‘Lằn ranh đỏ’ giữa thông tin và tuyên truyền của báo chí Việt Nam
2023.06.27
Cổng thông tin điện tử của Cơ quan Tuyên giáo Việt Nam mới đây có bài cho rằng, trong bất cứ bối cảnh nào, mục đích quan trọng nhất của những người làm báo chí vẫn phải là vì con người, vì công chúng, lấy công chúng làm trung tâm trong phát triển báo chí hiện đại.
Với việc kiểm soát hoàn toàn báo chí như tại Việt Nam, thì báo chí phục vụ công chúng như thế nào? Giới hạn ra sao? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 27/6 nhận định với RFA từ Sài Gòn:
“Tạm chia báo chí là giải trí và tin tức thời sự. Về giải trí có thể nói là thừa mứa, ê hề và thậm chí công chúng bội thực với rất nhiều sản phẩm nhảm nhí, cổ suý cho cách sống ích kỷ và đạo đức giả. Họ đưa những nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực từ nghệ sĩ cho đến doanh nhân… cổ suý cho cách sống để trở thành những người thành công. Hầu hết có một khuôn mẫu giàu có, xe hơi nhà lầu… họ lấy những câu phát ngôn của giới này làm châm ngôn cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ… Họ ru ngủ vào cách sống đó, thậm chí có những vị trọc phú phát ngôn rất ngớ ngẩn, không giúp ích được gì cho giới trẻ.”
Sự phát triển chỉ là bề nổi, quan trọng là phẩm giá của một quốc gia ngày càng xấu đi trong mắt quốc tế. Thứ hai là năng lực của người dân ngày càng bạc nhược, đó là hai mấu chốt quan trọng mà báo chí đã góp tay làm mài mòn.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Về tin tức thời sự, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, dù cho báo chí truyền hình đưa một đề tài về chống tham nhũng, văn hóa, giáo dục hay đối ngoại… thì người dân cũng chỉ nhận được những sản phẩm rất nghèo nàn, chậm chạp, khô cứng vì định hướng phải phục vụ cho đảng là tuyệt đối. Ông Già nói tiếp:
“Điều này Đảng CSVN cũng đã thừa nhận. Nói chung cả hai đề tài giải trí và tin tức thời sự, thì báo chí Việt Nam cung cấp những sản phẩm cho người dân… nếu gọi là món ăn thì đó là những món ăn không sạch, thực phẩm biến đổi gien… Ban đầu nó tốt đối với họ vì định hướng được dư luận, kiểm soát được tư tưởng toàn dân. Rõ ràng từ năm 1975 đến nay đảng đã làm được điều này.”
Theo nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cái mà Nhà nước VN cho là tốt vì đã ổn định chính trị, nhưng về lâu dài sẽ nguy hại. Ông Già cho rằng, nhà cầm quyền CSVN nên suy nghĩ việc này. Đó là gần nửa thế kỷ qua, cái tốt đó đã làm tha hóa về phẩm giá làm người và bệ rạc về tri thức. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói thêm:
“Chính hai điều này đã làm cho đất nước khó phát triển. Bởi vì sự phát triển chỉ là bề nổi, quan trọng là phẩm giá của một quốc gia ngày càng xấu đi trong mắt quốc tế. Thứ hai là năng lực của người dân ngày càng bạc nhược, đó là hai mấu chốt quan trọng mà báo chí đã góp tay làm mài mòn hai tính chất này rất lớn. Và đây chính là mối nguy hại cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Một người dân ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 27/6:
“Tôi phân biệc thành hai loại, thứ nhất là truyền thông, thứ hai là tuyên truyền. Việt Nam thì nặng tính tuyên truyền hơn là truyền thông. Nếu là truyền thông thì phải có lợi cho Nhà nước, nhưng nếu có lợi cho Nhà nước thì lại mang tính tuyên truyền, chứ không phải là truyền thông. Truyền thông là phải đa chiều, nhưng tuyên truyền thì chỉ có một chiều. Tôi có cảm giác những thông tin người ta muốn tìm hiểu, thì phải đọc báo nước ngoài để tìm hiểu truyền thông đa chiều. Còn đọc báo trong nước chỉ mang tính tuyên truyền có lợi cho nhà nước thôi, không có lợi cho người dân.”
Việt Nam thì nặng tính tuyên truyền hơn là truyền thông. Nếu là truyền thông thì phải có lợi cho nhà nước, nhưng nếu có lợi cho nhà nước thì lại mang tính tuyên truyền, chứ không phải là truyền thông. Truyền thông là phải đa chiều, nhưng tuyên truyền thì chỉ có một chiều.
-Người dân
Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của Đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, tin tưởng và theo Đảng Cộng sản. Dù thông qua internet và mạng xã hội, nhiều người cũng đã có được thông tin xác thực. Tuy nhiên một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi sự tuyên truyền của Ban Tuyên giáo thông qua báo chí nhà nước.
Tiến sĩ - nhà báo Hồ Bất Khuất, Trưởng ban biên tập Tạp chí “Gia đình và Trẻ em”, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho biết:
“Làm báo là phải tuân theo nguyên tắc đầu tiên đó là tôn trọng sự thật, chỉ nói sự thật thôi. Còn có những sự thật không nói được thì thôi, đành thế, rất tiếc là sự thật đấy không nói được. Thứ hai là báo chí Việt Nam thì có tổng biên tập, mình có thể viết nhưng người ta không in, biết chắc người ta không đăng cho mình thì cũng chả viết làm gì, thành ra nhiều sự thật đáng tiếc là chưa nói được.”
Theo Nhà báo Hồ Bất Khuất, báo chí Việt Nam chỉ chưa nói hết được sự thật thôi. Theo ông Khuất, báo chí Việt Nam rất thận trọng, nhiều tin tức gì rõ ràng, được phép rồi mới đăng, mới nói… Nhưng ông Khuất cho rằng, nếu cứ kéo dài như thế thì sẽ không làm báo được. Vì một trong những chức năng của báo chí là thông tin phải nhanh, chính xác.