Họ đã từng rất trẻ
2012.10.30
Tuy nhiên, sau bức màn sân khấu, họ cũng chỉ là những người bình thường mà theo thời gian, cũng già cỗi và cô đơn. Đó là câu chuyện về những nghệ sĩ sân khấu tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.
Một thời hào quang
Trên chiếc ghế bố nhỏ trong phòng khách của Viện dưỡng lão nghệ sĩ, một bà lão gần 80 chăm chú dán mắt vào TV. Trên màn ảnh, một bà lão trong vai mẹ với những nếp nhăn vắt qua trán và đôi mày hơi chảy xệ. Người đó chính là nghệ sĩ Lệ Thẩm, một trong những cô đào hát nổi tiếng những năm 1960 qua vở “Cô gái áo vàng”, “Tấm Cám”… Bà Lệ Thẩm đang xem chính bà diễn trong một bộ phim mới mà nỗi nhớ về một thời hào quang cứ như lẫn quẫn trong lòng:
Lúc nào cũng nhớ. Nghệ sĩ lúc nào cũng sống trong nghệ thuật. Mình đam mê từ nhỏ rồi đi hát mất chục năm, rồi theo nghề là đã sống cho nghệ thuật rồi.Nghệ sĩ Lệ Thẩm
“Lúc nào cũng nhớ. Nghệ sĩ lúc nào cũng sống trong nghệ thuật. Mình đam mê từ nhỏ rồi đi hát mất chục năm, rồi theo nghề là đã sống cho nghệ thuật rồi”.
Bà Lệ Thẩm là một trong 22 nghệ sĩ sân khấu cải lương sống tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ cùng với Thiên Kim, Kiều Thu, Thanh An, Thành Phá Lang, Bạch Yến… Cách đây hơn nửa thế kỷ, họ là những đào kép chánh từng “làm mưa làm gió” trên các sân khấu cải lương miền nam như Năm Châu, Tiếng Chuông, Nhụy Hương… Hiện tại hơi họ đã ngắn đi, giọng đã “đục” hơn và vẻ đẹp mĩ miều một thời cũng bị thời gian gội rửa; duy chỉ niềm đam mê là chưa bao giờ vơi bớt.
Nằm khiêm tốn tại một hẻm nhỏ ở phường 3 quận 8, Tp. HCM, Viện dưỡng lão nghệ sĩ như một khu nhà nhà nhỏ mà nếu không để ý, người ta có thể chạy lướt qua mà không biết. Khu nhà với khoảng 22 phòng nhỏ mà mỗi phòng chỉ vừa đủ kê một chiếc giường và một chiếc tủ đựng quần áo. Đối với những nghệ sĩ già không nơi nương tựa như các con hạc rạc cánh cô đơn sau một mùa dài vất vả, khu nhà nhỏ này được gọi là “thiên đường”. Ông Tần Nguyên, một nhà báo chuyên mảng Sân khấu điện ảnh từ những năm 60, cũng là quản lý Viện dưỡng lão từ ngày đầu thành lập, chia sẻ:
“Về cơ bản là như thế, nhiều nghệ sĩ nói rằng đây là một thiên đường cho người nghệ sĩ sau một quãng đời đi theo các đoàn hát rồi cuối đời không có nơi nương tựa”.
Thành lập từ năm 1998, qua 14 năm cơ sở viện dưỡng lão phần nào sờn cũ khiến người ta đặt dấu hỏi cho biệt danh “thiên đường” dành cho nơi này. Tuy nhiên, nếu nghe nghe những nghệ sĩ già giải bày mới thấy việc gọi đây là “thiên đường” âu cũng có cái lý của nó. Nếu đến Viện dưỡng lão, sẽ thấy một người đàn ông tóc hoa râm khoảng 60 tuổi trong vai trò bảo vệ. Người đàn ông đó từng là hề chính của đoàn cài lương Hương Mùa Thu. Ông không có nơi nương tựa nhưng vì chưa đủ điều kiện tuổi tác được xét duyệt vào Viện dưỡng lão nên xin vào đây làm bảo vệ sống qua ngày.
Ông cũng chỉ là một trong khoảng hơn 400 nghệ sĩ già yếu tại Tp. HCM gặp khó khăn về đời sống. Thậm chí, có những nghệ sĩ vì không có chống dung thân lúc cuối đời, đã bị bắt vào các trại bảo trợ xã hội. Chỉ mới năm ngoái, một nhạc sĩ đã chết trong một tại bảo trợ khi ông Tần Nguyên chưa kịp bảo lãnh ông ra khỏi trại.
“Cho nên một số nghệ sĩ cho rằng họ có phước vì không phải lo lắng gì cả. Thậm chí có người nói rằng hai bữa cơm cũng may nhưng một bữa cơm cũng mừng rồi”.
Trạm cuối của cuộc đời
Có lẽ viện dưỡng lão nghệ sĩ là một trong những viện dưỡng lão đặc biệt nhất bởi không có một hội hay một ngành nghề nào có được một nơi, dù là nhỏ dành cho những người vị nghệ thuật nghỉ chân ở trạm cuối của cuộc đời. Sự đặc biệt này cũng bắt đầu từ những đặc thù của ngành sân khấu cải lương.
Ông Tần Nguyên tâm sự, rày đây mai đó, trôi nỗi bấp bênh chính là điều làm sân khấu cải lương khác với các bộ môn nghệ thuật khác. Thời gian có thể tính bằng tháng, thậm chí bằng năm. Nếu trót bị hấp dẫn bởi những bộ xiêm y lộng lẫy, người nghệ sĩ sân khấu dù là một cô bé chưa lên 10 hay là một cô đào vừa vượt cạn… cũng chấp những chuyến phiêu lưu để được đứng trên sân khấu.
Ngày nào tôi còn diễn được mà khán giả còn ái mộ thì tôi sẽ ráng diễn. Đến khi nào mà tôi diễn hết nỗi nữa thì tôi nằm xuống là tôi “đi” luôn thế thôi.Nghệ sĩ Thiên Kim
“Cho nên người nghệ sĩ sân khấu đi như thế hoài. Khi đến tuổi về chiều, họ không còn hát hay nữa và không được ái mộ nữa thì họ đành trở về cuộc sống đời thường và lâm vào cảnh trắng tay, không nơi nương tựa”, ông Tần Nguyên nói với sự thông cảm.
Sự hào quang và ma mị của ánh đèn sân khấu cùng với các vai diễn huyền thoại dễ dàng làm người nghệ sĩ bước vào lòng khán giả bằng hình ảnh lấp lánh, diêm dúa và kiêu hãnh. Nhưng khi nghe họ trải lòng, mới thấy cuộc sống thực còn người nghệ sĩ ở cách xa các nhân vật mà họ sắm vai một quãng dài vô tận.
Nghệ sĩ lớn nhất tại Viện dưỡng lão đã ngoài 90, còn nhỏ tuổi nhất cũng đã qua cái tuổi “cổ lai hy”. Lớp nghệ sĩ này chủ yếu xuất thân từ tầng lớp bình dân, là một trong những lý do khiến họ cần đến một nơi nương tựa khi mỏi gối chồn chân:
“Cái thứ nhất con cái không có điều kiện nuôi, thứ nhì, tình cảm không gắn bó, thứ ba là người nghệ sĩ đã quen cuộc sống rày đây mai đó và vui với ánh đèn sân khấu nên khi trở về cuộc sống đời thường thì đa phần họ không thích. Họ muốn có một sân khấu đời thường nghĩa là có một nơi để họ sống cùng các bạn diễn và lấy đó làm vui để nhớ về quãng đời đi hát thú vị của họ”, ông Tần Nguyên nói.
Mặc dù giọng đã lạc, da đã chảy xệ trên những nếp nhăn nhưng dường như cái kiếp cầm ca đã ăn vào trong từng hơi thở của các nghệ sĩ già. Hễ khi có khách viếng thăm, họ lại vào phòng vận một bộ đồ tươm tấn nhất, kẻ lại đôi lông mày và thoa chút son cho gương mặt tươi tắn. Có lẽ họ chưa bao giờ muốn hình ảnh trẻ đẹp một thời mất đi trong mắt người khác. Vẫn giọng nói quen thuộc từng làm say đắm bao nhiêu khác giả, nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự:
“Nói thật là trong đây cũng có bạn bè rồi cùng nhau kể lại những chuyện xưa và nhớ lại chuyện xưa… rồi buồn. Tôi cứ nghĩ là lúc trước mình như thế nào rồi bây giờ già cả không làm gì được… cũng buồn lắm. Bây giờ tôi bị mất tiếng rồi, giọng của tôi bị ngắn lại nên không còn hát được nữa chỉ diễn thôi. Nhưng mà rồi cũng thôi, nhường lại cho mấy em trẻ sau này, còn mình thì đã qua rồi, phải chịu thôi…”
Sự lạc quan pha chút nuối tiếc của nghệ sĩ Thiên Kim có thể là tâm trạng chung của rất nhiều nghệ sĩ già tại viện dưỡng lão. Mỗi tháng, cứ vào ngày rằm, các nghệ sĩ già tập trung tại khuôn viên Viện dưỡng lão diễn những vở tuồng đã từng đưa tên tuổi của họ đến công chúng yêu cải lương như để sống lại những khoảnh khắc hào quang một thời mặc dù khán giả của họ giờ đây chỉ là những bà con trong xóm.
Nghệ sĩ Thiên Kim, Lệ Thẩm, Ngọc Đáng… từ nhiều năm nay trở nên quen thuộc với màn ảnh nhỏ trong các bộ phim làm người ta dần quên đi vai trò đào hát của họ. Thực tế, rất nhiều nghệ sĩ xuất thân từng bộ môn nghệ thuật cải lương từng góp phần vào sự thành công của nền điện ảnh miền Nam trước 1975 như nghệ sĩ Năm Châu, Hùng Cường, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Thanh Nga. Và cũng ít ai ngờ rằng thế hệ tiên phong của nền nghệ thuật sân khấu đã góp phần tìm kiếm tài năng gạo cội của điện ảnh miền Nam như “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng.
Thế nên sự sa sút của bộ môn cải lương làm những người từng sống với nó không khỏi nhói lòng, bà Lệ Thẩm nói:
“Cá nhân tôi hơi buồn một chút. Cả nước thì chịu ảnh hưởng như vậy rồi. Phim, nhạc… ngày càng lấn át và người ta thích. Cải lương là truyền thống của Việt Nam từ máy đời rồi, rồi giờ nó sa sút thì mình cũng buồn một chút”.
Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể làm họ buồn nhưng chưa bao giờ làm họ từ bỏ niềm đam mê được hát. Nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự:
“Bản thân tôi cũng không còn ai, con cái mỗi đứa mỗi nơi. Tôi ở đây cũng có một mình thôi nên chỉ mong ước sao yên thân thôi. Đến ngày nào tôi còn diễn được mà khán giả còn ái mộ thì tôi sẽ ráng diễn. Đến khi nào mà tôi diễn hết nỗi nữa thì tôi nằm xuống là tôi “đi” luôn thế thôi”.
Tiếp xúc các nghệ sĩ già nơi đây, ít ai tin rằng họ đã từng rất trẻ. Trong số 22 nghệ sĩ sân khấu tại Viện dưỡng lão, chỉ một số ít còn đủ minh mẫn trả lời phỏng vấn. Thậm chí, có cụ ông không ngần ngại khoe rằng mình đi hát đã... 200 năm. Vậy nặng nợ như chính cái kiếp tằm nhả tơ mà người ta hay ví von cho người nghệ sĩ: “Dù cho núi lỡ non mòn, con tằm đến thắc vẫn còn vương tơ”.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Ông “gàn dở”
- Núi ở trên đầu
- Cơm không bình dân cho người bình dân
- Chuyện của một người gác nghĩa trang
- Tựu trường không phải chỉ có tiếng cười
- “Mẹ không cần hoa hồng”
- “Mấy đời bánh đúc có xương”
- Chuyện về đội mai táng đặc biệt
- Khi đau đớn không thể sớt chia
- Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả
- Đau xót khi tự tay “cầm tù” con mình
- Mong một lần được đứng lên
- Ông lão và những đứa con không bao giờ lớn
- Nhường cho chị sống