Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mới đây cho rằng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ông Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự Chương trình kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022.
Thực tế có như lời ông Phạm Minh Chính, khi những năm gần đây, ngành y tế liên tục xảy ra bê bối. Thậm chí khi dịch bệnh tràn lan, họ vẫn lợi dụng để thủ lợi bất chấp sức khỏe người dân đang gặp hiểm nguy.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nguyên là biên tập viên Tạp Chí Cộng Sản, khi trả lời RFA hôm 28/2, nhận định:
“Bê bối của ngành y trước có vụ như Bệnh viện Bạch Mai thổi giá thiết bị y tế làm người dân phải đóng tiền gấp đôi gấp rưỡi, rất tai hại. Nhưng cái bộc lộ rõ nhất là việc ủy ban chống dịch của các tỉnh đã hai lần sai phạm, một lần là mua thiết bị xét nghiệm PCR đều nâng khống giá, từ một tỷ rưỡi lên năm bảy tỷ... khiến mấy người bị bắt. Rồi đến việc kít xét nghiệm cho dân thì bốn năm giám đốc CDC các tỉnh bị bắt. Ảnh hưởng người dân rất nhiều vì giá kít test thổi lên từ 157 nghìn lên 450 nghìn, rất nguy hiểm. Đợt dịch này ngành y tế lộ hết bộ mặt ra, là cơ hội để họ làm tiền, tham nhũng rất nhiều.”
Việc kít xét nghiệm cho dân thì bốn năm giám đốc CDC các tỉnh bị bắt. Ảnh hưởng người dân rất nhiều vì giá kít test thổi lên từ 157 nghìn lên 450 nghìn, rất nguy hiểm. Đợt dịch này ngành y tế lộ hết bộ mặt ra, là cơ hội để họ làm tiền, tham nhũng rất nhiều.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Theo kết quả điều tra được Bộ Công an công bố năm 2020, vụ nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai khiến mỗi ca mổ não bị nâng giá 16,5 triệu đồng. Cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS đã nâng giá thiết bị robot Rosa có giá khoảng 7,4 tỉ đồng lên thành 39 tỉ đồng... khi lắp đặt vào bệnh viện làm tăng chi phí khám chữa bệnh, móc túi bệnh nhân hơn 10 tỉ đồng. Sau đó bệnh viện này còn dính thêm bê bối mua thiết bị xét nghiệm PCR với vi-rút COVID-19.
Không lâu sau đó, là vụ tham nhũng mua tròng mắt ngoại nhập xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và cả người bệnh với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng... Gần đây nhất là vụ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á cấu kết với lãnh đạo cơ quan phòng chống dịch các tỉnh nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 gấp nhiều lần.
Chưa kể trước đó ngành y tế còn dính bê bối thuốc ung thư giả ở Công ty VN Pharma gây chấn động dư luận.
Bác sĩ Đinh Đức Long khi trả lời RFA hôm 28/2 cũng cho rằng bê bối của ngành y tế Việt Nam là không thể phủ nhận, tuy nhiên theo ông cũng có nhiều tiến bộ so với trước đây:
“Bê bối là có thật, không thể phủ nhận... nhưng chăm sóc sức khỏe có tốt hơn. Ví dụ như bảo hiểm y tế (BHYT) giờ gần như là phủ sóng 100%. Thứ hai là bảo hiểm ưu tiên miễn phí cho người già hay hộ nghèo, người còn sức lao động thì bảo hiển theo công việc của mình, hoặc bỏ tiền mua BHYT tự nguyện. Về mặt phủ sóng thì tương đối tốt, thuốc men thì cũng nhiều hơn ngày xưa. Ngày xưa bệnh nhân nhiều khi có tiền nhưng chết vì không có thuốc, còn bây giờ thuốc gì cũng có. BHYT thì thuốc theo danh mục, muốn thuốc tốt hơn thì bỏ tiền túi. Trang thiết bị cũng tốt hơn, ngày xưa tôi mới tốt nghiệp về nước thì một kim tiêm cho bao nhiêu người.”
Dù ngành y tế có hơn trước kia nhưng theo bác sĩ Đinh Đức Long thì chưa thể đạt kỳ vọng của người dân. Ông nêu ví dụ:
“Nhất là thái độ chăm sóc, một số nơi chưa làm đúng. Theo kinh tế thị trường thì đối xử phải coi mình sống được là nhờ người ta. Anh có khám chữa bệnh cho người ta thì BHYT mới thanh toán cho bệnh viện thì sau này mới có quỹ lương, ví dụ như thế. Cái đấy thuộc về kỹ năng giao tiếp chưa tốt, quen thời bao cấp, nhưng một số nơi như bệnh viện tư thì họ làm rất tốt. Còn tiêu cực thì theo tôi luôn luôn có, kể cả sau này, mức độ ít hay nhiều, hay ở đâu? Cái đó khó mà chấm dứt vì đã là con người thì ai cũng có lòng tham, nếu quản lý lỏng lẻo thì khó tránh khỏi, còn mặt bằng chung thì so với trước tiến bộ nhiều.”

Cũng tại Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022, ngoài ca ngợi Đảng và Nhà nước trong công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông Phạm Minh Chính cũng tôn vinh và tri ân những đội ngũ ngành y tế giữ vững phẩm giá cao quý của ngành y khi phải đối phó dịch bệnh COVID-19.
Theo Bộ Y tế, chỉ riêng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, hơn 25 nghìn thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên các trường y dược từ khắp nơi đã tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Chắc hẳn không ai có thể quên công lao của những người không kể hiểm nguy để đối phó dịch bệnh.
Tuy nhiên Thủ tướng Việt Nam - Phạm Minh Chính lại không nhìn nhận trách nhiệm của Đảng và Nhà nước khi để ngành y tế liên tục xảy ra sai phạm.
Thái độ chăm sóc, một số nơi chưa làm đúng. Theo kinh tế thị trường thì đối xử phải coi mình sống được là nhờ người ta. Anh có khám chữa bệnh cho người ta thì BHYT mới thanh toán cho bệnh viện thì sau này mới có quỹ lương, ví dụ như thế.
-Bác sĩ Đinh Đức Long
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định thêm liên quan vấn đề này:
“Trách nhiệm lớn nhất của đảng và Nhà nước trong bê bối ngành y tế là duy trì cơ chế để độc quyền lãnh đạo. Còn trách nhiệm thường xuyên quán xuyết theo từng kỳ Đại hội Đảng cũng không đạt vì để xảy ra rất là nhiều tiêu cực trong ngành y tế, thứ trường bị bắt, bao nhiêu vụ trưởng bị bắt... rồi giám đốc CDC tức Ủy ban chống dịch của các tỉnh cũng bao nhiêu người bị bắt... đều do Đảng và Nhà nước, quan trọng nhất là cơ chế của Đảng và Nhà nước tạo ra và đang duy trì nó.”
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, thành viên của nhóm nhân sĩ trí thức chuyên phản biện ở TPHCM, khi trả lời RFA mới đây về vấn đề này cho rằng:
“Cái chung nhất là tình hình của Bộ Y tế về những vụ thuốc giả, về vật tư y tế rồi bao nhiêu thứ, kể cả vụ Việt Á vừa rồi. Với tư cách một bác sĩ tôi thấy quá xấu hổ. thấy không thể tưởng tượng được sự kinh doanh trên sinh mạng con người. Y tế là ngành ảnh hưởng đến cả sinh mạng con người mà cũng có những tiêu cực khủng khiếp: thuốc giả, thuốc chống ung thư, que xét nghiệm…đủ thứ. Nói chung cả một hệ thống rệu rã là quá rõ rồi, không ai mà giấu diếm được, nó lộ liễu quá rồi.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ khi trả lời RFA vào tháng 12 năm 2021 cho rằng, việc khôi phục lại nền y tế phải bắt đầu từ nhà nước. Theo ông, ngành y tế Việt Nam gượng dậy được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước Việt Nam, bởi vì nó liên quan tới các mặt an sinh xã hội của toàn dân.