Thực hư chuyện ‘có 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp...’

RFA
2021.04.14
Thực hư chuyện ‘có 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp...’ Ảnh minh họa: Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội trước đây.
AFP PHOTO

“Có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam”... Đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu lên tại buổi tọa đàm khoa học: 'Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045' hôm 11/4/2021.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng có mặt tại buổi Tọa đàm cho rằng, đây là nhận định không cẩn trọng. Ông Vinh còn cho rằng phát biểu như ông Lợi là làm méo mó chính sách về phát triển nhân lực chất lượng cao của quốc gia trong thập kỷ tới.

Cụ thể theo ông Vinh, người có ba bằng đại học thất nghiệp có phải số đông hay không? Hay chỉ một hai trường hợp cá biệt? Ông Vinh còn đòi ông Lợi cho biết người ấy tốt nghiệp ngành gì, trường nào, ở đâu... (!?)

Hôm 14/4, chúng tôi cũng nêu vấn đề với chuyên gia giáo dục Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giảng viên trường đại học Liège - Bỉ, hiện sống và làm việc ở Việt Nam, và được ông nhận định:

“Tôi cũng có cảm giác không phải tin đồn đâu, trong những năm gần đây sinh viên ra trường khó kiếm chỗ làm, nhất là chỗ làm phù hợp với kết quả tốt nghiệp của mình. Cái này là sự thật nhưng không có một thống kê chính thức rõ ràng, vì nhà nước cũng không muốn công bố một cách tỏ rõ. Nhưng mà chỉ nhìn những sinh viên mà tôi quen biết ra trường thì phần lớn họ bị khó khăn. Chỉ cần đi xe ôm Grab ở Sài Gòn thì có thể bắt gặp rất đông đảo những em phải chạy Grab để kiếm sống thêm là những em vừa tốt nghiệp đại học. Họ là cử nhân nhưng không có được chỗ làm ưng ý và họ bắt buộc phải kiếm ăn bằng cách khác.”

Tôi cũng có cảm giác không phải tin đồn đâu, trong những năm gần đây sinh viên ra trường khó kiếm chỗ làm, nhất là chỗ làm phù hợp với kết quả tốt nghiệp của mình.
-Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Cũng tại buổi Tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên phân luồng giáo dục theo hướng ở giai đoạn đầu tiên là Trung học Cơ sở (cấp hai) sẽ có ít nhất 30% học sinh đi học nghề còn 70% học tiếp lên bậc Trung học Phổ thông (cấp ba). Theo ông Lợi, không thể nói trường nghề không được dạy văn hóa, như vậy là sai tinh thần của Nghị quyết Trung ương về phân luồng giáo dục. Sau khi học nghề, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa. Tại sao lại ngăn cấm?

Ông Lợi còn cho rằng, hết Trung học Phổ thông thì 70% đi học nghề và chỉ 30% đại học thôi... vì học đại học nhiều để làm gì... có những 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp.

Tuy nhiên Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, cho rằng nói vậy là tô hồng cho hệ thống khác và tô xám giáo dục đại học Việt Nam. (!?)

Một người đã tốt nghiệp đại học, hiện sống tại Hà Nội, không muốn nêu tên cho RFA biết do không xin được việc làm đúng ngành học, nên chỉ làm kinh doanh nhỏ:

“Tôi học để sau này xin việc mức lương cao hơn. Nhưng khi tốt nghiệp thì chạy chọt mãi không tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học. Nên tôi lựa chọn một nghề phổ thông khác phù hợp với khả năng.”

Khi trả lời RFA từ thành phố Hồ Chí Minh, một cựu sinh viên đã tốt nghiêp, cho biết hoàn cảnh của mình:

“Sau khi ra trường thì em cũng cố gắng tìm công việc phù hợp với mình. Nhưng vì khả năng, cũng vì số lượng, với vì nền kinh tế nên cũng chưa tìm được việc làm đúng với ngành nghề của mình.”

viec-lam-700.jpg
Ảnh minh họa: Giới trẻ tìm việc làm tại một trung tâm giới thiệu việc làm. AFP.

Trong một diễn biến liên quan, tại chương trình ‘Đưa trường học đến thí sinh năm 2021’ tổ chức ngày 11/4 tại trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên... PGS.TS. Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cam kết nếu sinh viên học ngành Cơ khí kỹ thuật tại trường mà không có việc sau khi tốt nghiệp, trường sẽ trả lại 100% học phí.

Tuy nhiên khi trao đổi với RFA tối 14/4 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện đang giảng dạy ngôn ngữ học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM (ĐHSP), cho rằng không phải cứ học sư phạm là có việc làm:

“Trước đây một số trường đại học như ĐHSP là cứ ngồi chờ đấy, nhà nước sẽ phân công công tác ở một nơi nào đó. Do đó vào ngành sư phạm dù lương thấp nhưng nhiều người cũng muốn vào vì chỗ làm việc chắc chắn. Dần dần người ta không còn làm theo cách đó nữa, tốt nghiệp ĐHSP cũng phải nộp đơn vào một sở giáo dục nào đó. Và sở giáo dục họ tổ chức một kỳ thi, tôi chưa nói họ tổ chức kỳ thi đó tốt hay không, có chạy chọt hay không... nếu đậu thì tùy nhu cầu của trường, sở sẽ phân công về trường đó. Như thế cũng có nghĩa là không phải cứ tốt nghiệp trường ĐHSP là có việc làm.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, Tốt nghiệp ĐHSP không có ưu thế gì, cũng giống các trường khác, cũng phải xin việc, người ta thấy được thì người ta chọn. Vì vậy, cách tiếp nhận thầy cô giáo để đi dạy như hiện nay là khác xa so với ngày xưa. Và dĩ nhiên nếu ngày xưa tốt nghiệp ĐHSP là không thể thất nghiệp, thì ngày nay có một tỷ lệ thất nghiệp nhất định.

Sở giáo dục họ tổ chức một kỳ thi, tôi chưa nói họ tổ chức kỳ thi đó tốt hay không, có chạy chọt hay không... nếu đậu thì tùy nhu cầu của trường, sở sẽ phân công về trường đó. Như thế cũng có nghĩa là không phải cứ tốt nghiệp trường ĐHSP là có việc làm.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng

Một sinh viên vừa tốt nghiêp ngành sư phạm, hiện đang làm thêm tại Sài Gòn, khi trả lời RFA cho biết dự định của mình:

“Em sẽ đi làm ở ngoài khoảng một năm, rồi sau đó nếu được về trường thì em sẽ về dưới quê. Nếu được nhận vào một trường cấp hai thì em sẽ làm. Bây giờ trong xã hội phải có người quen, mới được vào trong các trường đó, đó cũng là một cản trở lớn đối với em.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm. Thứ nhất theo ông là nguyên nhân khách quan, do không có sự phát triển kinh tế chuyên biệt để có công ăn việc làm phong phú cho kỹ sư ra trường. Trừ một vài ngành như tin học thì sẽ dễ kiếm việc làm. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói về nguyên nhân chủ quan:

“Thứ hai là lý do về chủ quan, ở Việt Nam hiện nay muốn có công việc làm ổn định làm cho nhà nước như giảng dạy, thì tôi nghe các bạn nói muốn kiếm một chân giảng dạy trong một trường trung học là rất khó bởi vì có chính sách có thể nói là con ông cháu cha. Tức những người không có trình độ cao thì lại dễ dàng có công việc, trong khi những người có trình độ cao lại rất khó khăn để có công ăn việc làm. Muốn có việc làm ổn định thì phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Cho nên là vấn đề tham nhũng trong phân bổ chức năng công việc đã có những tha hóa trầm trọng.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, do các trường đại học ở Việt Nam trong những năm gần đây lại được mở ra khá thoải mái. Gần như tỉnh nào cũng có một trường đại học, trong khi đó thì chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên không được chỉn chu và không có chất lượng. Cho nên những sinh viên ra trường sau bốn năm đại học rất đông đảo nhưng lại không đáp ứng được chất lượng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Lão nông dân
14/04/2021 21:21

Các cháu mài mòn đủng quần để lấy những ba bằng đại học mà vẫn hoài công,để lão gia hiến kế như vậy nè:ráng phấn đấu vô đảng,xong mua mấy cái quần bò đầu gối thật dầy,nhớ cho thật kỹ ngày sinh nhật của xếp ,vợ con xếp,ngày giỗ chạp cha mẹ xếp,cha mẹ vợ xếp,...xong dành dụm chút ít mua mấy cái bằng là coi như con đường trước mặt rộng mở thênh thang...!!!

Anonymous
15/04/2021 02:48

"Nhất hậu duệ
Nhì quan hệ
Ba tiền tệ
Bốn trí tuệ"
Có 3 bằng đại học, muốn có viêc làm trong nền "kinh tế thị trường", thì vẫn phải tuân theo "đinh hướng XHCN" trên.