Chính phủ Việt Nam tổng tấn công ngăn chặn thông tin vụ Đồng Tâm ra bên ngoài

RFA
2020.01.15
TV_NEWBRIEFIMAGES Cổng chào làng Hoành, xã Đồng Tâm.
RFA Edited

Sau vụ đụng độ giữa công an và người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 9/1, vào cuối tuần qua, một loạt các trang Facebook và YouTube có nhiều người theo dõi và đưa tin về Đồng Tâm bị đồng loạt báo cáo, đánh sập, trong đó có cả kênh YouTube của Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Khoảng 2 ngày sau vụ đụng độ, kênh YouTube của RFA bị một “gậy cộng đồng” từ YouTube khiến một playlist đưa tin hàng ngày bị biến mất và kênh bị mất khả năng đăng tin cũng như livestream. YouTube không hề đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào về quyết định này.

Trước đó, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội trích lời của đại diện Bộ Thông Tin và Truyền Thông ca ngợi YouTube và Google nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ các nội dung được cho là xấu liên quan đến vụ Đồng Tâm.

Khi được hỏi liệu YouTube đưa ra quyết định phạt “gậy cộng đồng” với RFA có phải là do yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam hay không, YouTube đã không trả lời. Nhưng chỉ khoảng 1 ngày sau, YouTube đã nối lại hoạt động bình thường cho kênh của Đài Á Châu Tự Do.

Ngoài RFA, một số trang Facebook được nhiều người theo dõi khác và đưa các thông tin về Đồng Tâm cũng bị báo cáo như Café Ku búa, Thanh Niên Công Giáo…

Vào ngày 10/1/2020 trên fanpage Hồ Sơ Diệt Phản có loan tải một bản thông báo về việc Tổng tấn công các Fanpage Café Ku Búa, Việt Tân, Thân Hữu Việt Tân Úc Châu, RFA…vì lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân thiếu hiểu biết tạo ra những sự việc không đúng. Ngoài ra, thông báo còn hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện việc tấn công và thời gian cụ thể rõ ràng.

Sau đó, trên trang fanpage Café Ku Búa cũng đã đăng dòng trạng thái nêu rõ “Hiện tại đang có nỗ lực tập thể để report và spam comment page. Vì lý do an toàn cho cộng đồng và các thành viên của ban quản trị, chúng tôi xin off vài ngày cho đến khi mọi chuyện giảm mức độ cực đoan. Cảm ơn các bạn đã theo dõi trong suốt thời gian qua.”

Trên trang Facebook có tên Đơn vị tác chiến điện tử, được cho là một trang của dư luận viên sau đó còn có phần hướng dẫn các dư luận viên cách làm thế nào để báo cáo, đánh sập các trang Facebook đưa tin bất lợi cho chính quyền, mà cụ thể là Café Ku búa vừa được khôi phục lại.

Sau vụ chính quyền Hà Nội điều hàng ngàn quân đến Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1 để bắt giữ những người bị cáo buộc là chống đối chính quyền trong vụ tranh chấp đất đai ở xã này, các thông tin về vụ đụng độ, người bị thương, bị thiệt mạng chủ yếu đến từ các báo của nhà nước. Một số ít các facebooker thường xuyên liên lạc với người dân Đồng Tâm cũng có được một số những thông tin trái ngược hoàn toàn với những gì báo chí nhà nước và Bộ Công an thông báo.

Bộ Công an cho biết đã có ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 1 dân thường và 3 công an. Đã có khoảng 30 người bị bắt giữ và 22 người bị truy tố với các tội danh giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, báo chí nước ngoài đã xin được tiếp cận Đồng Tâm để đưa tin nhưng chưa được phép.

Việc chính quyền Việt Nam huy động lực lượng dư luận viên tấn công các trang Facebook hoặc báo cáo trực tiếp với các mạng xã hội nước ngoài là điều không mới khi xảy ra những vụ việc gây tranh cãi ở trong nước. Nhất là khi Việt Nam hiện có tới hơn 10.000 người trong lực lượng 47 là lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, theo thống kê mới công bố hồi năm ngoái của giới chức Việt Nam.

Nhà báo Lê Trung Khoa chủ trang thoibao.de từ Đức cho biết ông cũng từng bị rơi vào tình trạng tương tự như RFA khi đưa tin về một số vấn đề nóng ở Việt Nam. Ông cho biết các video của ông trên YouTube về sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo chết bất ngờ hồi năm ngoái đã bị YouTube xóa. Theo thông báo của Youtube với ông Khoa, hành động xóa của họ: “là yêu cầu của chính phủ Việt Nam nên chúng tôi bắt buộc phải xóa bản tin Youtube này của Thoibao.de tại Việt Nam.”

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, thành viên nhóm No-U từ Hà Nội chia sẻ với RFA rằng, đối với anh chuyện ngăn chặn như thế vẫn thường xuyên xảy ra nên anh cảm thấy bình thường.

“Đối với tôi nó cũng bình thường vì nó cũng từng diễn ra trong một số vụ việc khác tuy nhiên lần này sự việc Đồng Tâm thì nó quá nghiêm trọng. Ngay bản thân dư luận Việt Nam cũng đang tranh cãi và chia rẻ rất là nhiều. Tất nhiên trong xã hội bao giờ cũng có luồng ý kiến đối chọi nhau trên mạng xã hội vì trên đó cũng khá là tự do, nhưng lần này có đặc điểm là có nhiều cán bộ công chức, thậm chí cả những người trong lực lượng vũ trang, cựu quân dân, cựu công an phản đối việc này nên đương nhiên Việt Nam không muốn để sự việc tiếp tục nóng và họ tìm mọi cách họ bưng bít, ngăn chặn.”

Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng vụ việc Đồng Tâm thật sự rất lớn, rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính chính danh của chế độ cũng như tạo ra hệ lụy trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Do đó, chính phủ Việt Nam đã làm mạnh tay hơn; “Tôi không lạ có một lực lượng rất đông cơ quan nhà nước tham gia vào, cũng như lực lượng do nhà nước tổ chức mà người ta hay gọi là lực lượng 47 là họ report (báo cáo), họ chửi bới, họ lăng mạ, họ đe dọa giết những người blogger bình thường đến các trang fanpage rất là lớn.”

Kể từ sau vụ  Đồng Tâm, trang Facebook của RFA cũng đột ngột nhận một loạt các nhận xét và lời thóa mạ, đánh giá 1 sao chỉ trong vòng một ngày khiến Facebook phải ngừng việc đưa đánh giá trên trang Facebook của RFA. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó.

Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết sau vụ việc Đồng Tâm, trang Facebook và YouTube của trang báo do ông phụ trách cũng thường xuyên nhận những lời chửi bới.

“…ngay cả FB và Youtube của Thoibao.de liên tục một thời gian sau vụ Đồng Tâm diễn ra thì bị số lượng người được gọi là Dư luận viên (DLV) vào chửi bới, nói bậy thì nó tăng lên gấp 10 lần so với bình thường. Chúng tôi cũng liên tục có những biện pháp để ngăn chặn các từ nói tục tĩu của nhiều dư luận viên rất mới. Đây là làn sóng và sự huy động rất rõ ràng của phía Việt Nam khi họ dùng những mạng lưới dư luận viên của họ để tấn công và báo cáo các tài khoản FB mà không như mong muốn, điều đó là hoàn toàn có thật và bằng chứng là chúng tôi cũng đã bị đe dọa giết chết và nhiều hình thức khác nhau.”

Ngày 12/1 Facebooker Chung Hoàng Chương với nick FB là Chương May Mắn bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân Đồng Tâm mà chính quyền cho là xuyên tạc. Ngoài ra, một số facebookers khác cũng bị phía cơ quan chức năng mời lên làm việc vì những thông tin chia sẻ được cho là sai trái.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.