Nhà nước biên soạn SGK là đi ngược mục tiêu xã hội hoá?

0:00 / 0:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 14/8/2023 yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88 (trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước).

Gây xáo trộn?

Trả lời RFA hôm 15/08/2023 từ Sài Gòn về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Có thể khẳng định ngay nó đi ngược lại chủ trương của chính Quốc Hội đã ban hành, có văn bản hẳn hoi. Theo văn bản này, Bộ Giáo dục chuẩn bị một bộ sách giáo khoa của nhà nước trong trường hợp, nếu tư nhân nhỏ không viết, hoặc viết mà chất lượng không đạt… khi đó mới cần sách giáo khoa của nhà nước để học sinh có sách học. Nhưng thực tế cho đến nay, sau mấy năm thực hiện thì trường hợp đó không xảy ra. Mà đã không xảy ra thì không còn lý do gì để mà phải tốn tiền tốn bạc làm một bộ sách giáo khoa của nhà nước cả.”

Tôi không chắc rằng là sách giáo khoa của nhà nước mà được người dân ủng hộ đâu. Thành ra tôi cho rằng sẽ tốn tiền vô ích, mà lại trái chủ trương của chính Quốc Hội.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, dù hiện nay các địa phương được giao quyền chọn sách, nhưng trên tinh thần vẫn là giáo viên chọn. Do đó, Tiến sĩ Dũng cho rằng: nếu nhà nước cứ biên soạn một bộ SGK riêng, thì chưa chắc giáo viên tự quyết định “tự chọn”. Ông lý giải:

“Thứ nhất các lớp đã được học sách giáo khoa biên soạn trước, ví dụ lớp một đã cho học sách của tác giả A, không lẽ sang lớp hai lại chuyển sang tác giả B? Vì người ta biên soạn đã có hệ thống, mà đến bây giờ đặt ra vấn đề biên soạn sách giáo khoa của bộ thì đã đi sau, trong lúc thị trường người khác đã chiếm cả rồi. Cho nên tôi không chắc rằng là sách giáo khoa của nhà nước mà được người dân ủng hộ đâu. Thành ra tôi cho rằng sẽ tốn tiền vô ích, mà lại trái chủ trương của chính Quốc Hội.”

Nội dung Nghị quyết 88 – ban hành năm 2014 được truyền thông loan, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Cũng theo nghị quyết này, từ năm học 2018 - 2019, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, từ năm học 2018 – 2019 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng, do đó các trường đã chọn các bộ sách tư nhân để giảng dạy.

Đến năm 2020, Quốc hội ra Nghị quyết 122, có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm 14/8, lý giải cho yêu cầu của mình, ông Huệ cho rằng nghị quyết 122 giải quyết tình thế lúc đó chứ không thay thế cho nghị quyết 88 về việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước.

619e3f10-7b97-4c1d-9603-f3e6450c4039.jpeg
Ảnh minh họa: Một trường cấp 2 ở huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái. AFP.

Ai hưởng lợi?

Cũng tại cuộc họp hôm 14/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc Bộ đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa mới không chỉ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa, trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Tuy vậy, nhìn nhận vấn đề này, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 15/8 lại cho biết ông ủng hộ nhà nước độc quyền sách giáo khoa. Ông giải thích:

“Vấn đề này tôi thấy có mặt nọ mặt kia, một mặt nếu để cho nhiều nhà xuất bản, nhiều nhóm viết sách khác nhau cùng tham gia thì nó có xu hướng chống độc quyền, xã hội hóa được hoạt động phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam đã tốn hàng trăm giáo sư tiến sĩ tham gia vào biên soạn rất nhiều bộ sách khác nhau, mỗi bộ môn có bốn năm nhóm biên soạn, mà sách lại theo một chương trình khung, cho nên nó giống nhau đến 90 - 95% nội dung kiến thức…”

Có rất nhiều vấn đề cần phải hỗ trợ, trợ cấp, rồi tặng học sinh miền núi… Cái này mà để các nhà xuất bản tư nhân làm thì họ không thể tặng được, họ không có vốn. Nói là xã hội hóa, nhưng thực chất không hoàn toàn có lợi cho xã hội.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, đó chính là một sự lãng phí. Thầy Khoa nói tiếp:

“Riêng về độc quyền sách giáo khoa, như nhà xuất bản giáo dục trước kia, thì quan điểm của tôi lại thấy nên như vậy. Một nhóm in ấn sáng tạo, phát huy những cái đã có và bổ sung những cái chưa được. Sau đó có một chính sách là sách phải được sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Có rất nhiều vấn đề cần phải hỗ trợ, trợ cấp, rồi tặng học sinh miền núi… Cái này mà để các nhà xuất bản tư nhân làm thì họ không thể tặng được, họ không có vốn. Nói là xã hội hóa, nhưng thực chất không hoàn toàn có lợi cho xã hội.”

Nếu quay về cách cũ, thì riêng sách giáo khoa, theo ý kiến của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, cũng không có nhiều vấn đề nhưng ông lo ngại cách cũ nghĩa là trở về như trước đây: một chương trình một bộ sách giáo khoa. Trong khi, vẫn theo tiến sĩ Hoàng Dũng việc một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay là một sự tiến bộ.