Nạn nhân thảm sát Mậu Thân trở thành Tướng Hải quân Hoa Kỳ

Hòa Ái, RFA
2019.07.05
NguyenTuHuan.jpg Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn.
Courtesy: Facebook VAUSA Family & Friend Network

Thưa quý vị, Đại tá Nguyễn Từ Huấn, thuộc binh chủng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ vào ngày 5/6/19 được Tổng thống Donald Trump đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc và đã được Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào hôm 27 tháng 6. Ông Nguyễn Từ Huấn sẽ chính thức trở thành vị tướng gốc Việt đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ sau lễ thăng cấp dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây.

RFA: Hòa Ái xin chào Đại tá Nguyễn Từ Huấn. Câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cảm xúc của ông như thế nào trong giây phút đầu tiên ông nhận được thông báo có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc của hải quân Hoa Kỳ hồi đầu tháng 6?

Đại tá Nguyễn Từ Huấn: Tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một Phó Đô đốc, Tướng 3 sao của Hải quân gọi cho tôi vào khoảng đầu tháng 2 cho biết là tội được chọn thăng cấp lên Phó Đề đốc. Cảm tưởng của tôi lúc đó rất xúc động và cũng cảm thấy rất được vinh dự đã được chọn lên chức vụ như thế. Vinh dự này không chỉ cho chính tôi không thôi mà đó là vinh dự cho tất cả những người mà tôi đã từng phục vụ với và những người đang phục vụ với vì họ chính là những người đã cho tôi cơ hội được có ngày hôm nay.

RFA: Xin hỏi ông đã gia nhập vào Hải quân Hoa Kỳ được bao nhiêu năm?

Bố tôi là cố Đại tá Nguyễn Tuấn, lúc ông mất là Trung tá Nguyễn Tuấn, thuộc binh chủng Thiết giáp. Mẹ tôi là bà Từ Thị Như Tùng. Cả hai người và 5 anh em của tôi đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Lúc đó tôi 10 tuổi
- Đại tá Nguyễn Từ Huấn

Đại tá Nguyễn Từ Huấn: Tôi gia nhập từ năm 1993.

RFA: Và từ những ngày đầu nhập ngũ đó, có bao giờ ông đặt mục tiêu hay liên tưởng đến rồi sẽ có lúc ông đạt được vị trí chỉ huy, ở cấp bậc tướng lãnh như chức vụ Phó Đề đốc bây giờ không, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Từ Huấn: Thật sự không bao giờ nghĩ như thế. Ngay cả lúc đó tôi không nghĩ sẽ lên đến đại tá chứ chứ đừng nói lên đến chức phó đề đốc. Động cơ thúc đấy tôi gia nhập Hải quân lúc đó, thứ nhất là mình muốn trả ơn lại cho nước Mỹ đã nhận mình vào như một người con của họ và đã cho mình những cơ hội để thăng tiến; thứ hai nữa là tôi muốn nối dõi theo thân phụ tôi.

Đám tang các thành viên gia đình ông Nguyễn Từ Huấn bị thảm sát trong biến cố Mậu Thân tại Sài Gòn năm 1968.
Đám tang các thành viên gia đình ông Nguyễn Từ Huấn bị thảm sát trong biến cố Mậu Thân tại Sài Gòn năm 1968.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình vietamericanvets.com

RFA: Khi có thông tin ông được thăng cấp lên Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều người đặc biệt quan tâm và theo dõi bởi vì họ cho rằng ông là một nhân vật lịch sử và là một nhân chứng trong Chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện về cuộc đời của ông, người ta gọi có phần nào đó rất “huyền thoại”. Hòa Ái xin phép ông chia sẻ về một biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của ông và của gia đình hồi Tết  Mậu Thân năm 1968?

Đại tá Nguyễn Từ Huấn: Bố tôi là cố Đại tá Nguyễn Tuấn, lúc ông mất là Trung tá Nguyễn Tuấn, thuộc binh chủng Thiết giáp. Mẹ tôi là bà Từ Thị Như Tùng. Cả hai người và 5 anh em của tôi đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Lúc đó tôi 10 tuổi. Những ký ức đó ghi đậm vào trong đầu óc tôi hơn 50 năm nay và tôi đã phải sống lại với sự kiện đó gần như hàng năm. Nhưng đó cũng là một động lực giúp cho tôi, thúc đẩy tôi lúc nào cũng phải cố gắng vì tôi cho bố mẹ tôi như là những anh hùng vì họ đã sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Họ giữ lời hứa của họ với đất nước. Tôi không muốn làm phụ lòng họ và tôi cũng không muốn làm phụ lòng chú thím tôi là người đã nuôi dưỡng tôi sau khi bố mẹ tôi mất.

Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh…Chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng
-Đại tá Nguyễn Từ Huấn

RFA: Rất cảm ơn Đại tá Nguyễn Từ Huấn chia sẻ về nỗi đau mất mát quá lớn như là một định mệnh xảy ra không chỉ cho ông mà còn cho cả gia đình của ông. Có lẽ trong giây phú ông đang quá xúc động, Hòa Ái chỉ xin thêm một câu hỏi nữa thôi rằng có thể nói ông là nạn nhân của chiến tranh, vậy thì ông có nỗi sợ hãi đối với chiến tranh hay không, và vì sao lại chọn cuộc đời binh nghiệp để trở thành những người tham gia trực tiếp ở tuyến đầu khi chiến tranh xảy ra?

Đại tá Nguyễn Từ Huấn: Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh. Chiến tranh đem đến những sự đau khổ, chia rẽ, tàn phá, không những chỉ con người mà cả môi trường, thành phố và những gì tốt đẹp của nhân loại. Nhưng mà chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng.

RFA: Chân thành cảm ơn Phó Đề đốc được chuẩn thuận dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.

Tham khảo toàn bộ cuộc phỏng vấn video:

https://www.youtube.com/watch?v=2cPAdT-L4aU&feature=youtu.be

Thưa quý khán thính giả, Đài RFA không thể thực hiện trọn vẹn cuộc phỏng vấn với Phó Đề đốc được chuẩn thuận Nguyễn Từ Huấn do ông quá xúc động trong lúc chia sẻ về biến cố gia đình của ông bị thảm sát hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, Đài RFA một lần nữa sẽ được dịp cùng quý vị nghe Phó Đề đốc Hải quân Nguyễn Từ Huấn chia sẻ nhiều hơn về cuộc đời binh nghiệp của ông, đã góp phần vinh danh cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.