Đã đến lúc phải chấm dứt những hạn chế tại Việt Nam

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế kêu gọi Hà Nội nên cho phép Giáo hội được tự do hành đạo, tự do lựa chọn người đứng đầu Giáo hội, cũng như được tự do sinh hoạt tín ngưỡng.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.07.17

Đúng vào ngày kỷ niệm năm thứ 10 Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, hôm 14/7/2008, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF đăng tải bài viết trên báo điện tử Asia Times nhan đề “Đã đến lúc phải chấm dứt những hạn chế tại Việt Nam” của hai tác giả Preeta Bansal và Richard Land. 

Tang lễ Hoà thượng Huyền Quang

Vài ngày sau khi ngồi vào ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam nghiêm khắc cảnh cáo các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được biến đám tang của đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang thành một cuộc tập họp chống nhà nước. Đó là nội dung đoạn mở đầu bài viết. 

Tiếp đó, hai tác giả của bài báo khẳng định thay vì đưa ra những lời đe doạ để tiếp tục sách nhiễu tự do tôn giáo, chính quyền Việt Nam nên chấm dứt những cấm cản vô lý đối với tổ chức Phật giáo lớn nhất tại Việt Nam, Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Vào thời điểm này, họ cần phải bảo vệ và nhân rộng nhân quyền nội địa thay vì là bóp nghẹt chúng. Và cách để họ có thể chứng minh với quốc tế cụ thể nhất đó chính là xoá bỏ những cấm cản, ngăn trở đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông Scott Flipse, USCIRF

Trong khi nỗ lực xác nhận vị trí quốc tế của mình, thì cũng là lúc Việt Nam cần phải bảo vệ, chứ không phải là vi phạm, các quyền tự do căn bản của công dân.

Điều này đã từng được đồng sự của hai tác giả này trong Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế là ông Scott Flipse, nhà phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á, nhấn mạnh khi trao đổi với chúng tôi mới đây:

“Vào thời điểm này, họ cần phải bảo vệ và nhân rộng nhân quyền nội địa thay vì là bóp nghẹt chúng. Và cách để họ có thể chứng minh với quốc tế cụ thể nhất đó chính là xoá bỏ những cấm cản, ngăn trở đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”

Bài báo cũng dành nhiều đoạn giới thiệu chi tiết về Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, những lãnh tụ tinh thần cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được nhiều ngừơi quý trọng vì sự dấn thân tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.  

HuyenQuang-funeral-07112008b-305.jpgTác giả nói rằng trong khi hàng triệu người Việt xem Gíao hội là một tổ chức tinh thần và nhân đạo rất cần có, thì trong mắt chính quyền Hà Nội, những tiếng nói ôn hoà của các nhà tu này là một sự đe doạ cho cái gọi là sự ổn định của nhà nước, và vì thế, họ tìm mọi cách ngăn trở, từ tù tội, quản thúc tại gia, đến sách nhiễu các chức sắc cuả Giáo hội, cấm đoán Giáo hội mở ra những tổ chức thanh niên và từ thiện.

Tác giả của bài viết kêu gọi Hà Nội nên cho phép Giáo hội được tự do hành đạo, tự do lựa chọn người đứng đầu Giáo hội, cũng như được tự do sinh hoạt tín ngưỡng.

Về quan điểm này, ông Scott Flipse chia sẻ:

Vâng, chúng tôi tin rằng sự ra đi của đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang cũng như tang lễ của Ngài là một cơ hội hiếm hoi cho chính quyền Việt Nam vinh danh một nhân vật cổ võ cho dân chủ được nhiều người kính trọng, và xoá bỏ những chế tài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho phép Giáo hội được tự do lựa chọn người lãnh đạo, được tổ chức các uỷ ban trị sự cấp địa phương, được tổ chức các hoạt động cho thanh niên và công tác từ thiện một cách tự do mà không bị nhà nước ngăn cấm, can thiệp, hay cản trở. Đó là kỳ vọng của chúng tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam.”

Hy vọng và hiện thực

Thế nhưng hai tác giả Preeta và Richard cho rằng điều mong đợi ấy không có khả năng thành hiện thực.

Chúng tôi tin rằng sự ra đi của đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang cũng như tang lễ của Ngài là một cơ hội hiếm hoi cho chính quyền Việt Nam vinh danh một nhân vật cổ võ cho dân chủ được nhiều người kính trọng, và xoá bỏ những chế tài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông Scott Flipse, USCIRF

Vẫn theo bài viết này, những lời khen ngợi công khai gần đây của chính phủ Mỹ về các tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực tự do tôn giáo chưa phản ánh đúng sự thật hiện tình diễn ra tại Việt Nam.

Để chứng minh, bài viết đề cập đến chuyến đi Việt Nam của đại diện Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế hồi cuối năm ngoái, với ghi nhận có ít nhất 30 tù nhân lương tâm bị giam giữ hơn 1 năm, và nhiều người khác thường xuyên bị quản thúc.

Ngoài ra, một số sinh hoạt và cộng đồng tôn giáo vẫn tiếp tục bị nhà nước ngăn cấm. Hàng chục trường hợp bị bắt bớ, tù tội vì các lý do có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo hoặc cổ võ cho tự do tín ngưỡng.

Các hình thức sách nhiễu vẫn tiếp tục được thực hiện đối với các cộng đồng tôn giáo đa dạng của Việt Nam, đặc biệt là đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tình hình này rõ ràng trái ngược với tuyên bố rằng đã có những cải thiện đáng kể xứng đáng cho Việt Nam được bỏ tên ra khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).

Hai tác giả Preeta và Richard nhìn nhận Hà Nội đã chứng tỏ vài bước cải thiện, mở rộng tự do tôn giáo nhưng ngay khi được bỏ tên ra khỏi danh sách CPC năm 2006 thì mọi sự trì trệ hẳn lại. Đó cũng là lý do vì sao Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế lên án quýêt định của chính quyền tổng thống Bush là vội vàng và đề nghị đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC.

Trước khi kết thúc bài báo, hai tác giả không quên nhấn mạnh rằng giữa lúc bang giao Việt-Mỹ đang phát triển, Hoa Kỳ nên cân nhắc thận trọng các chính sách thúc đẩy Việt Nam chấm dứt vi phạm tự do tôn giáo và nghiêm túc tôn trọng các nhân quyền căn bản theo quy ước quốc tế.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.