Thấy gì qua vụ việc 12 giảng viên đại học đồng loạt nghỉ việc?
2021.03.01
Đồng loạt nghỉ việc vì môi trường thiếu dân chủ
Tuổi Trẻ Online, vào ngày 27/2 cho biết toàn bộ 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học của Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn nộp đơn tập thể xin nghỉ việc, kể từ ngày 25/1/2021.
Nhóm giảng viên chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về nguyên nhân thôi việc là do họ bức xúc nhà trường bổ nhiệm trưởng khoa mới không đúng quy trình cũng như cách thức làm việc của vị trưởng khoa này bị cứng nhắc.
Lên tiếng với Báo mạng Tuổi Trẻ vào hôm 25/2, một đại diện của nhóm giảng viên nói rằng sau hai lần họp với hiệu trưởng của trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn, họ đều bày tỏ mong muốn được bỏ phiếu tín nhiệm trưởng khoa nhưng không được đồng ý. Do đó, họ buộc phải nộp đơn xin nghỉ việc tập thể vì không tín nhiệm trưởng khoa và không thể tiếp tục làm việc trong môi trường thiếu dân chủ và thiếu đoàn kết.
Đài RFA ghi nhận, qua trang fanpage của Tuổi Trẻ Online, có những ý kiến đối nghịch từ độc giả; người thì ủng hộ nhóm giảng viên, nhưng cũng có người cho rằng trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn làm đúng trong việc bổ nhiệm trưởng khoa cũng như xử lý cho các giảng viên thôi việc.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, vào tối hôm 1/3 lên tiếng với RFA liên quan vụ việc vừa nêu.
“Tôi thật sự thấy 12 thầy cô giảng viên đại học đã có tinh thần đoàn kết, do họ đã đồng lòng lên tiếng đấu tranh đối với một trưởng khoa như vậy thì chứng tỏ người trưởng khoa này có vấn đề gì đó.
12 giảng viên cùng đồng lòng thì lãnh đạo nhà trường nên lắng nghe, chứ không phải ra quyết định cho thôi việc 12 giảng viên này. Hành vì đó là hành vi trù dập người đấu tranh.”
Nhà trường cho chấm dứt hợp đồng lao động
Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân, PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, vào chiều ngày 25/2, cho Tuổi Trẻ Online biết đơn xin nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học không đúng quy định, dù có đủ chữ ký của cả 12 người có tên trong đơn.
PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng nhà trường đã làm việc với trưởng khoa lẫn 12 giảng viên của khoa Hàn Quốc học. Nhà trường cũng đã tiến hành xác minh những phản ảnh của 12 giảng viên. Kết quả xác minh được công bố là việc bổ nhiệm trưởng khoa của nhà trường không làm trái quy định của pháp luật. Đồng thời, nhà trường hướng dẫn các giảng viên làm đơn nghỉ việc riêng lẻ và chấp thuận cho từng giảng viên thôi việc. 11 người nghỉ việc và một giảng viên đã quyết định rút đơn.
Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân, PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan giải thích rằng theo quy định của pháp luật, các giảng viên này được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tập thể lãnh đạo nhà trường, sau rất nhiều cuộc họp, ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thể theo nguyện vọng của các giảng viên.
Việc 12 người đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có những người mà báo chí cũng thừa nhận là giảng viên giỏi. Lưu ý, ở Việt Nam thì gairng viên đại học không phải là một vị trí dễ kiếm việc. Thế mà cả 12 người trong một khoa đồng loạt xin nghỉ việc bất kể vì lý do gì. Đó cũng là một sự thất bại về phương diện quản lý. Cho nên tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm ở trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn không thể dửng dung trước sự việc này được. Tuy nhiên, tôi thấy cách xử lý của họ dường như là dửng dung-PGS-TS. Hoàng Dũng
PGS-TS. Hoàng Dũng, thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM, vào tối ngày 1/3 cho RFA biết có ba hình thức bổ nhiệm trưởng khoa hiện hành ở các trường đại học tại Việt Nam.
Hình thức thứ nhất là quyết định bổ nhiệm do “từ trên đưa xuống”. Hình thứ thứ hai là cho bỏ phiếu thăm dò về chọn lựa trưởng khoa. Nhưng đây là hình thức bỏ phiếu kín. Và do đó, các giảng viên trong khoa cũng không thể kiểm chứng về các phiếu thăm dò. Hình thức thứ ba là bỏ phiếu bầu chọn công khai và hình thức này được cho là rất hiếm khi diễn ra.
Theo các hình thức vừa được liệt kê, PGS-TS. Hoàng Dũng nhấn mạnh:
“Như vậy việc các giảng viên của khoa Hàn Quốc học của Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn có mong muốn được bầu chọn thì đó là mong muốn chính đáng. Nhưng cho họ được bầu hay không là quyết định của lãnh đạo trường Đại học này. Thành ra, lãnh đạo của trường Đại học này nói rằng họ làm đúng quy trình thì cũng phải chấp nhận lời giải thích đó thôi.”
Qua vụ việc 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn đồng lòng nghỉ việc, PGS-TS. Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông:
“Việc 12 người đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có những người mà báo chí cũng thừa nhận là giảng viên giỏi. Lưu ý, ở Việt Nam thì giảng viên đại học không phải là một vị trí dễ kiếm việc. Thế mà cả 12 người trong một khoa đồng loạt xin nghỉ việc bất kể vì lý do gì. Đó cũng là một sự thất bại về phương diện quản lý. Cho nên tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm ở trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn không thể dửng dung trước sự việc này được. Tuy nhiên, tôi thấy cách xử lý của họ dường như là dửng dưng.”
Với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ông nhận xét cách giải quyết của trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn đối với 12 giảng viên là “một hành vi trù dập”. Bởi vì:
“Ở Việt Nam rất tiếc là lâu nay những tiếng nói đồng lòng như vậy rất là hiếm hoi và cấp trên trù dập rất là ghê gớm. Bản chất của sự việc là do chính những con người được lộng quyền. Họ được cho cái quyền quá lớn, quyền sinh, quyền sát, quyền nâng lương, quyền ban phát…cho nên họ lộng hành. Và điều đó chứng tỏ rằng là sự thiếu lắng nghe, thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng các nhân viên dưới quyền.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng hiệu trưởng hay lãnh đạo là “ông vua một xứ”. Họ là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ và có nhiều quyền lực. Họ có “những tay chân” là người thân của họ, do họ đưa vào thành một vây cánh kiểu “cha truyền con nối”, một dạng biến tướng của chế độ phong kiến trước đây.
Một giảng viên đang làm việc tại một trường đại học tư thục ở Sài Gòn, vào tối ngày 1/3, bày tỏ đồng quan điểm với thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Giảng viên ẩn danh trưng dẫn thông tin mới nhất trong ngành giáo dục, để minh chứng cho điều này:
“Giống như ngày hôm nay, Đại học Hoa Sen cũng thông báo về Quyền hiệu trưởng mới. Người đó là ai? Là học trò cũ của hiệu trưởng. Ông Hiệu trưởng kéo về làm hiệu trưởng khi ông Hiệu trưởng lên làm Chủ tịch.”
Nữ giảng viên không muốn nêu tên nhấn mạnh yếu tố về toàn bộ giảng viên của một khoa tại một trường đại học buộc phải thôi việc, đã phản ánh trung thực nhất về cơ chế điều hành trong ngành giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
“Vụ việc này là 12 người nghỉ luôn, tức là người ta bỏ hẳn công việc, nghĩa là dính líu đến việc rất bức xúc. Giáo dục Việt Nam có câu nói là ‘nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba đồ đệ, bốn-năm mới là trí tuệ’.
Tôi thật sự thấy 12 thầy cô giảng viên đại học đã có tinh thần đoàn kết, do họ đã đồng lòng lên tiếng đấu tranh đối với một trưởng khoa như vậy thì chứng tỏ người trưởng khoa này có vấn đề gì đó. 12 giảng viên cùng đồng lòng thì lãnh đạo nhà trường nên lắng nghe, chứ không phải ra quyết định cho thôi việc 12 giảng viên này. Hành vì đó là hành vi trù dập người đấu tranh-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Cần thay đổi cơ chế
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải có một sự thay đổi về cơ chế trong ngành giáo dục:
“Qua sự việc của tôi và cũng qua sự việc của 12 thầy cô giảng viên đại học ở Khoa Hàn Quốc thì tôi có thể nói rằng bộ máy quản lý công quyền là cực kỳ mất phẩm chất đạo đức. Tôi cho rằng phải có một cơ chế nào đó để xử lý họ, chứ không thể để như hiện nay được.”
Mặc dù vậy, PGS-TS. Hoàng Dũng lại nhìn thấy sự thay đổi này không thể thực hiện được:
“Tôi không tin rằng trong ngắn hạn mà người ta thay đổi. Bởi quy trình như vậy, theo tôi biết cũng không phải chỉ trong ngành giáo dục. bây giờ nếu thay đổi thì tác động đến toàn bộ bộ máy (quản lý), chứ không phải trong ngành giáo dục đâu. Ở Việt Nam, ít khi người ta chịu thay đổi lắm, trừ đã bị đặt trên miệng hố rồi thì mới bắt buộc thay đổi thôi.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ngậm ngùi nói với RFA rằng khi ông bắt đầu đấu tranh chống tiêu cực ở trường PTTH Vân Tảo, một vài giáo viên đã ủng hộ ông và đã bị trù dập một cách thẳng tay.
Và nữ giảng viên ẩn danh, tâm tình rằng bản thân cô cùng một vài đồng nghiệp cũng đang trong tình cảnh bị “trù dập một cách không thương tiếc” tại một trường tư thục được đánh giá là uy tín ở Việt Nam.