Vụ Thủ Thiêm tiếp tục nóng khi chính quyền “lập lờ” cách giải quyết

RFA
2019.08.14
hop-bao-thu-thiem.jpg Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cuộc họp báo ngày 14/8/2019.
RFA Edited

Chính quyền không nắm sát thực tế

Tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM đưa ra nhiều câu hứa như “Thành phố sẽ khắc phục vi phạm Thủ Thiêm, người dân khu 4,3 hecta được bồi thường có lợi” hoặc “Thành phố xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ trên nguyên tắc phù hợp với thực tiễn và được đa số người dân đồng thuận”. Ngoài ra ông Hoan cũng thông báo xoay quanh 5 khu phố 3 phường trong KĐT Thủ Thiêm do kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP vào ngày 26/6/2019) không đề cập đến mà chỉ đề nghị thành phố kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, nên ngày 15/8/2019, trong cuộc gặp với người dân Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét định hướng cụ thể. Ông nói lý do vì bà con quận 2 không làm đơn khiếu nại gửi chính quyền quận 2 nên thành phố chưa có cơ sở giải quyết.

Tuy nhiên, trong thực tế vào ngày 19/7/2019 hàng trăm người dân tập trung tại trụ sở Ban tiếp dân quận 2 nộp hồ sơ khiếu nại về chính sách bồi thường trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phần đông người dân cho rằng nhà nước bồi thường đất cho dân với giá thấp nhưng giao lại cho doanh nghiệp với giá cao là không hợp lý. Do đó nhà nước phải tính toán hỗ trợ thêm cho dân. Lãnh đạo quận 2 trả lời với truyền thông trong nước rằng, quận 2 đã nhận trên 1.000 đơn khiếu nại. Ông cho biết sở dĩ người dân đổ xô khiếu nại vì thành phố thông báo thực hiện theo kết luận thanh tra cho người dân bị di dời trong dự án này.

Ông Võ Văn Hoan tại buổi họp báo cho biết: Sau hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6/2019) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), hiện thành phố đã xác định được vị trí khu đất 4,3 ha thuộc một phần Khu phố 1 phường Bình An  khu vực nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, căn cứ trên các bản đồ mà TTCP đã nêu, thành phố đã làm theo hướng mở rộng trọn ô, trọn thửa đất và phù hợp các điều kiện hiện trạng. Việc này cũng được Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn; xác định có 331 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định “Mỗi bàn đồ có tỉ lệ khác nhau mà muốn xác định chính xác của nó thì các bản đồ phải được chồng lên nhau, áp vào nhau, phải phù hợp với nhau thì chúng ta mới xác định chính xác. Cho nên bước thứ nhất là số hóa và huy động về một tỉ lệ nhất định, thứ hai quy hoạch bản đồ là chồng các bản đồ lên với nhau từ đó chúng ta quy hoạch và thể hiện lên bản đồ gọi là bản đồ hành chính, có tọa độ, nếu đo đúng 4,3ha thì các hộ dân bị thiệt thòi bởi vì nó hẹp lại.”(trích từ video phát biểu tại họp báo)

Ông Nguyễn Thanh Nhã giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc tại buổi họp báo đã trình chiếu ranh giới khu 4,3 ha và khẳng định cơ sở thống nhất biên bản tại cuộc họp, thành phố đã hoàn chỉnh bản đồ và ban hành quyết định xác định ranh khu vực này là khu phố 1, phương Bình An, quận 2. Đồng thời đã tiếp xúc với 331 hộ dân trong khu vực này, mọi tiếp thu ý kiến, đề xuất về chính sách cơ bản đã được thông qua.

Kết luận 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ xác định 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm dựa theo kết luận năm 2008. Tuy nhiên, sau đó, TP lại xác định 4,3 hecta nằm trong ranh quy hoạch. Việc này khiến người dân càng bức xúc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Trước đó vào đầu tháng 5 năm 2018, chính quyền thành phố HCM đã công khai thừa nhận “chưa tìm thấy” bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm với tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng. Bản đồ quy hoạch này được xem là tài liệu quan trọng nhất để giải quyết mọi khiếu nại kéo dài của bà con Thủ Thiêm bị thu hồi đất, khiếu nại hơn 20 năm qua.

Ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế và phải khiếu kiện trong nhiều năm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho biết:

“Người ta chưa nói thì mình cũng biết người ta nói cái gì rồi, tự nhiên nghĩ ra một cái bản đồ nào đó rồi nói khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch 367, mà bản đồ 367 mất rồi thì căn cứ vào đâu để xác định 4,3 này nằm ngoài ranh, điều hết sức phi lý. Không có bản đồ không có cái gì hết thì căn cứ vào đâu mà bản đồ 367 là mấu chốt thì người ta dấu đi thì giờ căn cứ vào bản đồ nào mà toàn bản đồ họ tự vẽ ra, tự thêu dệt, tự áp đặt là điều không thể chấp nhận được.”

Đồng thời ông Ca cho biết thêm, khi Chính phủ xác định khu 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch thì theo đúng lời ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy thành phố HCM có nói rằng nếu xác định ngoài ranh thì người dân có quyền quay về làm nhà. Tuy nhiên trên thực tế, ông Ca nói tiếp:

“Nhưng ngoài ranh người ta vẫn bắt buộc dân phải đi, đi chỗ khác là đi chỗ nào là chỗ người ta thu hồi một loạt quy hoạch của thủ tướng chính phủ theo quyết định 367 coi như ăn cướp rồi rồi giờ lấy đất ăn cướp được bố trí lại cho dân, sai chồng sai mà sai sau lớn hơn trước nữa.”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
RFA Edited

Trước đây, trong một cuộc họp về Thủ Thiêm, Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng từng khẳng định, quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005 do đó dựa vào quy hoạch theo bản đồ 2005, không tìm bản đồ năm 1996 làm gì. Thế nhưng trong cuộc họp báo chiều 14/8, ông Hoan lại kết luận, tổ công tác căn cứ vào hai bản đồ, gồm bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2000 thiết lập 1997 và bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 lập năm 1995 để xác định ranh 4,3ha...

Người dân mong chờ cuộc đối thoại

Cũng tại buổi họp báo, thành phố xác định 13 vấn đề và 22 đầu việc cần phải triển khai, trong đó có việc tạm ứng số tiền hơn 26.000 tỉ đồng từ ngân sách để chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.

Kết luận số 1037 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư không đúng quy định vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến cuối tháng 9/2018 là hơn 26.300 tỷ đồng. Đồng thời cần sớm có giải pháp huy động vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM vào chiều ngày 9/8 đã gửi văn bản khẩn đến Thủ tướng Chính phủ cho rằng các thủ tục quyết toán để có thể thu hồi khoản tiền mà thanh tra chính phủ nhắc đến hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Ông Cao Thăng Ca, từng nói với RFA về vấn đề này trong bài “TPHCM có thể hoàn trả 26.000 tỉ tạm ứng sai phạm ở Thủ Thiêm hay không?” đăng ngày 12/8 cho rằng, Ủy ban Nhân dân thành phố hoàn toàn có thể trả số nợ đó vì:

“Hiện nay người ta đã lấy đất gần 200 hecta, bây giờ những vùng đất ngoài quy hoạch người ta đang tổ chức bán đấu giá, cụ thể như lõi trung tâm số 3, số 4 là khu 160 hecta đất tái định cư cho dân người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá, rồi khu lõi trung tâm số 7 là khu ngoài ranh quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà trước đây là của trại phong Thanh Bình người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá. Bán đấu giá nhiêu đó thì 26.000 tỉ là chuyện rất nhỏ vì thu về cả trăm ngàn tỉ. Bây giờ người ta không muốn trả về cho ngân sách nhà nước người ta nêu lý do như vậy, đã lừa dân rồi bây giờ tính lừa chính phủ nữa.”

Trước khi buổi họp báo diễn ra, rất đông người dân đã có mặt trước cổng trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 nơi diễn ra buổi họp báo để yêu cầu lực lượng chức năng được vào nghe các thông tin của Ủy ban Nhân dân thành phố cung cấp vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, mọi nổ lực của người dân đều bị cản trở.

Ông Cao Thăng Ca xác nhận sự việc với chúng tôi:

“Người dân đến rất sớm, 1-2g họ đã tới trong khi 4g mới họp báo, nhân dân tập trung tại cổng chính thì họ làm các trạm gác, chính quyền họp báo mà không dám công khai đi vào cửa trước mà đi lòn cửa hậu thì còn gì là chính đáng chính danh nữa, làm đúng thì cứ hiên ngang nói với dân, còn sợ như vậy chính là gian dối.”

Ngoài ra, ông còn cho biết thêm cho dù có buổi gặp mặt người dân vào ngày 15/8 thì đó cũng chỉ là buổi tiếp dân chứ không phải là buổi đối thoại với người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Nhưng cái này cũng chỉ là buổi tiếp dân thôi chứ không phải buổi đối thoại để giải quyết, người ta muốn nói gì nói, anh nào nghe sao nghe, mình hỏi con gà họ trả lời con vịt rồi xong tan hàng, không hề có tranh luận nào, nói gì họ cũng ghi chép cẩn thận lắm, ghi nhận sau đó không có ý kiến gì hết. Chính phủ yêu cầu thành phố tổ chức đối thoại nhưng thành phố không bao giờ dám đối thoại vì đối thoại là có người hỏi, người trả lời và có kết luận và biên bản còn tiếp dân thì không bao giờ có biên bản cả.”

Thành ra, ông cho rằng nếu có buổi tiếp dân thì bà con cũng chỉ cần xác định điểm nào chính đáng mà bà con cần nắm còn các vấn đề liên quan tranh chấp thì yêu cầu chính phủ vào cuộc.

Nhắc lại mốc thời gian đầu khi KĐT Thủ Thiêm được hình thành, theo thông tin từ truyền thông trong nước, vào ngày 17/5/1996, UBND TP xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 chức năng của Thủ Thiêm là trung tâm giao dịch, thương mại, tài chính, văn hóa, dịch vụ là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế là khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội và nhà ở hiện đại. Cũng trong năm 1996, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm rộng 930 hecta với 7 phân khu chức năng lần lượt là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ (từ 30-100 tầng) dọc hai trục đại lộ trung tâm Đông - Tây; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (ở phía nam bán đảo); khu nhà ở cao cấp (phía bắc bán đảo); khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí, công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160 hecta.

Đến năm 2002, Thủ tướng cho phép UBND TP thu hồi 930 hecta đất để thực hiện dự án KĐT Thủ Thiêm và thành phố đã giao 160 hecta cho quận 2 để xây dựng khu tái định cư. Từ đó, 160ha đất tái định cư cho người dân phải di dời trong dự án KĐT Thủ Thiêm. Tháng 3-2002, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn quận 2, giao đủ 160 hecta để xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn quận 2.

Kể từ thời điểm này, 160 hecta đất tái định cư cho người dân phải di dời trong dự án KĐT Thủ Thiêm bị chia nhỏ thành nhiều dự án ở nhiều phường chứ không còn tập trung "160 hecta ở phía đông giáp ranh quy hoạch" như phê duyệt ban đầu của Thủ tướng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.