Giải thưởng Trần Văn Bá 2016
2016.01.11
Trong rất nhiều giải thưởng ở hải ngoại dành cho những người đấu tranh ở quốc nội. Gần đây xuất hiện một giải thưởng mang tên Giải thưởng Trần Văn Bá.
Để không bị lãng quên
Trần Văn Bá, một cái tên không lạ với những người, nhất là những người ở hải ngoại, quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho Tự do, Dân chủ trong nước. Từ một cuộc họp ngày 17/10/2015 tại trụ sở Tổng Hội sinh viên Việt Nam tại Paris, một Uỷ ban được hình thành mang tên Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Bá. Ông Nguyễn Ngọc Bách, ngụ tại Pháp chủ tịch của Ủy Ban này cho biết quá trình vận động thành lập Ủy Ban như sau:
«Đầu tháng 9/2015 anh em chúng tôi bắt đầu một cuộc vận động Ủy Ban Gải thưởng Trần Văn Bá và đã được sự hưởng ứng của rất nhiều anh em ở xa và đến giữa khoảng tháng 10/2015 thì Ủy Ban Giải thưởng được thành hình gồm có một số anh em ở các quốc gia như Canada, Úc, Bỉ, Hòa Lan.»
Ngày 8/1 năm nay là đúng 31 năm kỷ niệm ngày hy sinh của Trần Văn Bá, trả lời thắc mắc của nhiều đồng hương về câu hỏi ông Trần Văn Bá đã hy sinh hơn 30 năm, tại sao bây giờ mới có giải thưởng này. Ông Nguyễn Ngọc Bách cho biết 2 lý do tại sao chọn thời điểm này để thành lập giải thưởng Trần Văn Bá:
«Việc đó còn tùy thuộc vào 2 điểm : Điểm thứ nhất là có sức để làm hay không ? và làm được hay không ? Cái ý định làm giải thưởng Trần Văn Bá chúng tôi đã có từ 2 năm nay rồi nhưng không tiến hành vì nghĩ rằng không đủ sức làm, khó làm. Năm nay, anh em chúng tôi đã suy nghĩ kỹ càng và cũng được sự hưởng ứng, được sự yểm trợ, sự khuyến khích của nhiều người trong đó có sự khuyến khích của nhiều người ở Việt Nam, vì vậy năm nay chúng tôi tiến hành dự án Giải thưởng Trần Văn Bá.»
Những người đã dám hy sinh tuổi trẻ để làm những viên gạch lót đường cho cuộc chiến đấu tranh cho Tự do, Dân chủ cho Việt Nam như Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch, và gần đây nhất là Việt Dzũng. Để sự hy sinh của họ không bị chìm vào quên lãng, đó là lý do thành lập giải thưởng này, ông Bách tiếp:
«Mục đích chính là để cổ võ tất cả những hành động dấn thân cho Việt Nam, thứ hai nữa chúng tôi muốn những người ở hải ngoại chú ý hơn đến hiện tình ở Việt Nam. Năm nay chúng tôi có một con số khiêm nhường là 155 người tham gia bỏ phiếu. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thành công trong việc lôi kéo một số người, tuy rằng ít, chú tâm đến vấn đề đấu tranh cho Tự do, Dân chủ cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đối với những người trong nước , nếu chúng ta không cố gắng phát huy thì tinh thần Trần Văn Bá sẽ bị lãng quên.»
Ngoài các giải thưởng giá trị đã có từ lâu ở hải ngoại như Giải thưởng của Mạng Lưới Nhân Quyền hay mới đây là giải thơ Nguyễn Chí Thiện.v.v.. Theo ông Bách, sự khác nhau của giải thưởng này là ở phương pháp bầu bán, mọi người có thể bầu trên trang mạng «tinhthantranvanba.org», ông Bách giải thích :
«Khác biệt đó là giải thưởng Trần Văn Bá là một giải thưởng mở. Mở tức là mời gọi, kêu gọi quần chúng yểm trợ và bỏ phiếu. Năm đầu tiên người nào đóng góp 20 € thì được quyền tham gia, tức là được quyền bỏ phiếu. Cho những năm tới, mức 20 € có thể sẽ xuống còn 15 € hoặc 10 € thì việc tham gia và yểm trợ đi đôi với nhau. Cái ý chung là những người đóng góp hiện kim cho giải thì được bầu chọn cho giải . Năm nay chúng tôi có một con số khá khiêm nhường là 155 người . Nhưng nếu chúng tôi có thời gian hơn, có kinh nghiệm hơn, thì năm sau có thể không phải là 155 nữa mà là 500, có thể là 1000 ??? Và khi mà đạt được một con số đông thì chưa chắc Cộng sản Việt Nam bắt, thả, thả bắt, khủng bố tinh thần như chúng vẫn đang làm đối với những người đấu tranh ở Việt Nam Nó chỉ có ảnh hưởng lớn khi nào có đông người ở hải ngoại tham gia. Đây là một giải mở. Chúng tôi chọn lựa hình thức mở trong cái mục tiêu là kêu gọi đồng bào, thân hữu khắp nơi, kể cả Việt Nam tham gia giải này, càng đông người , giải này càng có giá trị.»
Theo ông Bách, Giải thưởng Trần Văn Bá còn là một quỹ:
«Có thể nói Giải thưởng Trần Văn Bá vừa là một giải thưởng, vừa là một quỹ . Nó có thể vừa là một quỹ tại vì chúng tôi quan niệm rằng không nên để mức hiện kim quá cao cho mỗi năm. Nếu số tiền yểm trợ nhiều hơn mức hiện kim của giải thì số tiền đó sẽ vô trong một quỹ sử dụng cho những người ở quốc nội trong Tinh thần Trần Văn Bá.»
Đối tượng của giải này là những người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền trong nước, theo ông Bách đây là một sự chọn lựa khá phức tạp.
«Hồi đầu chúng tôi cũng định viết ra những điểm để chọn đối tượng, nhưng mà viết không nổi.Tình hình đấu tranh ở Việt Nam cũng khá đa dạng, khá phức tạp, vì vậy chúng tôi không viết thành tiêu chuẩn để chọn lựa. Chúng tôi chỉ chọn lựa theo tinh thần anh em, trên sự hiểu biết của mỗi cá nhân trên vấn đề ở Việt Nam mà thôi.»
Trong một buổi lễ được tổ chức ngày 9/1 vừa qua tại Paris, với khoảng gần 100 người tham dự, Người được trao giải thưởng Trần Văn Bá năm đâu tiên là Thượng tọa Thích Thiện Minh. Từ Việt Nam, Thượng tọa Thích Thiện Minh cho biết cảm tưởng:
«Bản thân tôi trong lòng rất vui mừng cũng như rất hân hạnh khi nhận được một giải thưởng mang tên một chiến sĩ tự do : anh hùng Trần Văn Bá. Không những danh dự riêng cho cá nhân tôi mà còn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vì tôi là thành viên của Giáo Hội, mà cũng là danh dự cho Hội Ái Hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam vì tôi là người sáng lập năm 2006.»
Tinh thần Trần Văn Bá
Cái tên Trần Văn Bá với nhiều người trong và ngoài nước không có gì lạ nhưng Tinh thần Trần Văn Bá là gì ? theo ông Bách giải thích :
«Nói đến anh Bá thì tôi nghĩ mỗi người có một ý nghĩ riêng của họ tại vì anh Bá là một người hành động khá bí mật, một người khá phức tạp. Mỗi người có một cái định nghĩa riêng. Nhưng mà khi chúng tôi nghe tất cả và lấy một mẫu số chung, nếu muốn định nghĩ một cách ngắn gọn rõ ràng thì tinh thần Trần Văn Bá là lòng yêu nước và sự dấn thân cho Việt Nam mà thôi ! Cái tên của Trần Văn Bá gắn liền với đấu tranh khá mạnh thì qua cái tinh thần Trần Văn Bá chúng tôi muốn khuyến khích : Không sợ nữa, đứng lên đi !»
Thượng Tọa Thích Thiện Minh, người nhận giải Tinh thần Trần Văn Bá thì định nghĩa :
«Anh hùng Trần Văn Bá là một người đã dấn thân đi cứu quốc, gác bỏ những tình cảm riêng tư, sự nghiệp cũng như cuộc sống phồn vinh ở tại phương trời Âu mà đi về theo tiếng gọi non sông để cứu quốc rồi bị sa vào cảnh tù đầy rồi bị tử hình và lại là một con người can trường, can đảm và nghĩa dũng, bất khuất không chịu nhận tội. Bowri vì tôi ở Bạc Liệu, Minh Hải, thì tổ chức của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cuxng bị bắt giam trong trại cải tạo Cây Gừa , từ đó mà biết được tinh thần của ông Trần Văn Bá và một số chiến hữu của ông Bá nữa, họ đều là những người bất khuất. Cho đến ngày ra pháp trường cũng vẫn còn hô đả đảo.»
Có gì tương quan giữa một thanh niên ở độ tuổi thanh xuân trở về Việt Nam tìm đường cứu nước bằng võ trang với một tu sĩ dùng lời kinh, tiếng kệ để cỗ vũ cho Nhân quyền, Thượng tọa Thích Thiện Minh nói :
«Tương quan giữa tinh thần thì đều là mục đích yêu nước, khi thấy đất nước Việt Nam nhân quyền bị chà đạp, dân quyền bị tước đoạt ; nhân phẩm giá trị con người không được tôn trọng, một xã hội không được tự do, không có dân chủ cũng như không có nhân quyền. Người ở từ phương xa còn quay về cứu nước còn tôi ở trong đất nước, với tâm hồn của một nhà tu, vì thương chúng sinh, trong đó có đồng bào dân tộc việt nam cho nên đứng lên cứu quốc, dựa vào đạo, và dựa vào đời cho nên hai bên gặp nhau ở một điểm chung là tình yêu nước.»
Ngày 8/1 năm 2015, trong khi hải ngoại tưởng niệm 30 năm anh hùng Trần Văn Bá đã hy sinh vì lý tưởng tự do, thì trong nước, cộng sản Việt Nam cũng làm một lễ tưởng niệm tại Hòn Đá Bạc, nơi có một tấm bia rất lớn để vinh danh những kẻ đã có công bắt nhóm ông Trần Văn Bá. Có phải chăng đó cũng là một trong những lý do làm nhiều người ngại ngần trước giải thưởng không, ông Bách cho biết :
«Thì qua cuộc bầu vòng đầu rốt cuộc là chỉ còn lại 3 hồ sơ. Những hồ sơ kia không được trong danh sách bầu vòng hai vì nhiều lý do, trong đó có lý do việc ngại nhận một giải thưởng mang tên Trần Văn Bá.»Giải thưởng Trần Văn Bá có số hiện kim là 5000 euro, Thượng Tọa Thích Thiện Minh cho biết ngài sẽ dùng để chia sẻ cho những Cựu Tù nhân Chính Trị khác :
«Sẽ dùng 1/3 (1800 €) giải thưởng này tặng cho những cựu tù có hoàn cảnh khốn khó trong dịp Xuân về, đa số họ là những người nằm trong tổ chức có vũ trang mà chưa được xem xét thừa nhận của Cựu Tù nhân lương tâm bởi vì các vị này nằm trong các tổ chức như Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Nguyễn Hữu Chánh hoặc là Hoàng Cơ Minh. Đại đa số về sống lang thang, có người thì đi bán cà-phê dạo, có người thì bán bánh mì, chạy xe ôm ….khốn khó cho nên từ đó mình có chia sẻ cho anh em.»
Và Thượng Tọa mong rằng với sự đóng góp nhỏ nhoi này sẽ đem lại chút tình người ấm áp trong những ngày Xuân sắp tới.