Thực chất chuyện loại ứng viên Đại biểu Quốc hội độc lập

Diễm Thi, RFA
2021.04.21
Thực chất chuyện loại ứng viên Đại biểu Quốc hội độc lập Một áp phích cổ động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2016 ở Hà Nội, kêu gọi người dân đi bầu vì đó là quyền lợi của nhân dân.
AFP

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Công tác đại biểu - cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu đề nghị cần có chính sách thu hút được một tỷ lệ nhất định những chuyên gia giỏi, có uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đặc biệt, nên có chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số trường hợp đặc biệt nếu được giới thiệu ứng cử.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 với tư cách là ứng viên tự do, giải thích khái niệm đại biểu Quốc hội chuyên trách:

“Ở Việt Nam nó còn có đại biểu chuyên trách, tức là những người mà công ăn việc làm là Quốc hội. Những người đấy đều là cán bộ của Đảng cử ra. Những người này đến tuổi về hưu mà họ muốn giữ lại thì kéo dài tuổi hưu những người ấy ra.”

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình nhưng phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện vai trò đại biểu Quốc hội. Theo cơ cấu Quốc hội khóa 14, đại biểu chuyên trách gồm có 114 đại biểu chuyên trách trung ương và 67 đại biểu chuyên trách địa phương.

Tình hình đến nay người ta đã họp xong hội nghị cử tri để góp ý kiến. Đó là một hội nghị được tổ chức rất chặt chẽ, chu đáo. Cuối cùng người ta loại tôi ra. Lý do các cử tri nêu ra là không tán thành đề cử ông Cống vì tất cả đều tập trung vào ý ông đã 84-85 tuổi rồi sợ không đủ sức khỏe để phục vụ, làm việc cho Quốc hội nên loại ra. - Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Trong khi Ban Công tác đại biểu đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số trường hợp ứng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ nhiệm các trường hợp đại biểu Quốc hội khóa trước không tái cử vào các chức danh hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội… thì lại có trường hợp một người tự ứng cử vào Quốc hội khóa 15 vừa bị loại với lý do liên quan tuổi tác. Đó là Giáo sư Nguyễn Đình Cống (84 tuổi). Ông nói với RFA về trường hợp của bản thân:

“Tình hình đến nay người ta đã họp xong hội nghị cử tri để góp ý kiến. Đó là một hội nghị được tổ chức rất chặt chẽ, chu đáo. Cuối cùng người ta loại tôi ra. Lý do các cử tri nêu ra là không tán thành đề cử ông Cống vì tất cả đều tập trung vào ý ông đã 84-85 tuổi rồi sợ không đủ sức khỏe để phục vụ, làm việc cho Quốc hội nên loại ra.

Cái này không thể nói rõ được. Một bên chủ trương kéo dài tuổi hưu, một bên thì ở hội nghị cử tri dân phố họ nói ‘ông nhiều tuổi quá rồi, đến 85 tuổi rồi’. Người ta cứ nại vô sức khỏe. Họ nói như thế nhưng thực chất thì không phải. Đấy chỉ là cái cớ thôi. Thực chất là người ta tìm cách loại. Thôi thì chuyện này cho qua thôi.”

Theo quy định, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nếu ứng cử viên không đạt được trên 50% tín nhiệm sẽ không được đưa vào danh sách cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo luật định phải được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử, và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định là đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Những quy định trên cho thấy không có giới hạn tuổi hay tình trạng sức khỏe cho ứng cử viên ĐBQH. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

“Gọi là hiệp thương; đó là xảo ngôn chứ không có hiệp thương gì cả. Có ba lần hiệp thương: lần thứ nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn trong nội bộ nó với nhau là có bao nhiêu người ửng cử, gồm những thành phần nào; lần thứ hai là họ nhận hồ sơ ứng cử; lần thứ ba là lấy ý kiến cử tri ở nơi làm việc và nơi sinh sống. Nếu ứng cử viên còn đang đi làm thì nơi làm việc phải có cuộc họp; nơi cư trú lại có một cuộc họp. Cuộc họp đấy chỉ vài ba chục người, giỏi lắm là 50 người. Đến nơi thì họ giơ tay bỏ phiếu tín nhiệm hay không.

Đến lần hiệp thương thứ ba thì thực chất cũng là nội bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôi. Họ ngồi với nhau lấy cớ là tại cuộc họp của cử tri thì ứng cử viên nào đó được phiếu tín nhiệm thấp nên bị loại.”

Với trường hợp Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm rằng, họ muốn loại thì họ lấy lý do tuổi tác, gọi là ý kiến cử tri tổ dân phố. Họ có cái quy định trớ trêu là ý kiến của tổ dân phố là quyết định dù đây không phải là lần duy nhất. Họ gọi là hiệp thương; nếu không phải là Giáo sư Cống mà là ông Nguyễn Phú Trọng thì họ sẽ bảo là ‘Tổng bí thư sức khỏe dồi dào, minh mẫn, tuyệt vời…’

Tính đến ngày hai tháng Tư năm 2021, Thành phố Hà Nội có 72 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15. Trong đó, sáu người có đơn xin rút và một người bị công an bắt tạm giam để điều tra. Tổng số hồ sơ người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội khóa 16 là 188. Trong đó, 11 người có đơn xin rút.

Ở đây chắc chắn không phải là những những người này tự nguyện xin rút đâu. Bởi vì trước khi mà họ ứng cử thì họ đã suy nghĩ rất kỹ rồi thì họ mới quyết định ra ứng cử. Thế nên chắc chắn là họ bị đe dọa. - Luật sư Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định về thông tin này với RFA hôm 12 tháng Tư:

“Ở đây chắc chắn không phải là những những người này tự nguyện xin rút đâu. Bởi vì trước khi mà họ ứng cử thì họ đã suy nghĩ rất kỹ rồi thì họ mới quyết định ra ứng cử. Thế nên chắc chắn là họ bị đe dọa. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện đó. Ở Việt Nam, an ninh, công an và đủ các thành phần họ sẽ đến thuyết phục là nên rút đi, lấy tấm gương của những người đã bị bắt để đe dọa thì những người tự ứng cử sẽ tự xin rút.”

Theo Nghị quyết 1185 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đầu năm nay, tổng số đại biểu Quốc hội khóa 15 dự kiến là 500, gồm 207 đại biểu trung ương và 293 đại biểu địa phương.

Trong một lần trao đổi với báo chí Nhà nước xung quanh việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và công tác giám sát của Mặt trận để đảm bảo tiêu chuẩn của các đại biểu, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định vẫn ‘rộng cửa’ cho người tự ứng cử.

Ân Xá Quốc Tế hôm đầu tháng Tư ra thông cáo báo chí lên án chính quyền Việt Nam đang tiến hành một vụ trấn áp trước bầu cử Quốc hội.

Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc Khu vực về Nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, được trích lời trong thông cáo báo chí rằng: “Cơ quan chức năng Việt Nam phải chấm dứt đàn áp và cho phép mọi người tại Việt Nam được tự do thực thi quyền con người của họ mà không sợ bị trả thù. Khi Việt Nam đang muốn tự ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì cơ quan chức năng lại can dự vào những vi phạm trắng trợn và rộng khắp ở Việt Nam”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
22/04/2021 14:56

Bầu cử Đại biểu " Quốc hội, Quốc hôi, Quốc thối Việt Cộng ", ngụy danh Quốc hội Việt Nam,
Bầu cử Đại biểu " Hội đồng ngụy danh Nhân dân " của Đảng Búa Liềm, độc đảng, độc tài, độc quyền,
Bầu cử Đại biê, vi hiến, bất chính, bất minh... bất công, bất lương... bất nhân, bất hợp pháp.

Một hài kịch, một trò hề, một trò cười, tốn tiền thuế, đốt tiền thuế,
Một trò chơi " dân chủ " kiểu Việt Cộng, kiểu Búa Liềm xã hội chủ nghĩa,
Một bi hài kich cho toàn dân Việt Nam, một bi kịch cho dân tộc Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam không có Tự do cử, bầu, chọn Đại biểu, trong Dân Việt, của Dân Việt, do Dân Việt, vì quyền lợi chính đáng của Dân Việt.
Toàn dân Việt Nam có toàn quyền... đéo phải bầu, đếch thèm bầu...bất khuất, bất chấp, bất tuân...bất tín nhiệm, bất hợp tác, bất bạo động.

Ý dân là ý trời ! Ý toàn dân Việt Nam là ý trời !

Tự do, Nhân quyền, Dân quyền, Dân chủ > Đa đảng, Đa dạng, Đa tài, Đa năng, Đa hiệu > Độc lập + Tự do + Hạnh phúc cho toàn dân Việt.