Cuộc đổi mới thứ hai về cải cách chính trị: liệu có khả năng thành hiện thực?
2021.04.15
Tờ The Diplomat vào ngày 15/4 có bài viết với tựa tạm dịch ‘Cuộc tranh luận lớn về dân chủ của Việt Nam’. Nội dung đề cập đến việc Chính phủ Việt Nam cần có một cuộc đổi mới thứ hai về cải cách chính trị; từ đó có thể giải quyết xung đột ý thức hệ nội bộ và tạo sự khác biệt giữa chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Mở đầu bài viết, tác giả đưa ra tác dụng của cuộc đổi mới, cải cách kinh tế của Việt Nam từ cuối những năm 1980, đã tạo ra cơ hội kinh tế giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, sau ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những hậu quả liên quan đến suy thoái môi trường, bất bình đẳng và thất thoát nguồn lực nhà nước do tham nhũng cùng những hệ quả khác được nói ngày càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần một Đổi mới thứ hai, xoay quanh cải cách chính trị.
Vẫn theo ý kiến đưa ra trong bài viết, nếu các thể chế và thông lệ chính trị mới được phép xuất hiện và dẫn đến các cách thức điều hành mới và các ý tưởng chính sách mới, thì nền kinh tế có thể chuyển sang các hoạt động cởi mở hơn và đổi mới hơn dựa trên khoa học và công nghệ.
Trao đổi với RFA tối 15/4, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ra nhận xét như sau:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam bây giờ đã có trình độ cao hơn khá nhiều so với khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam cũng hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số hóa đang tạo cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn với Việt Nam để chuyển sang nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tiến hành công cuộc đổi mới lần thứ hai. Trong đó ngoài các điều như tôi đã đề cập trên thì cũng phải đề cập đến những thách thức khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn ở miền Trung…
Vì vậy nên rất cần một chính phủ có hiệu quả, gọn nhẹ và đổi mới, sáng tạo, ủng hộ những ý tưởng đổi mới, có thể tạo ra một rủi ro ở mức độ nhất định nhưng là những công cuộc đổi mới mà Việt Nam rất cần để Việt Nam tiến lên trong cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.”
Rất cần một chính phủ có hiệu quả, gọn nhẹ và đổi mới, sáng tạo, ủng hộ những ý tưởng đổi mới, có thể tạo ra một rủi ro ở mức độ nhất định nhưng là những công cuộc đổi mới mà Việt Nam rất cần để Việt Nam tiến lên trong cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế. – TS. Lê Đăng Doanh
Theo The Diplomat, cải cách thể chế đang được tiến hành trong đất nước hình chữ S nhưng thường chỉ ở cấp hành chính, được thúc đẩy bằng cách đơn giản hóa các quy định và luật để tránh chồng chéo và trùng lặp.
Những khái niệm như tam quyền phân lập hay xã hội dân sự vẫn bị coi là cấm kỵ đối với Chính phủ. Mặc dù khái niệm dân chủ đã được chính thức đề cập như một trong những ưu tiên chiến lược của đất nước, cùng với công lý và văn minh, dân chủ hóa vẫn là một thuật ngữ nhạy cảm về mặt chính trị vì người ta lo sợ rằng nó sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị, đe dọa sự ổn định của hệ thống độc đảng ở Việt Nam.
Trong khi đó, Chính phủ được nhận định rằng luôn tin tưởng chắc chắn thể chế thống nhất chính trị hiện nay là ưu việt và không thể thay đổi.
Tác giả bài viết cho rằng cách suy nghĩ năng động về cải cách quản trị là chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các công việc của đất nước, dù trực tiếp hay gián tiếp. Chính phủ cần phản ánh lợi ích của người dân để bảo vệ quyền của bất kỳ cá nhân nào được tham gia vào đời sống chính trị và công cộng.
Từ Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Thiệu nêu lên thực tế xã hội Việt Nam hiện nay so sánh với kêu gọi trong bài viết trên The Diplomat:
“Hoang đường, không có khả năng, không thể nào thực hiện được tại vì chế độ của Việt Nam hiện nay là chế độ độc đảng toàn trị. Vừa rồi có một số người dân đi ứng cử hoặc là bị bắt hoặc là bị loại từ vòng hiệp thương nên việc người dân tham gia vào chính trường chính trị là việc hoàn toàn không thể xảy ra, lãnh đạo có thể nói như thế nhưng họ không bao giờ để điều đó xảy ra trong thể chế hiện nay của Việt Nam.”
Mới đây, Nhà thơ người Chăm - Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy, bị tạm giữ hôm 7/4 để cơ quan an ninh thẩm vấn sau khi bày tỏ ý kiến cá nhân về việc tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để đại diện cho người sắc tộc Chăm ở nghị trường.
Trước đó, ông Lê Trọng Hùng, một người vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội cũng bị Công an Hà Nội bắt giữ vào ngày 29/3 với cáo buộc bị cho là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Facebooker Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, vào ngày 10/3 cũng bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam với cáo buộc bị cho là đăng, phát livestream thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam. Ông Khánh bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Với kinh nghiệm quan sát xã hội hàng chục năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể) từ Hà Nội cho hay:
“Người Việt Nam tại nước Việt Nam người ta đã bàn đến đổi mới lần thứ hai, tức đổi mới chính trị từ lâu rồi chứ không phải mới gần đây. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có lúc nói rằng việc cải cách đi bằng hai chân tức cả kinh tế và chính trị.
Đó là chuyện người ta đã đặt vấn đề, rất đáng tiếc càng ngày tiếng nói như thế càng tàn lụi đi, nhất là trong 5-6 năm qua, kể từ nhiệm kỳ hai của ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông ấy dẹp được những phe phái có thể khác ý kiến với người trong đảng.”
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sự đóng góp của người dân, tiếng nói của người dân tham gia vào những vấn đề lớn của đất nước càng ngày càng bị thui chột.
Tác giả bài viết đăng tải trên The Diplomat cho rằng các trí thức cấp tiến suy đoán rằng chính quyền cộng sản Việt Nam không có mô hình nào ngoài mô hình do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện.
Theo đó, sự ổn định của Trung Quốc phụ thuộc vào việc hạn chế sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị và sự kiểm soát của Chính phủ đối với thông tin, đối với người dân, với tính chính danh của đảng chủ yếu đến từ nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế và gần đây là thông qua các cuộc tấn công địa chính trị, đặc biệt là ở Biển Đông, Hong Kong, và Đài Loan.
Nhà nước Trung Quốc được nhận định phải liên tục tăng cường kiểm soát xã hội và chính trị trong nước để ngăn chặn bất kỳ sự mất quyền lực hoặc nhận thức về mối đe dọa đối với quyền lực.
Tuy vậy, Việt Nam không cần phải rơi vào tình thế bấp bênh và căng thẳng như vừa nêu thông qua việc Việt Nam đã mở cửa và chấp nhận con đường hướng tới dân chủ, thì trí thức, chính quyền và người dân có thể cùng nhau chấp nhận các phẩm chất của sự tham gia của công dân như một nguyên tắc quản lý trong đó quyền lực của nhân dân là tối quan trọng.
Người Việt Nam tại nước Việt Nam người ta đã bàn đến đổi mới lần thứ hai, tức đổi mới chính trị từ lâu rồi chứ không phải mới gần đây. Bản thân đảng cộng sản Việt Nam cũng có lúc nói rằng việc cải cách đi bằng hai chân tức cả kinh tế và chính trị. – TS. Nguyễn Quang A
Khi đó, trí thức Việt Nam và Chính phủ sẽ lấy lại lợi thế riêng của mình, từ đó lợi thế của thảo luận cởi mở và thiết thực, coi mọi cơ hội khả thi. Điều này sẽ phân biệt Việt Nam với Trung Quốc.
Nhìn nhận về vấn đề vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho hay, Việt Nam có theo mô hình cộng sản Trung Quốc nhưng nếu nhìn kỹ tình hình chính trị của Việt Nam bây giờ sẽ thấy dù có vài điểm tương tự nhưng không hề giống hoàn toàn Trung Quốc. Tuy vậy, vấn đề làm thế nào để cho Việt Nam ngày càng có tự chủ, ngày càng phát triển hơn cần được quan tâm nhiều hơn nữa thông qua việc:
“Người dân phải cất tiếng nói nhiều hơn, tiếng nói xây dựng thôi, vạch ra cho họ, cho những người bảo thủ như ông Trọng biết cách làm như vậy là sai cho đất nước và động viên những người bên trong hệ thống có cách nhìn tiến bộ, phát huy tiếng nói của mình. Đấy chúng tôi gọi là đảng vận.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng khẳng định rằng nếu người dân thờ ơ, không quan tâm, với tư tưởng làm cũng chẳng ăn thua, đằng nào người ta cũng không nghe thì đây là việc làm tiếp tay cho họ không nghe và tiếp tay cho thế lực bảo thủ cứ chây ì ra và không thay đổi.