Hoa Kỳ trục xuất người Việt Nam biểu tình phản đối Formosa tìm quy chế tị nạn

Hòa Ái, RFA
2019.06.07
havanthanh111 Ông Hà Văn Thành tham gia biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An (người đứng bên phải trên, đội mũ bảo hiểm)
Courtesy of FB Nguyễn Đình Thuc

Một người Việt Nam, từng tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung Việt Nam hồi năm 2016, đã đào thoát khỏi Việt Nam đến Mỹ xin tị nạn. Tuy nhiên, Tòa án Di trú Mỹ đã từ chối cấp quy chế tị nạn của người này và ra phán quyết trục xuất.

Hành trình đến Mỹ xin tị nạn

Ông Hà Văn Thành, sinh năm 1982, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bắt đầu cuộc đào thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12/05/2018 vì ông lo sợ sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù như một số nhà hoạt động về môi trường khác ở khu vực là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong. Đây là những người đã cùng tham gia xuống đường tuần hành tập thể với hàng trăm nạn nhân của thảm họa môi trường biển Formosa ở khu vực 4 tỉnh Bắc Trung bộ kể từ khi biến cố xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016.

Vào ngày 7/6, từ trại giam di trú ở tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ, ông Hà Văn Thành liên lạc với RFA qua điện thoại và kể lại hành trình ông đến Mỹ hôm 24/07/2018 xin tị nạn:

“Tôi đi từ Việt Nam sang Lào và sang Thái Lan. Từ Thái Lan tôi mua vé bay qua Cuba. Rồi tôi tiếp tục mua vé máy bay sang Panama. Tôi xin tị nạn ở Panama. Trong lúc chờ xin tị nạn, tôi gặp được những người Cuba đi qua Mexico nên tôi xin tháp tùng. Đến Mexico thì họ cho tôi được ở lại trong vòng khoảng 20 ngày. Rồi từ thành phố Bonne Terre của Mexico, tôi đi bộ đên biên giới Mỹ và gặp cảnh sát tại cửa khẩu để xin tị nạn.”

Ông Thành cho biết sau khi tham gia các cuộc biểu tình tập thể ôn hòa đến cơ quan chính quyền địa phương để yêu cầu được bồi thường chính đáng cho những thiệt hại do nhà máy Formosa gây ra, tên của ông được loan trên bản tin của Đài Truyền hình An ninh. Truyền thông trong nước gọi ông là “thành phần phản động”; đồng thời ông cũng nhận được ba giấy triệu tập làm việc với công an. Ngoài ra ông còn bị công an canh chừng trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Giáo xứ Song Ngọc cũng chia sẻ với RFA về các việc làm của ông Hà Văn Thành trong cộng đồng giáo dân:

“Anh ấy thường hay tham gia và đồng hành với tôi, đặc biệt trong việc đấu tranh với Formosa thì anh luôn gần gũi để giúp tôi và giáo xứ trong các cuộc xuống hành tuần hành, cụ thể vào ngày 14/02/17 Giáo xứ Song Ngọc đi kiện Formosa và bị đàn áp. Trong ngày đó, anh Thành đã đồng hành với chúng tôi như một trong những người tổ chức và hướng dẫn cho đoàn, tức là giúp ổn định trật tự cho đoàn và nhất là khi xảy ra đàn áp đối với đoàn Diễn Châu thì chính anh là người bảo vệ tôi khỏi đám đông công an khi họ có ý định tách biệt tôi với bà con giáo xứ để dễ bề đàn áp một cách thẳng tay. Khi công an đến để tấn công bắt tôi thì chính anh Thành giữ tôi lại và tôi thoát được.”

Biểu tình phản đối Formosa
Biểu tình phản đối Formosa
Courtesy of FB Nguyễn Đình Thục

Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng xác nhận ông Hà Văn Thành gặp nhiều trở ngại với công an địa phương và trước sụ lo lắng có thể bị bắt giam và bị khởi tố nên ông Hà Văn Thành quyết định rời khỏi địa phương và ra nước ngoài tìm quy chế tị nạn.

Trả lời câu hỏi của RFA rằng vì sao có thể thực hiện một cuộc hành trình đến Mỹ để xin tị nạn như thế, ông Hà Văn Thành nói rằng ông cứ dò tìm thông tin và quyết định trong sự phó thác.

Trong khi đó, ở quê nhà, vợ của ông Hà Văn Thành, bà Hồ Thị Thắm cho RFA biết, cuộc sống của gia đình ông Thành gặp khó khăn với công an địa phương và bà phải lánh về quê nhà của mình sinh sống. Bà Hồ Thị Thắm giảy bày:

“Hồi em ở nhà chồng thì công an đến nhà tìm và bắt mẹ, con điện thoại tìm chồng về và em bảo em không biết chồng đang ở đâu. Sau đó, họ mặc thường phục bảo là bạn học của anh Thành tìm anh ấy, nhưng em bảo anh Thành không có ở nhà và em cũng không biết tin tức vì anh Thành không liên lạc về. Họ cứ canh trước nhà suốt và đi khắp xóm để hỏi thông tin anh Thành đang ở đâu.”

Không những vậy, bà Thắm cho biết con của bà đến trường còn bị giáo viên chỉ trích là con của phản động nên bà cũng phải chuyển trường học cho con của mình.

Bị tòa bác đơn và đối diện trục xuất

Trong cuộc điện thoại gọi từ trại giam di trú ở thành phố Chaparral, tiểu bang New Mexico đến RFA, ông Hà Văn Thành cho biết đã trải qua quá trình thẩm vấn di trú và đã ra tòa ba lần. Sau ba phiên tòa, ông bị từ chối cho tị nạn và sẽ phải bị trục xuất về nước. Ông Hà Văn Thành nói:

“Lần thứ ba ra tòa thì tòa phán tôi không đủ điều kiện được tị nạn vì họ không tin tôi và không tin các việc làm của tôi. Sau đó, tôi có kháng cáo và luật sư cũng đệ đơn kháng cáo của tôi lên tòa nhưng tòa cũng từ chối luôn vào hôm mùng 10/05 và nói rằng trong vòng 30 ngày thì họ trục xuất.”

Đài RFA liên lạc với Luật sư Khanh Phạm, là luật sư trợ giúp cho ông Hà Văn Thành để hỏi về lý do vì sao tòa di trú ở thành phố Chaparral, tiểu bang New Mexico từ chối không đồng ý cho ông Hà Văn Thành quy chế tị nạn. Luật sư Khanh Phạm tường thuật lại:

“Lúc ra tòa đã nộp hết bằng chứng anh Thành đưa, gồm giấy triệu tập và những là thư của linh mục gửi qua để trình bày về chuyện anh Thành bị đánh đập…Và cũng có đơn tường trình của anh Thành gửi vào nữa. Các bằng chứng này đã nằm trong hồ sơ hết rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là quan tòa sẽ ra phán quyết dựa vào các bằng chứng trong hồ sơ, mà quan tòa còn hỏi anh Thành những câu hỏi liên quan các bằng chứng đã đưa ra thì có nhiều lúc anh Thành không trả lời đúng, hay quan tòa hỏi một câu mà anh Thành không biết trả lời như thế nào. Vì vậy, vào cuối phiên tòa, bà thẩm phán nói rằng có thể sự việc đã xảy ra nhưng bà không tin về lời nói của anh Thành. Tôi cũng giúp anh Thành kháng kiện rồi và tòa BIA (The Board of Immigration Appeals: Tòa Kháng án về Di trú) cũng nói là một khi quan tòa không tin tưởng lời nói thì khó kháng kiện được.”

Sau khi kháng kiện xong và tòa BIA ra quyết định cuối cùng thì vẫn có thể kháng kiện lên tòa án liên bang, nhưng Sở Di trú vẫn có thể trục xuất ngay lúc này. - Luật sư Khanh Phạm

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng theo Luật di trú của Mỹ thì ông Hà Văn Thành còn cơ hội nào để tiếp tục kháng án hay không, Luật sư Khanh Phạm cho biết:

“Sau khi kháng kiện xong và tòa BIA ra quyết định cuối cùng thì vẫn có thể kháng kiện lên tòa án liên bang, nhưng Sở Di trú vẫn có thể trục xuất ngay lúc này. Tại vì tòa BIA đã xác định với tòa cấp dưới thì nói chung là Sở Di trú có quyền trục xuất.”

Thông tin về trường hợp ông Hà Văn Thành sẽ bị trục xuất cũng đã đến được văn phòng của thị trưởng thành phố Westminster, tiểu bang California. Ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng thành phố Westminter, cho biết ông đã chuyển hồ sơ của ông Hà Văn Thành đến Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal vào hôm 5/6 với hy vọng có được sự can thiệp giúp ông Thành không bị trục xuất về lại Việt Nam. Thị trưởng Tạ Đức Trí nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Chúng tôi có nhận email của một người từ tiểu bang khác và có thể đây là người đang vận động giúp cho anh Hà Văn Thành được ở lại Hoa Kỳ. Qua email đó, chúng tôi thấy có đầy đủ hồ sơ liên quan tới anh Hà Văn Thành và chúng tôi đã chuyển hồ sơ từ email chúng tôi nhận được đến văn phòng của Dân biểu Liên bang, ở đơn vị 47, bang California trong khu vực của chúng tôi là ông Alan Lowenthal để yêu cầu giúp đỡ từ phía của Dân biểu Alan Lowenthal cho trường hợp của anh Hà Văn Thành.”

Chúng ta thấy và hiểu được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam rằng rất nhiều đồng bào ở Việt Nam tham dự các cuộc biểu tình phản đối vấn đề Formosa thì đã có nhiều người bị bắt giữ, bị đánh đập và bị trù dập - Thị trưởng Tạ Đức Trí

Trước nỗi lo sợ sẽ bị bắt vào tù khi về nước của ông Hà Văn Thành, Thị trưởng Tạ Đức Trí nêu lên nhận định của ông:

“Nếu trường hợp anh Thành bị trục xuất để trở về Việt Nam thì chúng tôi chắc chắn rằng cuộc sống của anh Thành sẽ gặp rất nhiều khó khăn và Chính quyền Việt Nam sẽ trù dập anh Thành nên chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức hội đoàn cũng như cộng đồng (người Việt) ở Hoa Kỳ tiếp tục vận động các chính giới và dân biểu liên bang, các thương nghị sĩ Mỹ để đưa ra nguyện vọng của tập thể người Việt tị nạn là hỗ trợ và cố gắng giúp đỡ cho anh Thành không bị trục xuất về Việt Nam. Chúng ta thấy và hiểu được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam rằng rất nhiều đồng bào ở Việt Nam tham dự các cuộc biểu tình phản đối vấn đề Formosa thì đã có nhiều người bị bắt giữ, bị đánh đập và bị trù dập.”

Đại diện văn phòng dân biểu Alan Lowenthal cho Đài Á Châu Tự Do biết văn phòng đã nhận được hồ sơ về ông Hà Văn Thành từ Thị trưởng Tạ Đức Trí và văn phòng của dân biểu đang xem xét có thể làm được gì cho ông Thành.

Vào tháng 4 năm 2016, công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả chất thải độc ra môi trường biển khiến hàng trăm tấn cá chết trôi dạt vào bờ. Formosa sau đã phải xin lỗi và nhận bồi thường 500 triệu đô la. Tuy nhiên, đến nay nhiều người dân ở khu vực 4 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng cho biết họ vẫn còn phải chịu hậu quả.

Hai trong số những người tham gia trong các cuộc biểu tình cùng với những nạn nhân của thảm họa Formosa trong việc đi khiếu kiện đòi bồi thường thỏa đáng đã bị Chính quyền địa phương khởi tố và tuyên các bản án tù lần lượt là Hoàng Đức Bình, 14 năm tù giam và Nguyễn Nam Phong, 2 năm tù giam. Một người khác là Bạch Hồng Quyền bị phát lệnh truy nã và ông đã đào thoát khỏi Việt Nam. Ông Bạch Hồng Quyền và gia đình vừa được Chính phủ Canada cấp quy chế tị nạn và vừa được đến định cư hồi đầu tháng 5 năm 2019.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Giang Viet Son
31/08/2022 09:19

Mình làm việc chính nghĩa, bảo vệ môi trường, ở đâu cũng vậy, Mỹ k nhận thì về VN, tiếp tục sống với lý tưởng bảo vệ thiên nhiên, có j mà phải sợ đi tù.