Tình cảnh của giới kinh doanh quán ăn, dịch vụ tại Sài Gòn hiện nay
2020.03.26
Vào ngày 24 tháng 3, UBND TP.HCM đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh tụ tập trên 30 người, trong đó bao gồm các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, các cửa tiệm làm đẹp, uốn tóc và hớt tóc…v.v.
Tiếp đến , Thủ tướng Việt Nam chỉ thị các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, TP. HCM đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh như nêu trên, không giới hạn số lượng người, bắt đầu vào ngày 28 tháng 3.
Vào ngày 26 tháng 3, RFA đã có cuộc phỏng vấn ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ ở TP. HCM. Ngoài ảnh hưởng do lượng khách hàng giảm từ khi dịch bùng phát đến nay, thì nay họ sẽ xoay sở thế nào khi phải đóng cửa hoàn toàn cơ sở kinh doanh.
Chị Loan, chủ của một tiệm tóc tại Quận 10, TP.HCM, cho biết từ khi dịch bệnh bùng phát trong nước, việc hoạt động của cửa tiệm chị không như trước vì số lượng khách hàng thưa thớt:
“Tình hình dịch bệnh làm hạn chế, ảnh hưởng đến kinh doanh, khách hàng thì sợ bị lây nhiễm. Với lại tiệm đóng cửa trong khi tiền thuê mặt bằng mình vẫn phải trả và thêm tiền lương nhân viên, nên cũng gặp khó khăn nhiều. Trước khi đóng cửa (đã có khó khăn), tại vì dịch ảnh hưởng chung, nên khách hàng cũng giảm”
Chị Loan hiện tại vẫn chưa biết cửa tiệm mình sẽ phải tiếp tục đóng cửa bao lâu, vì theo chị phải theo dõi và xem xét tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến như thế nào. Chị cho biết:
“Chưa biết nha chị. Nhà nước thì ra quy định như vậy, nhưng cũng có thể đến khi đó xem xét tình hình thế nào, có thể đóng cửa tiếp. Theo em thấy ở những vùng học sinh nghỉ học, thì còn đi theo tình trạng dịch như thế nào nữa. Tạm thời phải nghỉ hết tháng.”
Anh Lộc, chủ của một quán ăn ở một khu đô thị mới tại Quận 8, TP.HCM, cho biết khi luật chỉ giới hạn cho những cơ sở kinh doanh có tụ tập trên 30 người, những quán ăn như quán của anh có thể gia giảm số lượng khách phục vụ xuống còn dưới 30 người. Tuy nhiên, sắp tới khi phải đóng cửa toàn bộ nhà hàng, những khó khăn anh gặp phải như sau:
“Khi đóng cửa thì thứ nhất, các đồ ăn, nguyên liệu của mình sẽ bị hư. Thứ hai là khi nhân viên xin nghỉ về quê thì sẽ khó lên lại và cũng khó tìm người nhân viên khác để thay thế. Thêm nữa là chi phí mặt bằng, vì người ta sẽ không giảm cho mình. Khi mình đi xin người ta chưa chắc gì họ sẽ giảm. Trước đây thì những tiệm lớn có thể chỉ giảm thiểu số khách còn đúng 30 người thôi.”
Quán ăn của anh Lộc vẫn còn mới, được thành lập chỉ trong vòng 1 năm trở lại, vì thế nhân viên làm cho quán là những bạn sinh viên, còn trẻ và chưa gắn bó lâu với quán, nên ngoài việc chi phí, thức ăn, anh Lộc lo lắng về việc tìm người thay thế khi quán mở lại cũng sẽ gặp khó khăn.
Về việc phải tạm dừng kinh doanh và cho nhân viên về quê, chị Loan cho biết trong ngành tóc bên chị không quá phải lo lắng việc nhân viên nghỉ mà không quay lại làm, vì họ đã gắn bó với tiệm đã lâu. Chị cho biết thêm:
“Mình cũng hỗ trợ (lương) nhân viên một phần. Thí dụ như mình có thể hỗ trợ cho nhân viên trong thời gian nghỉ lâu dài, có thể cho mấy bạn về quê tránh dịch, hoặc cũng có vài bạn nhân viên ở trên đây (TP.HCM); nếu như ở trên đây nghỉ ít ngày thì mình cũng có hỗ trợ. Nếu như mà qua tháng nhà nước tiếp tục cho nghỉ thêm một, hai tuần chẳng hạn, thì sẽ cho những bạn này về quê tránh dịch.”
Khi trả lời phỏng vấn với RFA ngày 26 tháng 3, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan diễn biến nghiêm trọng hơn, ngoài việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học, chính phủ Việt Nam cũng buộc phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí. Vì vậy, doanh thu của những ngành này đều bị ảnh hưởng.
Theo ông Thịnh, so với mọi năm thì năm nay, hầu như các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều thất thu, vì vậy lượng doanh nghiệp xin ngừng hoạt động hay phá sản trong ba tháng đầu năm nay chủ yếu là những cơ sở kinh doanh nhỏ và các hộ gia đình có liên quan đến lĩnh vực dịch vụ này. Ông nhận xét:
“Một số doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình do nguồn lực nó cũng có hạn thôi, mà do doanh thu giảm như vài tháng vừa rồi thì họ không có cái để trả tiền thuê cơ sở vật chất, cũng như là trả tiền lương cho người lao động, nhân viên mà vì vậy những người trong số ngành này cũng tuyên bố phá sản.”
Ông Thịnh cho rằng hiện tại là lúc chủ của các cơ sở kinh doanh có thể lấy đây làm cơ hội để cơ cấu lại doanh nghiệp, tìm những giải pháp tạm thời để có thể tiếp tục hoạt động khi cơn dịch đã đi qua.
Tuy nhiên, theo anh Lộc, trước khi có lệnh đóng cửa như sắp tới đây, quán ăn của anh cũng đã thử nghiệm áp dụng hình thức kinh doanh qua dịch vụ giao tận nhà, nhưng đó không phải là mô hình kinh doanh chủ yếu của quán nên doanh thu từ hình thức này không giúp bù đắp cho việc khách hàng không đến quán ăn của mình:
“Về dịch vụ delivery thì không có chạy được nhiều, vì (hình thức kinh doanh) đa phần khách tới quán là vì khung cảnh đẹp và có gió mát. Đồ ăn của mình lên (dịch vụ delivery) không có dễ, tự nhiên mình bị mất 20% đến 23% cho một phần ăn.”
Đối với chị Loan, chị chỉ mong có được sự hỗ trợ nào đó từ nhà nước để có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong trường hợp phải đóng cửa tiệm lâu dài. Chị cho biết:
“Như tụi em làm kinh doanh thì hàng tháng vẫn phải lo mặt bằng, kinh phí này kia nên cũng mong nhà nước sẽ hỗ trợ một phần nào đó. Còn tình hình dịch thì ai cũng phải chung tay đóng cửa hàng, quán để cùng nhau qua mùa dịch này.”
Ông Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc hỗ trợ như một số quốc gia khác chu cấp một lượng tiền đến thẳng cho người dân thật sự rất khó đối với nhà nước Việt Nam:
“Vì ngân sách nhà nước Việt Nam cũng rất eo hẹp và vì thế cho nên phải tính toán cẩn trọng trong việc này. Điều thứ hai là nếu áp dụng biện pháp kích cầu, hoặc dùng biện pháp mạnh tay thì nó rất nhiều vấn đề, thì lúc đó sẽ có thêm vấn đề là ngành nào, doanh nghiệp nào, hình thức nào và ai được hưởng, bao nhiêu, ra làm sao…v.v, nó rất nhiều vấn đề phức tạp.”
Ông Thịnh cho biết thêm, phía các chuyên gia Việt Nam cũng đã có ý kiến đối với cơ quan quản lý để xem xét, miễn giảm các loại thuế cho các loại hình doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh này. Từ đó, ông cũng mong có thể giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh như thế này có thể mở cửa và hoạt động trở lại khi đợt khủng hoảng đi qua.