Chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á
2012.02.06
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Obama áp dụng chính sách gọi là tái cân bằng hướng đến Châu Á và trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã có những chính sách cụ thể về mặt quân sự, kinh tế, thương mại cũng như những sáng kiến về mặt ngoại giao. Bản thân Tổng thống Obama khẳng định Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Trong cuộc hội thảo mới diễn ra do Trung Tâm Nghiên cứu Trung Quốc John Thorton và Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á, thuộc Viện Brookings tổ chức buổi thảo luận để nghiên cứu về những sáng kiến tái cân bằng và những tác động đến quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như của Hoa Kỳ với toàn khu vực Châu Á.
Cuộc hội thảo kéo dài 3 tiếng đồng hồ này được chia làm 2 phần chính: Phần 1 là chính sách bố trị lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và phần thứ 2 là những diễn biến của Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương về mặt thương mại. Có mặt trực tiếp tại cuộc hội thảo này, Vũ Hoàng đã có cơ hội được phỏng vấn các học giả tham gia hội thảo.
Trước hết là phần phỏng vấn ông Kenneth G. Lieberthal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc John Thorton:
Vũ Hoàng: Thưa ông, những điểm chính trong chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – TBD mà ông vừa trình bày là gì ạ?
Ô. Kenneth G. Lieberthal: Chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là những chính sách quan trọng, hợp nhất và mang tính toàn khu vực. Về mặt bản chất thì những chính sách này rất có ý nghĩa nhưng cần phải được hiểu một cách cẩn trọng. Nói chung, thì các quốc gia ở khu vực châu Á không muốn thấy sự đối đầu giữa 2 quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà muốn thấy mối quan hệ hữu hảo của 2 quốc gia này cũng như sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực.
Vì vậy ngay tại Hoa Kỳ, chúng tôi phải đảm bảo sao cho những chính sách này được thực hiện một cách hiệu quả. Và đối với riêng cá nhân tôi, điều cơ bản về sự ổn định và tính tin cậy trong chính sách là Hoa Kỳ cần phải làm những gì họ cần phải làm để sự trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – TBD diễn ra nhanh chóng. Do đó, sự trở lại của Hoa Kỳ lần này là có động lực, đầy tự tin và đảm bảo các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả.
Tại đây, chúng tôi cũng được gặp ông Richard C. Bush III, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á .
Vũ Hoàng: Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng sự trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – TBD là để đối trọng lại sức mạnh của Hoa Kỳ tại khu vực này với Trung Quốc, ông nghĩ sao về điều này?
Ô. Richard C. Bush III: Tôi không bao giờ nghĩ Hoa Kỳ rời bỏ Châu Á, Hoa Kỳ luôn luôn ở trong sức mạnh của Châu Á kể từ Thế chiến thứ 2 và thậm chí ngay cả trước đó nữa. Tôi không nghĩ rằng sự điều chỉnh trong chính sách của Tổng thống Obama trực tiếp nhắm đến Trung Quốc. Trên thực tế thì Hoa Kỳ muốn có được hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, do đó chúng tôi cần phải hợp tác với mọi quốc gia trong các nước châu Á gồm cả Việt Nam nữa để thúc đẩy mối quan tâm của chúng tôi với khu vực này.
Vũ Hoàng: Ông có nhắc tới sự tái cân bằng của Hoa Kỳ tại khu vực, ông có thể nói rõ hơn ý này với khán thính giả của đài Á Châu Tự Do được không?
Ô. Richard C. Bush III: Điểm thứ nhất là quan điểm của các quốc gia khác nhau về vấn đề trỗi dậy trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là khác nhau dựa trên mối quan tâm riêng của mỗi nước. Vì thế mối quan tâm của Việt Nam sẽ khác với Indonesia và cũng sẽ khác với Hàn Quốc. Một điểm khác nữa là, ngay tại mỗi một quốc gia cũng có sự khác nhau, vì thế chúng tôi cho rằng, ngay tại Việt Nam các bạn, các học giả hay toàn xã hội nói chung cũng sẽ có những quan điểm khác với chính phủ. Điểm thứ hai là, sự tái cân bằng của Hoa Kỳ về cơ bản là sự phản ứng lại trước sự sợ hãi của một số nước ở Đông Á với các hành động của Trung Quốc trong năm 2010, do Trung Quốc đã có những cách hành xử hung hăng hơn.
Khi các quốc gia cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, phản ứng của chúng tôi theo nghĩa là bảo vệ và không khuyến khích Trung Quốc thay đổi. Điểm thứ ba, sự trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là về mặt dài hạn, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề ngân sách để duy trì sự có mặt của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á trong dài hạn, điểm này không chỉ có lợi cho Châu Á, mà cả Trung Quốc và ngay cả Việt Nam nữa.
Vũ Hoàng có phần trao đổi với ông Jonathan Pollack, học giả cao cấp của Trung Tâm Trung Quốc John. Thorton, Phòng Chính sách Ngoại Giao.
Vũ Hoàng: Trong buổi thảo luận, điểm mấu chốt là sự tái cân bằng và quay trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá về vấn đề này, ông nhận xét ra sao ạ?
Ô. Jonathan Pollack: Về cơ bản thì tôi cho rằng chiến lược quân sự mà Hoa Kỳ đang áp dụng hiện tập trung chủ yếu cho khu vực Đông Bắc Á, tuy vậy, Hoa Kỳ cũng có mở rộng cả sang khu vực Đông Nam Á nữa. Dưới chính quyền Obama, việc có mặt và tích cực tham gia nhiều hơn của quân sự Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á chứng tỏ sự hiện diện tại đây càng ngày càng trở thành vấn đề ưu tiên.
Cũng phải nói thẳng rằng, người ta cũng đã lo lắng khi những vấn đề ở khu vực này trở nên tồi tệ hơn, thì sự có mặt và can dự cũng như sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ khiến khu vực có thể trở nên ổn định hơn, giải quyết các mối quan hệ hữu hiệu hơn. Tôi muốn nói đến ở đây, không chỉ là mối quan hệ giữa các quốc gia ở trong khu vực Đông Nam Á mà là các quốc gia trong khối này với Trung Quốc.
Trong phần 2 của buổi thảo luận, các diễn giả tập trung vào bàn thảo Hiệp ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, về vấn đề này, chúng tôi phỏng vấn ông Claude Barfield, học giả của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Trong phần thảo luận, ông nói rằng TPP là biểu tượng cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, ông có thể nói rõ lại luận điểm này được không ạ?
Ô. Claude Barfield: Như là anh cũng biết sự quay trở lại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama và tiếp theo là TPP (Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) cũng đang rất được chú trọng. Khi nói rằng TPP là biểu tượng cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ nghĩa rằng Tổng thống Obama đang đặt rất nhiều kỳ vọng và cả rủi ro nữa. Nếu như những thoả thuận hay đàm phán thất bại thì đó là thất bại của Hoa Kỳ về khả năng lãnh đạo. Nếu một quốc gia nào đó chẳng hạn Úc, New Zealand hay Việt Nam nói rằng chúng tôi không thể làm được, thì đó không phải là lỗi của Hoa Kỳ. Thế nhưng giờ đây TPP không chỉ còn là các hiệp ước thương mại mà nó đã trở thành biểu tượng cho sự can dự của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vũ Hoàng: Vậy ông đánh giá chuyện đàm phán của Việt Nam và TPP ngay tại thời điểm hiện giờ ra sao?
Ô. Claude Barfield: Quan điểm của tôi với tư cách của một người đi đàm phán thì được nghe những điều khá tích cực về Việt Nam. Chúng tôi ấn tượng về Việt Nam trong tiến trình này. Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để đẩy nhanh các cuộc đàm phán và cũng có cả những bước nhượng bộ cần thiết.