“Chống tham nhũng của MTTQ chỉ là tuyên truyền”, cựu tướng Công an thừa nhận!
2021.01.13
“Báo cáo cho thấy hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay của Mặt trận Tổ quốc chủ yếu là tuyên truyền. Những người có khả năng tham nhũng thì phải biết cái gì được làm, cái gì không được làm, chứ cần gì chờ Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền nữa?”
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, đưa ra phát biểu vừa nêu tại Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại Sài Gòn hôm 7/1.
Ông Minh cũng cho rằng báo cáo chống tham nhũng của MTTQ tại TP.HCM chưa tập trung vào trọng tâm về phòng chống lãng phí, tham nhũng...
Anh Quang, một người dân ở miền Trung từng làm việc nhiều nơi, người hiểu rõ về nguyên tắc vận hành của MTTQVN giải thích với RFA hôm 13/1 về hoạt động của cơ quan này:
“Nói tổng quát về tổ chức MTTQVN thì trong MTTQ các cấp có nhiều thành phần xã hội tham gia (các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tôn giáo...), nhưng những thành viên của các thành phần xã hội đó không phải ‘thích thì vào’ mà phải được chọn lựa dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Người đứng đầu gọi là chủ tịch MTTQ ở mỗi cấp đều là đảng viên và đảng viên này được cơ cấu trong Ban thường vụ đảng bộ của cấp đó. Vì vậy, tuy hoạt động theo Luật MTTQ, nhưng hoạt động của mặt trận đều phải chịu sự lãnh đạo của Đảng. Dó đó, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói rằng, MTTQ là cánh tay nối dài của Đảng!”
Ban tuyên giáo của thành phố nói gì thì MTTQ cũng phải nói theo. Mà tuyên giáo thì chỉ tuyên truyền, như thế thì điều thiếu tướng Phan Anh Minh nói đúng quá chứ còn gì nữa! Ông thiếu tướng này là người trong cuộc nên ông ấy hiểu vấn đề này rõ quá nên mới phát biểu như thế!
-Anh Quang
Vì sao một vị tướng công an, một đảng viên lại công khai chỉ trích một cơ quan được cho là ‘cánh tay nối dài của Đảng’?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 13/1 từ Hà Nội, nhận định:
“Tôi không lạ lắm vì ông Minh này đã có một lần phê phán chuyện muốn điều tra hay bắt một đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, thì phải xin chỉ thị của cơ quan đảng trước đó. Lần đó ông Minh đã gây ra một dư luận khá tốt về ông ấy, vì đã cho dân chúng biết một quy định rất trái khoáy, là một đảng chính trị có thể trùm lên quyền lực của nhà nước. Với phát biểu vừa rồi của ông Minh về MTTQ, tôi cũng thấy ổng dám nói lên một phần của sự thật.”
Về ý kiến của thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giam đốc công an TPHCM, Anh Quang cho rằng không phải tự nhiên mà ông Minh phát biểu ‘Hoạt động phòng chống tham nhũng của MTTQ chỉ là tuyên truyền’. Anh giải thích:
“Để thấy rõ vấn đề này, căn cứ vào một trong những chức năng được quy định trong Luật MTTQVN là ‘giám sát’. Có nhiều lĩnh vực để giám sát, song hiện nay vấn đề nổi cộm nhất là tham nhũng và lãng phí mà địa phương, tỉnh thành nào trong nước cũng có, được diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi, đặc biệt là ở những thành phố lớn, như TPHCM chẳng hạn. Nhưng lĩnh vực giám sát phòng chống tham nhũng của MTTQ TPHCM và nhiều địa phương khác thì rất mờ nhạt. Chính vì vậy mà nhiều vụ án lớn xảy trong thời gian qua đều dính đến cán bộ cấp cao của thành phố (từ bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch thành phố đến nhiều lãnh đạo quận, sở ngành, doanh nghệp nhà nước...) không phải do MTTQ phát hiện hay đề xuất xử lý mà do nhân dân phát hiện và tố cáo.”
Có nhiều nguyên nhân lý giải việc chống tham nhũng mờ nhạt của MTTQ, nhưng theo Anh Quang, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do người đứng đầu MTTQ các cấp là đảng viên, mà đảng viên này lại được cơ cấu trong Ban thường vụ, chịu dưới sự lãnh đạo của Bí thư xã/phường, quận/huyện, thành phố. Anh Quang nói tiếp:
“Mà ông bí thư không cho nói thì ông đảng viên đứng đầu MTTQ cấp đó có dám lên tiếng về những tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở địa phương mình không! Đây chính là trạng thái tâm lý ‘không ai lấy đá để tự đè vào chân của mình cả’! Vậy cuối cùng thì MTTQ chỉ ‘ăn theo, nói leo’ tiếng nói của Đảng bộ thành phố thôi. Ban tuyên giáo của thành phố nói gì thì MTTQ cũng phải nói theo. Mà tuyên giáo thì chỉ tuyên truyền, như thế thì điều thiếu tướng Phan Anh Minh nói đúng quá chứ còn gì nữa! Ông thiếu tướng này là người trong cuộc nên ông ấy hiểu vấn đề này rõ quá nên mới phát biểu như thế!”
Tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác 6 tháng đầu năm 2020, Ủy ban MTTQVN tại TPHCM đã công bố báo cáo dài 18 trang về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tại địa phương. Tuy nhiên, trong toàn bộ báo cáo không hề có phần giám sát tham nhũng.
Phát biểu tại Hội nghị, Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện của Ủy ban MTTQVN tại TP.HCM, đặt câu hỏi: 'Phải chăng TP.HCM đã hết tham nhũng, nên báo cáo không có nội dung phòng chống tham nhũng?'
Trong khi đó, theo kết quả từ phiên họp lần thứ 17, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, có đến 10 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phải đưa ra xét xử trong năm 2020.
Nhận định MTTQ chống tham nhũng chỉ là tuyên truyền thì cũng có ý là đúng. Tại vì yêu cầu đối với tồ chức đại diện cho toàn dân như MTTQ thì thứ nhất phải là mở những địa điểm để tiếp nhận ý kiến của dân phát hiện tham nhũng, nhưng họ chưa làm được.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Trong số đó, một nửa số vụ án tham nhũng nằm ở TP HCM như: Vụ án 'Vi phạm các quy định về quản lý đất đai' xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP.HCM; Vụ án dự án đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1; Vụ án liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1; Vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).
Trả lời RFA hôm 13/1 từ Việt Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng MTTQ cũng có những chủ trương phòng chống tham nhũng ở mức độ cao. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhận định MTTQ chống tham nhũng chỉ là tuyên truyền thì cũng có ý là đúng. Tại vì yêu cầu đối với tồ chức đại diện cho toàn dân như MTTQ thì thứ nhất phải là mở những địa điểm để tiếp nhận ý kiến của dân phát hiện tham nhũng, nhưng họ chưa làm được. Thứ hai, cần phải có biện pháp hỗ trợ cho phía ngoài nhà nước, vì nhà nước là phía có quyền lực, có khả năng gây ra tham nhũng, gắn với rủi ro tham nhũng. Phía không có quyền lực là phía ngoài nhà nước, đi phát hiện tham nhũng, thì đúng ra MTTQ phải hỗ trợ cho họ đi nơi này nơi kia để phát hiện tham nhũng, thì MTTQ đã không làm.”
Theo báo cáo Chỉ số PAPI về việc công khai, minh bạch trong các vấn đề quyết định ở địa phương, việc trách nhiệm giải trình với người dân… được công bố vào tháng 4 năm 2020, thì người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn còn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công.
Cụ thể có đến 45% người dân đồng ý rằng phải lót tay để được làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Ngoài ra, có 31% cho rằng, phải chi thêm tiền để được quan tâm khi chữa bệnh; 31% nói phải chi tiền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 21% có cùng nhận định khi làm giấy phép xây dựng...