Bộ trưởng Công an Tô Lâm: đầy tai tiếng, vẫn vững như bàn thạch!?
Một nhà bình luận, quan sát chính trị cho rằng vụ hộ chiếu mới của Việt Nam bị một số nước Châu Âu từ chối cấp visa, cho thấy vị thế vững chắc của Bộ trưởng Công an Tô Lâm hiện nay trong hệ thống Chính trị Việt Nam.
Vụ hộ chiếu mẫu mới gây tác động
Lần lượt các nước Châu Âu thông báo ngưng cấp visa, hoặc thậm chí là không công nhận hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam vì thiếu thông tin về nơi sinh.
Mở đầu là Đại sứ quán Đức tại Hà Nội vào ngày 27/7 nói họ không thể cấp thị thực cho hộ chiếu mẫu mới có số serial bắt đầu bằng “P” của Việt Nam.
Ngày 1/8 , Đại sứ quán Tây Ban Nha thông báo không cấp thị thực vào khối Schengen cho hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam. Đến ngày 8/8, Sứ quán nước này ra quyết định chấp nhận lại mẫu hộ chiếu mới. Tuy nhiên phải kèm theo căn cước công dân, hoặc một số giấy tờ khác để chứng minh nơi sinh của những người xin thị thực.
Ngày 2/8, đến lượt Cộng Hoà Séc thông báo không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam với lý do “không đáp ứng các tiêu chuẩn về thông số ICAO”.
Hoàng Trang, một người đang học thạc sỹ chuyên ngành “Chính sách Nhân quyền và Thực hành quyền”, tại Thuỵ Điển nói với RFA rằng vụ việc các nước Châu Âu nêu trên từ chối cấp visa cho hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại và phiền toái cho người Việt, cả trong và ngoài nước.
“Còn việc Séc không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam dẫn đến việc những công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc cũng bị ảnh hưởng trong lúc này nếu như hộ chiếu của họ bị hết hạn.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Séc nó lại nghĩ ra cái trò là cấp hộ chiếu mẫu cũ cho mọi người, xong lại ghi ngày cấp là 30/6. Chuyện này cũng hài, lần đầu tiên tôi thấy nó giải quyết theo cái kiểu bất chấp luật lệ như vậy.”
Khối Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu đã cùng nhau bãi bỏ hộ chiếu và kiểm soát biên giới.
Có ý kiến cho rằng người mang hộ chiếu mẫu mới nếu muốn nhập cảnh vào Đức hay Séc vào lúc này có thể đi đường vòng, bằng cách xin thi thực nhập cảnh vào Châu Âu từ các nước khác trong khối Schengen, sau đó đi đường bộ qua Đức hay Séc.
Theo bà Trang, đi như vậy về mặt thực tế có thể được, nhưng về mặt luật pháp là sai. Bởi vì nước Đức nói rất rõ là visa của do các nước trong khối Schengen cấp thì phải loại Đức ra khỏi danh sách nơi được đến:
“Tất nhiên là khả năng mà mọi người bị kiểm tra khi đi đường bộ vào Đức từ các nước trong khối Schengen khác là khá thấp. Nhưng như thế không có nghĩa là nó không xảy ra và rõ ràng như thế là mọi người đang phạm luật, bởi vì như vậy là nhập cảnh trái phép.”
Lý giải việc thiếu nơi sinh trong hộ chiếu mới
Hôm 8/8, Bộ trưởng Tô Lâm được báo chí Nhà nước dẫn báo cáo về vụ mẫu hộ chiếu cho biết, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc.
Trước mắt sẽ bổ sung bị chú “nơi sinh” cho những ai cần “để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam làm thủ tục xin thị thực vào 26 nước châu Âu”.
Báo cáo nói hộ chiếu mẫu mới đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo Bộ Công an, quy định của ICAO không bắt buộc phải có nơi sinh trong hộ chiếu.
Theo bà Trang, Bộ Công an lý giải như vậy là không hợp lý. Bởi vì hộ chiếu cũ của Việt Nam có nơi sinh, tại sao lại tự nhiên bỏ thông tin nơi sinh trong hộ chiếu mới? Chưa kể là theo quy định của ICAO thì đúng là không nhất thiết phải có nơi sinh. Tuy nhiên, ICAO có kèm lưu ý:
“Trong hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế có nói rõ là khi thêm thông tin hoặc bỏ thông tin về nơi sinh thì cần phải cân nhắc đến những yếu tố chính trị của quốc gia của mình.
Và rõ ràng khi nhắc đến Việt Nam thì trước đến nay Việt Nam luôn luôn bị lên án về nạn buôn người, cho nên các nước khác cần thông tin nơi sinh của Việt Nam là đúng rồi.
Họ nói rất rõ như thế, cho nên không thể lấy được lý do là “vì đây không phải là thông tin bắt buộc nên không cần phải cho vào hộ chiếu” được.”
Cũng theo báo cáo, ông Tô Lâm cho biết hộ chiếu mẫu mới ban hành không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình xuất nhập cảnh.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho rằng nguyên do khiến Việt Nam bỏ thông tin về nơi sinh là do có một số quốc gia đã từ chối cấp visa cho hộ chiếu ở một số tỉnh thành nhất định của Việt Nam. Đặc biệt là các tỉnh có nhiều người cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài:
“Việc Bộ Công an tìm cách che giấu nơi sinh như vậy là để cho những người ở những tỉnh bị hạn chế, hoặc bị cấm cấp visa có thể vào nước khác. Đó là một cách mà Bộ Công an đã giúp cho những người này lừa đảo cơ quan Ngoại giao của các nước.”
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết, hiện nay, Hàn Quốc tạm dừng nhận người xuất khẩu lao động ở một số huyện thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa… cho đến hết năm 2022.
Vị thế vững vàng của Tô Lâm
Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận với RFA rằng, cũng qua vụ việc lần này, ông càng nhận thấy rõ ràng hơn về vị thế, quyền lực của Bộ trưởng Tô Lâm trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Ông lý giải nguyên do là vì trước đây, Bộ Công an hay cá nhân ông Tô Lâm đã có nhiều việc làm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như Bộ Công an nhất quyết yêu cầu người dân tập trung để làm căn cước công dân gắn chíp, trong khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng. Điều đó cũng góp phần làm bùng phát dịch hồi cuối năm ngoái ở Việt Nam.
Hay vụ ông Tô Lâm ăn bữa tối món “Bò dát vàng” tại một nhà hàng ở nước Anh với giá hàng chục ngàn đô la Mỹ. Điều 18 trong Quy định về 19 điều đảng viên không được làm nêu rõ đảng viên không được "tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí..."
Cộng với vụ các nước Châu Âu không công nhận hộ chiếu mẫu mới vì thiếu thông tin nơi sinh, theo Luật sư Đài, ông Tô Lâm phải là người chịu trách nhiệm chính. Nhưng đến nay, ông Bộ trưởng Công an vẫn vững vàng tại vị:
“Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, có thể nói gần như là ông Tô Lâm là nhân vật thứ hai, cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đấu đá tranh giành quyền lực chính trị.
Ông Tô Lâm thực hiện hai việc. Một là ông ấy rất mạnh tay trấn áp những người hoạt động đối lập. Từ khi ông ấy lên bộ trưởng từ năm 2016 thì những nhà hoạt động đối lập Việt Nam bị đàn áp, bắt giữ một cách rất khủng khiếp.
Cái thứ hai là những người đối lập với ông Nguyễn Phú Trọng, kể cả trong ngành công an, cho đến mọi lĩnh vực thì ông ta đều thực hiện những mệnh lệnh từ ông Nguyễn Phú Trọng, bắt giữ những người đó, bất kể là ai.
Cho nên cho dù ông ta đã vướng rất nhiều sai phạm, tai tiếng không chỉ cho bản thân ông ấy, mà cho cả Đảng và chế độ nhưng ông ta vẫn bình an vô sự cho đến giờ phút này.”
Ông Tô Lâm hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 10/8, ông Tô Lâm khẳng định, "việc cấp hộ chiếu mẫu mới là đúng theo đúng quy định Luật xuất - nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ trưởng Công an nói một số nước gây khó khăn cũng có lý do... Trước mắt cần bổ sung bị chú nơi sinh. Về lâu dài thì chúng tôi sẽ bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu.