Những bất hợp lý trong ngân sách giáo dục Việt Nam

Diễm Thi, RFA
2019.12.02
2018-09-05T074251Z_73713633_RC19939DEDE0_RTRMADP_3_VIETNAM-EDUCATION Học sinh trường trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm ở Hà Nội tham dự lễ khai giảng hôm 5 tháng 9 năm 2018.
Reuters

Những dự án tiền tỷ

Từ nhiều năm qua, rất nhiều những dự án trong ngành giáo dục với kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả mang lại rất nhỏ, thậm chí phá sản, ‘tiền mất, tật mang’ khiến dư luận xã hội lên tiếng, nhưng rồi đâu lại vào đó.

Một trong những vụ đang gây xôn xao trong công luận, là khoản tiền 16 triệu USD được chi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa mới. Đến nay bộ sách không thể ra đời và 16 triệu USD cũng chưa có lời giải thích hợp lý với người dân.

Đây là một phần trong Dự án Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8 tháng 8 năm 2016 và kết thúc vào năm 2020 với kinh phí khoảng 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Khoản tiền 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Đến tháng 5 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo không thực hiện được việc này, do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông cho báo chí trong nước biết, số tiền trên được dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, biên tập, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa. Ngoài ra, có một phần kinh phí làm sách giáo khoa song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, sách chữ nổi Braile phục vụ cho học sinh khiếm thị.

Phải có một cuộc tuyển chọn xem ai đưa ra được những chủ trương, những chính sách hợp lý nhất, khả thi nhất thì người ấy mới được lựa chọn. Đây là lựa chọn theo lý lịch, và theo tôi thì ai muốn làm bộ trưởng phải là người dễ sai, dễ bảo. - Ông Nguyễn Khắc Mai

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM gần 10 năm lên tiếng với RFA về việc này:

“Vụ sách giáo khoa với kinh phí 16 triệu đô la thì thật sự là số tiền lớn, nhưng nếu làm cho ra hồn thì cũng đáng. Tuy nhiên cho phép tôi nhắc lại, số tiền 16 triệu đô la này không thấm vào đâu so với những số tiền mất mát từ trước tới giờ.

Số tiền khủng khiếp nhất tôi xin được nhắc lại là vào năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra một dự án thay đổi sách giáo khoa với ngân quỹ đề nghị là 70.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Nếu số tiền này để lo cho giáo dục thì sẽ làm được rất nhiều chuyện.”

Sau khi xã hội lên tiếng mạnh mẽ thì họ giảm xuống còn khoảng 35.000 tỷ đồng (1 tỷ rưỡi đô la). Đến hôm nay tôi không biết dự án này đi về đâu.”

Ông cũng nói thêm rằng chuyện đầu tư, sử dụng ngân quỹ bất hợp lý không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã kéo dài gần 20 năm nay rồi và ngày càng nặng.

Một dự án với kinh phí “khủng” với mục tiêu được cho là “hoang tưởng”, đó là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được Thủ tướng Chính phủ (lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng) phê duyệt vào tháng 9 năm 2008 với kinh phí 9.300 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) với mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Đến tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mục tiêu của đề án thiếu thực tế và đến năm 2020 chưa thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong đề án này dù lúc đó đã tiêu tốn hết 5.400 tỷ đồng, tức hơn một nửa kinh phí.

Để xảy ra những bê bối trong ngành giáo dục thì trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu bộ này. Muốn thay đổi thì phải thay vị này nhưng ở Việt Nam thì đây lại là một vấn nạn nữa. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận xét:

“Với tình trạng như hiện nay, một dự án kinh tế phải đấu thầu lên đấu thầu xuống mà phải lựa chọn vị bộ trưởng để quản lý ngành giáo dục thì chả có ‘đấu thầu’ gì cả. Phải có một cuộc tuyển chọn xem ai đưa ra được những chủ trương, những chính sách hợp lý nhất, khả thi nhất thì người ấy mới được lựa chọn. Đây là lựa chọn theo lý lịch, và theo tôi thì ai muốn làm bộ trưởng phải là người dễ sai, dễ bảo.”

Chi tiêu không hợp lý

Một điều dễ nhận thấy trong các dự án tiền tỷ của ngành giáo dục là phân bổ ngân sách không hợp lý. Một dự án ước tính đến 70.000 tỷ đồng vào năm 2011 rút xuống còn khoảng 35.000 tỷ đồng vào năm 2014 cho thấy ngay từ ban đầu đã đưa ra con số bất hợp lý.

Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định về những cái bất hợp lý liên quan đến ngân sách cho giáo dục mà ông cho là sai lầm chứ không phải khuyết điểm:

“Vấn đề kinh phí cho giáo dục có hai cái bất hợp lý: Thứ nhất là kinh phí cho giáo dục thấp so với thế giới cũng như so với hoàn cảnh, nhu cầu cần thiết của Việt Nam. Lương giáo viên rất thấp, kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng rất thấp. Đấy là một nghịch lý và là một sai lầm chứ không phải là khuyết điểm; Thứ hai là cách sử dụng kinh phí được cấp. Sử dụng không hợp lý, lãng phí. Có thể nói là hiệu quả rất thấp. Điều này ai cũng thấy.

Có những phòng thí nghiệm bỏ không, không sử dụng vì không có năng lực đi kèm để sử dụng. Chương trình thì nói một đằng dạy một nẻo, đào tạo thầy giáo một nẻo khác.”

Quốc Hội cũng từng báo cáo một dự án đầu tư thiết bị cho các trường học ở Việt Nam trong 5 năm, từ 2002 đến 2007 là 1 tỷ đô la...Nếu vẫn tiếp tục thì đừng nói chuyện cải tổ gì hết. Chúng ta sẽ mãi mãi gặp vấn đề về giáo dục! - GS. Phạm Minh Hoàng

Ông Nguyễn Khắc Mai phân tích thêm rằng có những dự án nếu để các nhà chuyên môn thực hiện thì có khi giá lại rất thấp, rất rẻ. Nhưng để có được những dự án như thế thì lại không dễ dàng chút nào. Đó là thực trạng trong việc quản lý của chính phủ và ngành giáo dục hiện nay.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói thêm về cách chi tiêu không hợp lý, lãng phí, thất thoát và không hiệu quả mà ông từng biết:

“Quốc Hội cũng từng báo cáo một dự án đầu tư thiết bị cho các trường học ở Việt Nam trong 5 năm, từ 2002 đến 2007 là 1 tỷ đô la. Bản thân tôi lúc còn dạy tôi thấy cách xài tiền hoang phí dĩ nhiên ở tầm mức khác. Các thầy cô tôi tạm gọi là đồng lõa với nhau rút kinh phí của Nhà nước bằng cách tạo ra những dự án chả đi vào đâu cả. Tôi biết những dự án đó chỉ “để chơi”, như những đề tài nghiên cứu khoa học chỉ có 6 tháng thì nghiên cứu cái gì?”

Theo vị giáo sư này, đây là một bức xúc không chỉ với những người trong ngành giáo dục mà nó là bức xúc của toàn xã hội, vì đây là tiền thuế của dân mà chi tiêu quá hoang phí. Ông kết luận:

“Nếu vẫn tiếp tục thì đừng nói chuyện cải tổ gì hết. Chúng ta sẽ mãi mãi gặp vấn đề về giáo dục!”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.