Vụ Tiên Lãng: bảo vệ tài sản chính đáng hay tội giết người?

Vào ngày 28 tháng 12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hải Phòng vừa tống đạt kết luật vụ án ‘giết người, chống người thi hành công vụ’ đối với một số người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.12.28
anninhhaiphong-305.jpg Con đường dẫn vào căn nhà bị cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Photo courtesy of anninhhaiphong

Ông Đoàn Văn Vươn là chủ đầm thủy sản huyện Tiên Lãng, bị chính quyền địa phương cưỡng chế trái pháp luật vào đầu tháng 1 năm 2012. Những người bị truy tố và luật sư có ý kiến gì về kết luận điều tra này?

Không đồng ý với kết luận điều tra

Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hải Phòng đối với những người trong gia đình ôn Đoàn Văn Vươn, chủ đầm thủy sản bị cưỡng chế trái phép vào hồi đầu tháng giêng vừa qua, đã không làm cho những người có liên quan ngạc nhiên mặc dù họ không đồng tình với kết luận này.

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ chủ đầm Đoàn Văn Vươn, cho biết cảm nghĩ của mình sau khi nhận được quyết định điều tra vào sáng ngày 28 tháng 12.

"Khi bọn em đọc quyết định của cơ quan điều tra thì bọn em cũng không bất ngờ đâu vì với công an thành phố Hải phòng thì cũng chỉ thế thôi vì bọn em xác định rồi nếu để kết luận công bằng công tâm mà công an Hải Phòng đưa ra là không có nên bọn em không bất ngờ trước kết luận này dù nó có điểm vô lý nhưng mà bọn em sẽ xem xét để làm đơn khiếu nại thôi".

Những điểm vô lý được chị Thương cho biết cụ thể như sau:

"Theo kết luận của họ thì đến giờ họ vẫn đề nghị truy tố mấy người trong trại với tội giết người, còn với hai chị em em thì vẫn để tội danh chống người thi hành công vụ. Em thấy với tội danh giết người thì em khẳng định chúng em không giết người mà là chống giặc nội xâm, chúng tôi làm vậy là để bảo vệ tài sản của chúng tôi chứ không chống đối gì hết.

Vấn đề thứ hai là chống người thi hành công vụ với chị em em là càng vô lý hơn vì khi đoàn cưỡng chế đến thì chị em em đứng ở trên đê chứ không ở chỗ cưỡng chế và cũng không có bất cứ hành động nào để coi là chống lại lực lượng cưỡng chế. Tất cả họ quy chụp chị em làm hàng rào thì đó là những việc chị em em làm trước ngày thi hành cưỡng chế chứ không phải trong ngày đó.

Thứ nữa là họ có thể chứng minh đó là những người thi hành công vụ không khi mà thủ tướng kết luận những người này là những người cưỡng chế trái pháp luật. nếu trái pháp luật thì không thể gọi là những người thi hành công vụ."

Vụ cưỡng chế khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn xảy ra vào ngày 5 tháng giêng năm 2012. Chính quyền huyện Tiên Lãng đã huy động lực lượng công an, bộ đội đến cưỡng chế hơn 30 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Em thấy với tội danh giết người thì em khẳng định chúng em không giết người mà là chống giặc nội xâm, chúng tôi làm vậy là để bảo vệ tài sản của chúng tôi chứ không chống đối gì hết.
Chị Thương

Ông Đoàn Văn Vươn và một số người trong gia đình đã phải sử dụng chất nổ và đạn hoa cải để bảo vệ tài sản của mình. Hậu quả khiến 7 bộ đội và công an bị thương. Công an cũng đã bắt giam ngay lập tức các ông Đoàn Văn Vươn, chủ đầm, ông  Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ. Vụ việc sau đó đã gây bất bình trong dư luận, khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải vào cuộc. Vào ngày 10 tháng 2, Thủ tướng kết luận chính thức hành vi cưỡng chết đất của chính quyền địa phương là sai pháp luật.

Kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải phòng xác định 4 người bị tạm giữ phạm tội giết người theo điểm d, khoản 1, điều 93 bộ luật hình sự, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Đối với bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, và bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý, kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hải Phòng xác định tội chống người thi hành công vụ theo điểm a, điểm d, khoản 2, điều 257 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, kết luận điều tra xác định trách nhiệm dân sự đối với những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn, theo đó họ phải trả tiền bồi thường khoảng 80 triệu đồng cho những người bị thương. Đây là điều mà chị Nguyễn Thị Thương phản đối.

"Trách nhiệm bồi thường đó không phải trách nhiệm của chúng tôi theo điều 14 luật bồi thường của nhà nước thì những người trực tiếp điều động trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đó phải có trách nhiệm bồi thường, chứ không phải trách nhiệm bồi thường của gia đình em."

Khía cạnh pháp lý cần xem xét

Chị Nguyễn Thị Hiền (trái) và chị Nguyễn Thị Thương. Photo courtesy of vietbao.vn
Chị Nguyễn Thị Hiền (trái) và chị Nguyễn Thị Thương. Photo courtesy of vietbao.vn
Chị Nguyễn Thị Hiền (trái) và chị Nguyễn Thị Thương. Photo courtesy of vietbao.vn
Sau khi nhận được kết luận điều tra, gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã nói chuyện với các luật sư của mình để xin tư vấn về vấn đề pháp lý. Hiện có khoảng gần 10 luật sư ở Hà Nội đã tình nguyện tham gia trợ giúp pháp lý cho gia đình ông Vươn. Nói về khía cạnh pháp lý của kết luận điều tra, luật sư Nguyễn Minh Long thuộc công ty luật Dragon, cho biết:

"Về tính chất pháp lý thì hiện giờ chúng tôi chưa xem sâu vào bản kết luận nhưng khi mà có một vấn đề liên quan đến vấn đề về khởi tố vụ án hình sự … thì nó đã thể hiện tất cả các yếu tố về hành vi về hậu quả, và nó bám theo kết quả là hành vi đó thì nó cấu thành nên tội danh. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì đương nhiên là xét về nhiều yếu tố thì ở đây những người đã bị khởi tố thì đương nhiên là chính xác.

Nhưng mà để những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, những người nhà như chị Thương chị Hiền thì chúng tôi đang xem xét từng mức độ để làm rõ vai trò của chị Thương chị Hiền thế nào và góc độ hành vi của họ đến đâu để dựa trên cơ sở đó để xem cơ quan điều tra kết luận có đúng không và chúng tôi sẽ có một bản thảo riêng."

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, có thể có một số tình tiết giảm nhẹ tội mà các luật sư sẽ nghiên cứu trong vụ án này.

Họ cũng là người dân bình thường, chưa vi phạm lần nào, chưa tiền án tiền sự, đấy là những tình tiết có thể giảm nhẹ cho những người xung quanh cũng như bản thân những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...
Luật sư Nguyễn Minh Long

"Liên quan đến pháp lý thì có mấy tình tiết, chẳng hạn là do bột phát, do đây là lỗi từ hai phía, có thể có nhiều yếu tố khách quan nữa. Họ cũng là người dân bình thường, chưa vi phạm lần nào, chưa tiền án tiền sự, đấy là những tình tiết có thể giảm nhẹ cho những người xung quanh cũng như bản thân những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như chị Thương chị Hiền.

Nếu trường hợp có tính chất tích cực như thành khẩn khai báo, thì đương nhiên đó cũng là yếu tố cơ bản, ngoài ra là có công với đảng nhà nước hoặc một số chính sách khác, ví dụ gia đình có công với cách mạng, đó cũng là những yếu tố, chưa kể là hành vi của họ ở mức độ thế nào, trong giai đoạn điều tra thì chúng tôi chưa xem hồ sơ kỹ nhưng sau khi có bản kết luận này và hồ sơ chuyển sang viện kiểm sát thì chúng tôi sẽ được photo và nghiên cứu hồ sơ trực tiếp thì lúc đó mới làm sát được bản chất của toàn bộ vấn đề, mâu thuẫn đến đâu và tính chất mức độ nặng nhẹ của họ thế nào. Dựa trên cơ sở đó chúng tôi mới có ý kiến quan điểm rõ nét được."

Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết các luật sư sẽ nhóm họp vào ngày 29 tháng 8 để có ý kiến về bản kết luật điều tra. Vào thứ 5 tới, các luật sư sẽ về gặp gia đình để bàn cụ thể về các bước tiếp theo.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.