chị trong lúc này. Hy vọng gia đình chị sẽ sớm sum họp với nhau trên vùng đất mới. Xin cảm ơn chị.