Nhất thể hóa hay không nhất thể hóa?

Kính Hòa RFA
2018.10.09
000_GW3M0 Ông Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sắp tới sẽ kiêm chức Chủ tịch nước. Ảnh chụp 5/2016.
AFP

Một tuần sau khi có tin ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được đề xuất kiêm giữ chức Chủ tịch nước, chính ông Tổng Bí thư lại lên tiếng nói rằng đây chỉ là một giải pháp tình thế.

Theo một nguồn tin thân cận với các giới chức Việt Nam, thì trước buổi họp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều ngày chủ nhật 30/9/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không biết rằng mình sẽ được đề nghị nắm giữ chức chủ tịch nước. Nguồn tin này cho biết đề xuất này xuất phát từ ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức trung ương đảng.

Ông Phạm Minh Chính được cho là người đã thực hiện thành công việc ghép hai chức vụ chủ tịch bên chính quyền và bí thư đảng cộng sản làm một ở cấp xã, khi ông còn đứng đầu Đảng Cộng sản tại tỉnh Quảng Ninh.

Một nhà quan sát mà chúng tôi không muốn nêu danh tánh cho rằng mối quan hệ đồng hương của ông Chính với một nguyên Tổng Bí thư là ông Lê Khả Phiêu, cùng ở Thanh Hóa, cũng đã giữ vai trò thúc đẩy ông Chính đưa ra đề nghị này.

Ông Lê Khả Phiêu từng đưa ra đề nghị gộp hai chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước vào làm một hồi năm 1999, và sau đó nhắc lại vào năm 2002.

Thế nhưng tại sao ông Trọng lại nói vào ngày 8/10 rằng chuyện ông ra nắm giữ thêm chức vụ chủ tịch nước là một giải pháp tình thế?

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho chúng tôi biết từ Sài Gòn:

Cũng đã đến thời kỳ mà hai chức vụ này chỉ cho một người làm.
-Luật sư Trần Quốc Thuận.

Tôi cho đó là cách nói khiêm tốn thôi, trong tình hình Chủ tịch Trần Đại Quang mới ra đi. Người ngang vai ngang vế để lên thay thì chưa chín mùi, cho nên trước mắt phải giới thiệu Tổng Bí thư, làm luôn chức Chủ tịch nước. Nhưng mà cũng đã đến thời kỳ mà hai chức vụ này chỉ cho một người làm. Điều này cũng chín mùi rồi.”

Tuy chỉ có một đảng cầm quyền, nhưng Việt Nam có một hệ thống gọi là song trùng gồm hai bên đảng và chính quyền, cứ một vị trí của chính quyền lại có một vị trí của đảng cộng sản tương đương.

Sau khi việc hợp nhất được thực hiện ở cấp xã tại Quảng Ninh và một số tỉnh khác, cách đây một năm, Đảng Cộng sản ra nghị quyết số 18 vào tháng 10/2017, tiến hành việc gộp lại hai hệ thống với nhau.

Một số nhà quan sát cho rằng việc thực hiện điều này, mà gần đây có nhiều báo chí gọi là nhất thể hóa, sẽ không dễ dàng.

Tiến sĩ Vũ Tường, bộ môn chính trị Đại học Oregon, Hoa Kỳ, nhận xét vào cuối năm 2017:

“Tôi nghĩ việc nhất thể hóa và việc nên làm nhưng mà họ không thể làm được là bởi vì sự yếu kém của các nhân vật lãnh đạo, cũng như là sự phân chia quyền lực, sự tản quyền rất là lớn trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Cho nên họ sẽ lúng túng mà không thể áp dụng được ở mức cao nhất, có thể áp dụng ở mức độ cao nhất là bí thư tỉnh ủy chứ không thể cao hơn.”

Sau khi có tin loan báo ông Nguyễn Phú Trọng được đề cử giữ chức chủ tịch nước, tờ báo mạng Nikkei Review của Nhật Bản dẫn lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Hoa Kỳ nói vào đầu năm 2018, rằng việc hợp nhất hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư đảng cần nhiều thời gian mới thực hiện được, vì phải điều chỉnh hiến pháp cũng như điều lệ đảng cộng sản.

Các vị đứng đầu nước Việt Nam hiện nay, từ trái qua, Ông Trần Quốc Vượng, Ông Trần Đại Quang (qua đời), Ông Nguyễn Phú Trọng, Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Các vị đứng đầu nước Việt Nam hiện nay, từ trái qua, Ông Trần Quốc Vượng, Ông Trần Đại Quang (qua đời), Ông Nguyễn Phú Trọng, Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
AFP

Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng bày tỏ mối nghi ngại rằng hợp nhất như vậy sẽ làm cho quyền lực tập trung lớn quá vào tay một người, khó kiểm soát.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam người Úc cho truyền thông Đức biết rằng ông khá ngạc nhiên khi biết việc ông Trọng được đề xuất nắm giữ hai chức vụ. Ông Thayer cũng cho rằng mặc dù là có duy nhất một đảng cầm quyền, nhưng cơ cấu hai bên đảng và chính quyền cho phép có một cơ chế nào đó để kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Nhưng Luật sư Trần Quốc Thuận không đồng ý như vậy:

Làm gì có chuyện cân bằng kiểm tra lẫn nhau ở một cái nước mà do một đảng lãnh đạo. Cái đó chỉ là đóng vai thôi, người ta bảo làm thế mất thì giờ, họp trong đảng ra nghị quyết cũng thế, bày đặt hội đồng nhân dân này kia, nên người ta muốn làm trực tiếp luôn đi cho nó xong.”

Nhiều nhà quan sát người Việt, kể cả những người bất đồng chính kiến như Luật sư Lê Công Định đều đồng ý với nhau ở một mục đích của việc nhất thể hóa, đó là tiết kiệm tiền của cho ngân sách quốc gia vì sẽ bỏ đi một nửa số người ăn lương nhà nước. Nhưng đây cũng là trở ngại lớn nhất vì việc gộp hai chức danh lại sẽ làm cho nhiều người bị mất việc. Theo ước tính của Luật sư Trần Quốc Thuận, số người bị loại ra khỏi bộ máy có thể đến hàng vạn người.

Ông Nguyễn Phú Trọng có lần cũng đề cập rằng việc nhất thể hóa và chuyện rất nhạy cảm vì đụng chạm đến nhiều người.

Nay điều thú vị lại nằm ở chổ dường như việc nhất thể hóa lại được tiến hành ở tầng mức cao cấp nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam.

Làm gì có chuyện cân bằng kiểm tra lẫn nhau ở một cái nước mà do một đảng lãnh đạo.
-Luật sư Trần Quốc Thuận.

Tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nói với báo chí Việt Nam rằng việc ông sẽ nắm giữ thêm chức chủ tịch nước chỉ là một giải pháp tình thế, ông không nói gì về việc mô hình đó có tiếp tục sau nhiệm kỳ của ông hay không.

Còn theo phỏng đoán của Luật sư Trần Quốc Thuận, việc một người giữ hai chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước sẽ được duy trì sau đại hội đảng toàn quốc của Đảng Cộng sản lần thứ 13 trong hai năm tới đây.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.