Hội nghị Trung ương 11: Công tác nhân sự của Đảng ‘lạc hậu, khép kín và trái khoáy’
2019.10.08
Một nhà quan sát bình luận với Đài Á Châu Tự Do về công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 13 tại Hội nghị Trung ương 11 vừa “lạc hậu” vừa “khép kín, trái khoáy”.
Hội nghị Trung ương 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa khai mạc hôm 7/10 và dự kiến kéo dài đến ngày 13/10. Đây là hội nghị quan trọng quyết định nhiều vấn đề về tổ chức, cán bộ trước Đại hội 13 của đảng dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
Trả lời RFA hôm 8/10, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, nói:
“Cái công tác nhân sự của Đảng từ xưa đến nay, cho đến Đại hội này, là quá lạc hậu. Nó làm theo một quy trình bí mật, khép kín trong Đảng, do những cấp ủy thực hiện. Như ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhận cái dự án về nhân sự cho Đại hội 13. Và nhân dân bị gạt ra khỏi quy trình này, không có một chút tác động nào cả với họ.”
“Gần đây, họ muốn có chất lượng cao hơn nên ra quy định cấm chạy chức chạy quyền nhưng cái đáng nói hơn là độc quyền công tác cán bộ như tuyên bố của Đảng. Và đó là cái đầu mối để người ta chạy chức chạy quyền. Và nó biến tướng thành cái vừa ý, ưng bụng của lãnh đạo cấp cao.”
Ngay trước thềm hội nghị trung ương 11, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền có hiệu lực từ ngày 23/9. Quy định mới nêu một loạt những hạn chế trong việc đề đạt người trong gia đình đảm nhiệm các chức danh có liên quan, tặng tiền quà,… cho các cán bộ lãnh đạo để tạo quan hệ nhằm mua chức vụ.
Hôm 4/10, nhiều báo nhà nước dẫn lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra quy định phòng chống và xử lý nghiêm tất cả những trường hợp chạy chức chạy quyền. Bất cứ trường hợp nào bị phát hiện đã chạy là không dùng. Người vừa có phẩm chất đạo đức vừa phải có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ thì mới xây dựng quê hương đất nước được.”
Ông Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng việc bố trí nhân sự của đảng “lạc hậu” và “trái khoáy”. Ông nói:
“Không chỉ lạc hậu, công tác nhân sự còn buồn cười, trái khoáy. Việc chọn nhân sự làm trước, trong lúc đang loay hoay về chiến lược, đường lối. Ở các nước văn minh, người ta ưu tiên chọn công việc trước, ai đảm đương được thì người ta chọn theo phương thức văn minh, công bằng. Người muốn nhận công việc nào đó thì phải trình bày tư tưởng, chiến lược, giải pháp, tính toán chính sách, nhân lực… cho công việc ấy.”
“Còn nước mình thì tất cả những ai được bầu làm ủy viên trung ương thì thế nào cũng làm bộ trưởng quản lý một ngành hoặc một địa phương. Nhưng những người này có nắm vững được ngành, hiểu biết đến nơi đến chốn, mối quan hệ kinh tế-xã hội của ngành ấy… hay không? Người ta bầu rất chung chung, người có tư tưởng Mác-Lênin, trình độ văn hóa, kiên định lập trường… Trong khi anh ta phải đảm nhiệm một ngành giáo dục, y tế, công an…”
“Tức là người ta đang làm phương thức trái khoáy, đặt cày trước trâu. Vì trái khoáy nên đến nay, có lần tôi nói thẳng là không có anh nào đáng mặt làm chính khách, đảm đương một ngành, một địa phương, xét về tư duy, chiến lược, cách lắng nghe, tranh luận phản biện với người dân.”
Ông Khắc Mai nói thêm: “Cách đây hơn 10 năm, ông Tô Huy Rứa có đảm nhận đề tài về quy hoạch cán bộ và khi mời tôi phát biểu thì tôi nói: “Thật ra chẳng có quy hoạch quái nào đâu, phương thức là xàng xê trước các trưởng lão, tức là cán bộ cấp cao. Anh nào lọt mắt xanh thì được quy hoạch.”
Ông Tô Huy Rứa từng là một lãnh đạo cấp cao, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2011.
Ông Khắc Mai cũng kết luận rằng cách làm công tác nhân sự của Đảng CSVN lâu nay “là thiệt thòi cho dân cho nước”.
Hôm 24/9, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nhận định: “Nếu Hội nghị trung ương 10 vào tháng 5/2019 chủ yếu ‘sắp ghế’ cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội nghị trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Do vậy, Hội nghị 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị 11 thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau.”
“Theo cách nhìn của tôi, cứ chuẩn bị xếp ghế cho Bộ Chính trị thì có đánh nhau lớn. Thời gian qua trở lại không khí như trước Đại hội 12, đơn thư tố cáo tung ra như bươm bướm. Nhưng lần này có đặc điểm khác, lần đầu tiên Đảng cầm quyền thừa nhận có luồng thông tin ngoài Đảng mà Đảng không thể phủ nhận và coi đó là thông tin không chính thức. Còn người đọc thì hiểu rằng thông tin này có độ tin cậy cao vì đó là tin từ nội bộ Đảng tuôn ra để đấu đá phe phái trước Hội nghị trung ương.”
Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên trước mỗi kỳ họp quốc hội, trung ương đảng Cộng sản đều nhóm họp. Mục tiêu được nói nhằm có chỉ đạo về đường lối và sắp xếp nhân sự.