Cảnh sát giao thông sẽ hạn chế lập chốt trên đường: rằng hay thì thật là hay...!

RFA
2020.10.21
2007-12-15T120000Z_1739719458_GM1DWVAAPVAA_RTRMADP_3_VIETNAM-HELMETS CSGT đang phạt một người vi phạm giao thông.
Reuters

Cục Cảnh sát giao thông Việt Nam đang xây dựng đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, đề ra mục tiêu cảnh sát giao thông hướng tới xử phạt qua camera và chỉ tuần tra, giải quyết tai nạn giao thông chứ không lập chốt như hiện nay.

Nói rõ hơn về nội dung được đưa ra trong đề án luật vừa nêu, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam vào tối ngày 21/10 cho hay:

“Tôi thấy trong thời đại công nghệ thông tin, các thành phố của Việt Nam hiện nay là thành phố thông minh thì đề án này hướng tới việc tất cả lỗi vi phạm giao thông sẽ có hệ thống camera giám sát ở các tuyến đường, để ghi lại làm chứng cứ điện tử. Cảnh sát chỉ lập chốt xử lý lỗi không thể phát hiện bằng quan sát như vi phạm nồng độ cồn chẳng hạn, hoặc người lái xe sử dụng ma tuý, hoặc cân tải trọng quá mức luật giao thông đường bộ quy định. Nếu đề án này thực hiện, cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, điều tiết, và chỉ huy dẫn đoàn, và giải quyết tai nạn giao thông là chính.”

Từ Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ sự ủng hộ nếu mục tiêu nêu trên được thông qua:

“Theo tôi có lẽ điều đó văn minh hơn để như tình trạng hiện nay. Hiện nay cảnh sát không chỉ lập chốt trên đường mà họ còn đi vòng vòng trên đường và bất cứ xe cộ nào nghi ngờ thì họ đều phạt. Các xe bị xử phạt cũng đúng vì dân mình còn thiếu thủ tục cần thiết nên họ phạt không sai, nhưng các phạt thường không có biên lai, biên bản thì rõ ràng là vào túi riêng. Hoặc biên lai không đúng quy định thì cũng để bỏ túi riêng, chuyện này khá phổ biến lặt vặt ngoài đường. Nếu phạt qua camera thì chắc chắn phải vào cơ quan công an để nộp và phải có camera, có biên lai, biên bản hẳn hoi. Cách này rõ ràng hạn chế tiêu cực tiền phạt đi vào túi riêng những người có quyền. Chúng ta thấy có lẽ tích cực là chính, sẽ không tiêu cực như trước.”

Đồng quan điểm vừa nêu rằng với việc người dân vì muốn được giải quyết nhanh chóng nên tự đút tiền riêng cho cảnh sát, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho rằng hướng xử phạt qua camera sẽ giúp giảm tiêu cực cho ngành cảnh sát giao thông hiện nay. Bên cạnh đó, còn hạn chế được tình trạng:

“Nếu cho phạt nóng dễ dàng cho cảnh sát giao thông săn đuổi một cách không cần thiết. Có camera nên cảnh sát giao thông đi thực hiện nhiệm vụ trên đường mà có hành vi thái quá thì sẽ bị thu lại trong camera thành ra phải buộc lòng dè chừng và tránh hành vi quá đáng gây hậu quả nặng nề cho những người vi phạm.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông đã từng trông thấy việc một thanh niên quên đội nón bảo hiểm khi mua đồ ăn trưa, ngay lúc đội tuần tra huyện Vĩnh Khánh đi tuần nên rượt theo và đánh cậu một cái ngã xuống đường với tốc độ tương đối cao khiến cậu bị gãy cổ, nằm viện mấy tháng.

Do đó, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định:

“Theo tôi tìm hiểu thì quy định của pháp luật, Cục C67 Bộ Công an, tức Cục Cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ đã có những văn bản ngăn cấm chuyện đó, hướng dẫn rất cụ thể là với những lỗi sơ đẳng như vượt đèn đỏ hay đội mũ bảo hiểm thì không săn đuổi. Trường hợp rượt đuổi chỉ áp dụng khi có dấu hiệu nghi ngờ buôn bán thuốc phiện, ma túy, heroin hoặc cướp. Còn với những lỗi hành chính đơn giản như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… thì trong công văn Cục C67 có nói rất rõ là tìm cách ghi lại hình ảnh để phạt nguội.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
RFA

Theo thông tin được báo VNExpress đăng tải hôm 21 tháng 10, ngoài việc hạn chế cảnh sát làm nhiệm vụ ngoài đường để tránh tiêu cực và hình ảnh không đẹp về cảnh sát trong quá trình xử phạt, đề án đang được Cục Cảnh sát giao thông xây dựng cũng xem xét việc trang bị đồng bộ camera cho cảnh sát để ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa thêm thông tin về vấn đề này như sau:

“Hiện nay đang thử nghiệm cho xe cảnh sát tuần tra gắn camera, định vị đi trên đường và sẽ truyền về trung tâm. Với phương thức này thì người chỉ huy chỉ ở nhà có thể nắm được cảnh sát tuần tra ở đâu, thuộc cấp có làm nhiệm vụ hay không, hay đang đi hướng nào, từ đó có thể giám sát và điều phối trong trường hợp khẩn cấp.”

Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn nhận định rằng việc dùng camera để quan sát giao thông sau đó dùng để làm bằng chứng xử phạt có lẽ các nước khác đã làm vài chục năm nay. Ông cho rằng việc dùng công nghệ để giúp cho việc lưu thông và giảm cảnh sát trên đường là điều tốt. Tuy nhiên, để xác định rõ ràng việc này tốt hay xấu phải đợi thêm thời gian. Ông nói:

“Dùng hình ảnh, clip trong camera để xử phạt thì cần phải xem lại sự chân thực thế nào và camera có được kiểm định bên thứ 3 chẳng hạn như người ta có được kiện lại hay không. Hoặc bên ngoài, người vi phạm giao thông và cảnh sát giao thông, bằng chứng của họ là cái camera thì sự thật có đúng như vậy không thì đó vẫn là dấu hỏi vì công nghệ còn nằm trong tay con người. Người ta có thể điều khiển đồng hồ từ nhanh sang chậm chẳng hạn, hoặc điều chỉnh cân nặng, nhẹ dù cùng một khối lượng, camera của công an cũng vậy, chỉ là phương tiện chứ không thể thay con người được. Nếu dùng cái đấy với người tử tế. trung thực, công chính thì cũng là tốt, không có gì sai. Thế nhưng ở Việt Nam rõ ràng người ta không tin tưởng vào lực lượng công an bởi vì rất nhiều án oan, nhiều người bị phạt oan, nhiều vụ người dân không phạm thì bị phạt, còn người phạm thì nhiều khi con ông cháu cha, cấp trên gửi gắm, hoặc các xe bảo kê nên cho qua.”

Vì vậy, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng bên cạnh việc đổi mới luật giao thông, chính phủ Hà Nội cần thay đổi cách làm luật:

“Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào con người, quyền tự do của người dân, khi người ta nắm được là người ta không sai mà bị phạt, người ta có thể khiếu kiện và tin tưởng kiện là thắng, không như bây giờ người ta nói kiện cơ quan công quyền không khác gì con kiến kiện củ khoai.”

Xác nhận thực tế này, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết anh thanh niên bị cảnh sát giao thông rượt đuổi té gãy cổ cuối cùng cũng đưa đơn khởi kiện lực lượng chức năng ra tòa, nhưng kết quả tòa xử chỉ là “huề cả làng”.

Hiện mốc thời gian cụ thể đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” được hoàn thiện và thực thi vẫn chưa được nêu ra. Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông thì đề án đã được trình lãnh đạo Bộ Công an để xem xét điều chỉnh, bổ sung. Việc thi hành được nói sẽ thực hiện sớm nếu hệ thống hạ tầng camera giám sát trên toàn quốc được hoàn thiện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.