Đại học: học phí tăng, chất lượng có tăng?
2022.08.17
Khoảng 30 trường đại học tại Việt Nam thông báo tăng học phí từ năm học 2022-2023. Câu hỏi được các chuyên gia giáo dục đặt ra là với mức học phí tăng như vậy thì chất lượng đào tạo có tăng lên tương xứng hay không?
Tính đến cuối tháng 7 năm 2022, gần 30 trường đại học công lập trong cả nước thông báo tăng học phí khá cao cho năm học tới. Trong đó, trường Đại học Luật TP.HCM được cho là trường có mức học phí cao nhất với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh lên tới hàng trăm triệu đồng một năm.
Năm 2021, Bộ Giáo dục-Đào tạo có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Tuy nhiên, năm học 2022-2023, học phí các trường đại học tự chủ đồng loạt tăng mạnh dựa vào nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo nghị định này, học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm, tăng trung bình 10,75 triệu đồng so với năm học trước.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, khi các trường đại học công lập tự chủ tăng học phí thì cơ hội được đến trường của các sinh viên nghèo sẽ giảm. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Câu hỏi được các chuyên gia trong ngành giáo dục đặt ra là, mức học phí tăng có kéo theo chất lượng đào tạo tăng không, khi trình độ và kiến thức giảng viên vẫn như cũ?
Tăng học phí không làm cho chất lượng đào tạo tăng lên, thậm chí còn tác dụng ngược, tức là người ta phải tốn nhiều hơn rồi ra trường vẫn không có việc làm, hoặc làm những việc không đúng ngành nghề. Tôi cho rằng đấy là câu hỏi lớn nhất cho hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam. - GS. Đặng Hùng Võ
GS. Đặng Hùng Võ nhận định với RFA sáng 17/8/2022:
“Câu chuyện tăng học phí với câu chuyện đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng như bảo đảm chất lượng của hệ thống giáo dục đào tạo có lẽ chúng ta phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Tôi chỉ lấy một ví dụ như thời thuộc Pháp chẳng hạn, Việt Nam có hệ thống trường công hoàn toàn không phải đóng học phí. Nhà nước đảm bảo ngân sách rất là đầy đủ. Bên cạnh đấy có rất nhiều trường tư. Mức học phí trường tư do họ tự quyết định tương xứng với chất lượng đào tạo của họ. Người học có thể cân nhắc chọn lựa. Tôi cho rằng, việc các đại học tăng học phí đồng loạt nó có cái gì đấy chưa theo kịp triết lý xây dựng hệ thống giáo dục đúng nghĩa.
Việt Nam đang rơi vào một tình trạng là mức học phí không tương xứng với chất lượng. Không giải quyết được vấn đề cơ bản là thị trường đang cần, thậm chí rất cần một nguồn nhân lực chất lượng cao mà hệ thống giáo dục Việt Nam không đáp ứng được. Việc tăng học phí không gắn với giáo dục đào tạo, bởi vì bản thân các cơ sở đào tạo với những giảng viên vẫn theo triết lý đào tạo là chỉ giảng dạy suông mà không kích thích được tính sáng tạo của sinh viên.
Tăng học phí không làm cho chất lượng đào tạo tăng lên, thậm chí còn tác dụng ngược, tức là người ta phải tốn nhiều hơn rồi ra trường vẫn không có việc làm, hoặc làm những việc không đúng ngành nghề. Tôi cho rằng đấy là câu hỏi lớn nhất cho hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam.”
Tại buổi tọa đàm khoa học “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra hồi tháng 4 năm 2021, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu: “Có những ba bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là một hiện thực của Việt Nam”.
Sinh viên ra trường không có việc làm hay đi làm trái ngành do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường là điều có thật xảy ra từ nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từ năm 2017, có 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.
Truyền thông Nhà nước dẫn lời PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng về hiện tượng này rằng: “Năng lực các trường vẫn còn yếu, chúng ta mở trường rất ồ ạt nhưng chất lượng nhiều trường kém. Chính bản thân chất lượng sinh viên nguồn đầu vào ngày càng yếu thì đầu ra không tốt”.
Theo thông báo của trường Đại học Luật TP HCM, học phí áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 thấp nhất cho hệ đại trà là 151 triệu đồng, dành cho các ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh. Học phí hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng/khóa. Hệ chất lượng cao ngành quản trị - luật có học phí một khóa là 358,2 triệu đồng. Học phí cao nhất thuộc hệ chất lượng cao ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 765,9 triệu đồng/khóa.
Nhà giáo Đinh Kim Phúc cho rằng, tuy mức học phí các trường đại học ở Việt Nam không cao so với các trường trong khu vực, nhưng việc tăng học phí hàng loạt có nhiều điều cần nói:
“Việc học phí đại học tăng là chuyện “đến hẹn lại lên”. Điều này thứ nhất tạo gánh nặng cho xã hội, cho người học và cho gia đình của người học. Thứ hai, học phí mỗi năm tăng từ 10 cho đến 20 % thì chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo và phương tiện giảng dạy của các trường có tăng hay không? Trình độ ngoại ngữ của một giảng viên đại học theo quy định có đủ để nghiên cứu các tài liệu nước ngoài nhằm bổ sung cho bài giảng của mình hay không?
Tôi muốn nhấn mạnh, học phí tăng thì chất lượng đào tạo các trường đại học có tăng hay không? Đừng nhìn vào những con số mà họ nói là 80%, 90% thậm chí 100% sinh viên ra trường có việc làm. Có những trường 100 % sinh viên ra trường có việc làm nhưng làm cho tập đoàn Grab toàn cầu!”
Ông Đinh Kim Phúc khẳng định:
“Tôi ở môi trường đại học 35 năm tôi biết, nếu căn theo tiêu chuẩn giảng viên đại học do Việt Nam quy định, chưa nói tới các nước trong khu vực các nước Đông Nam Á, thì phải sa thải 50% giảng viên. Nói như vậy để thấy chất lượng đào tạo đại học Việt Nam như thế nào. Không ai chấp nhận một giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư mà không sử dụng thông thạo một ngoại ngữ để hội thảo, để đọc tài liệu, để nghiên cứu…”
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, nguồn thu từ các trường đại học chủ yếu là nguồn học phí. Nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường đại học tăng học phí, trong số này nhiều trường tăng kịch trần.
Tôi ở môi trường đại học 35 năm tôi biết, nếu căn theo tiêu chuẩn giảng viên đại học do Việt Nam quy định, chưa nói tới các nước trong khu vực các nước Đông Nam Á, thì phải cho nghỉ việc 50% giảng viên. - Ông Đinh Kim Phúc
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 4 tháng 7 năm 2022, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023, trong đó điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí.
Theo đó, đối với giáo dục đại học công lập: lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.