Ba năm sau thảm họa Formosa

Diễm Thi, RFA
2019.04.03
AP_16182644174979 Người dân phản đối nhà máy thép Formosa tại Hà Nội hôm 1/5/2016.
AP

Thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên khiến cá, hải sản chết hằng loạt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế từ đầu tháng tư năm 2016 đến nay đã ba năm.

Thực tế tại những vùng chịu tác động ra sao, một viên chức thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở tài nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Bình nói với RFA chiều ngày 2/4/2019:

Mọi thứ ổn rồi, không có vấn đề chi nữa cả. Ngư dân đi biển trở lại bình thường. Nói chung là mọi thứ trở lại bình thường rồi.

Một viên chức Ủy ban Nhân dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng khẳng định với RFA trong cùng ngày:

Bây giờ là mọi sinh hoạt trở lại bình thường rồi. Biển bình thường, môi trường trở lại trong sạch rồi. Ngư dân trở lại đánh cá như ngày xưa. Gần bờ có, xa bờ có. Cá nhiều. Bồi thường thì cơ bản là xong hết rồi, không có chi nữa hết.

Phía chính quyền  nói mọi thứ trở lại bình thường nhưng chính người dân Cồn Sẻ, Quảng Bình thì lại nói rằng mọi thứ không thể bình thường như ngày xưa bởi ngư dân đã đổi nghề, cá tôm không còn nhiều, chỉ có điều người dân đã ăn cá trở lại, họ không nghĩ đến chuyện độc hại gì nữa vì chính phủ họ không tuyên truyền, không nói đến chuyện cá nhiễm độc đến cho người dân. Anh Hoàng Nguyên, một người dân tại miền Trung, cho biết:

Cuộc sống chưa trở lại bình thường được vì khi cá không còn thì ngư dân họ phải bán thuyền đi tìm việc khác. Một số không đi xuất khẩu lao động hay không làm việc khác thì họ vẫn bám biển, nhưng họ phải đi những vùng biển xa hơn vì khu gần tôm cá không còn nhiều nữa, họ phải đi xa hơn tới 7 hoặc 8 cây số mới có cá mà đánh bắt.

Người dân thì ăn cá bình thường trở lại. Họ không nghĩ đến chuyện độc hại gì nữa vì chính phủ họ không nói đến chuyện cá nhiễm độc đến cho người dân nữa.

Chuyện đền bù thiệt hại thì cũng lem nhem nhưng đến nay cũng không ai nhắc đến chuyện đền bù nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng ở Cồn Sẻ thì đưa ý kiến rằng do bị thiệt hại nhiều quá nên cuộc sống chưa trở lại bình thường được. Trước đây làm hai, ba phần thì bây giờ chỉ còn một phần. Họ bỏ nghề biển làm những nghề khác tạm bợ, thiệt thòi hơn làm cá. Bồi thường thì người có người không, chỉ bồi thường một đợt là hết, ngoài ra không hỗ trợ chi hết.

Bà Phượng, chủ một cửa hàng buôn bán hải sản lớn ở Hà Tĩnh trước đây với các loại mắm đặc sản của vùng miền này cho biết hàng tồn kho cả tỷ không tiêu thụ được, bây giờ chỉ buôn bán đủ sống qua ngày bởi thương hiệu đã mất:

“Hàng mới năm 2019 mới bán được thực sự chứ hàng cũ nằm chết cả đống, mỗi nhà từ vài tỷ đến cả chục tỷ, nhà nước đâu có thu mua. Mình không làm ăn lớn nữa và giá không cao, chỉ bán trong tỉnh chứ không ra ngoài tỉnh được, không ra thương hiệu được vì Hà Tĩnh mang tiếng là cá nhiễm độc, bạn hàng họ bỏ đi hết, họ tránh xa, họ không quay lại nữa. Nếu có lấy lại được tiếng thì cũng phải cả chục năm sau. So với ngày xưa thì bây giờ chỉ là bán sống qua ngày thôi.”

Theo con số thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sáu tháng sau thảm họa Formosa thải chất độc trực tiếp ra biển, thì tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tổng cộng có đến 263.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là khoảng 100.000 lao động. Số cá chết dạt vào bờ biển là 115 tấn. Ngoài ra còn 140 tấn cá nuôi chết và 67 tấn ngao nuôi chết.

Cá chết trên bãi biển Quảng Trạch hôm 20 tháng 4 năm 2016
Cá chết trên bãi biển Quảng Trạch hôm 20 tháng 4 năm 2016
AFP

Hơn một năm sau sau thảm họa xảy ra, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận sự cố môi trường biển này là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 04 tỉnh miền Trung.

Hơn hai năm sau, ngày 17/5/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại một hội nghị rằng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung an toàn, nguồn lợi hải sản được phục hồi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định chất lượng hải sản biển ở 4 tỉnh miền Trung an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng từng lên tiếng khẳng định vùng biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.

Chị Phượng chuyên mua bán mắm ruốc thì thừa nhận sau ba năm thì nghề mắm ruốc ở đây đã mai một không bán được bình thường trở lại. Mất nghề hẳn luôn. Chị nói thêm rằng để bán được hàng tồn kho thì người bán ‘buộc’ phải gian dối:

Việt Nam bây giờ thì nhà nước gian dối, dân dối gian. Nhà nước không đền bù, người buôn bán thiệt thòi thì họ làm ăn gian dối để sống qua ngày, họ cho phẩm màu vào hàng cũ để bán như hàng mới. Ăn vô rất độc nên chị không dám làm. Đâu có ai kiểm nghiệm, người tiêu dùng lãnh hậu quả.

Theo tin Reuters ngày 23/12/2016 thì khu vực biển miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay do nhà máy thép Formosa gây nên. Trước đó vào ngày 30/6/2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải được xả trực tiếp ra biển chứa độc tố bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này.

Nhiều người dân bị tác động sau đó tiến hành biểu tình đòi đóng cửa nhà máy thép Formosa và đòi hỏi được bồi thường thỏa đáng. Những cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường và yêu cầu quyền lợi được bảo đảm của những người dân trong cuộc cuối cùng đều giải tán, một số bị bắt giam với cáo buộc ‘gây rối trật tự’.

Anh Nguyễn Văn Hóa, người tường thuật về tình hình địa phương trong những ngày tháng phải hứng chịu ô nhiễm, phải chịu án 7 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Anh Hoàng Bình giúp người dân đòi hỏi chính quyền bảo đảm một môi trường biển sạch cũng bị bắt và chịu án 14 năm tù với hai cáo buộc "Chống người thi hành công vụ" và "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân."

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.