Những quy định “làm khó” ngư dân

Trung Khang, RFA
2019.07.30
danhbat01.jpg Tàu cá của ngư dân Việt Nam.
RFA photo

Những ngày qua, hàng ngàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam không thể ra khơi vì vướng mắc quy định tàu dài dưới 15m không thể đánh xa bờ. Chủ tàu than lỗ, còn ngư dân thì mất việc.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam ra các qui định, văn bản mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Lần này, mặc dù sự ảnh hưởng của nó không “to tát” như kìm hãm sự bứt phá của nền kinh tế mà là làm khổ hàng ngàn ngư dân, những người chỉ biết kiếm sống bằng nghề bám mặt với biển…

“Hành” dân là chính

Quy định tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý, được thực hiện theo quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 và Công văn số 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25 tháng 3 năm 2019.

Họ quy định như vậy không những hành dân mà còn phản tác dụng với quyền lợi của đất nước. Trong khi nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ để vừa bảo vệ nguồn tài nguyên gần bờ, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.
-Nguyễn Văn Tạo

Trong đó, có nội dung tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán, thay đổi kích thước tàu cá từ dưới 15 m thành tàu cá từ 15 m trở lên; thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đối với tất cả các nghề… cho đến khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các địa phương.

Nhà báo Võ Văn Tạo, từng công tác trong ngành hàng hải, hiện sinh sống tại Nha Trang – một trong những trung tâm đánh bắt thủy sản có tiếng của cả nước, nhận định với RFA hôm 30/7/2019:

“Tôi cũng gặp nhiều ngư dân rồi, tôi cho rằng quy định (tàu dưới 15m không đánh bắt xa bờ - pv) là bất hợp lý. Thứ nhất là quy định này máy móc, không thực tế với đời sống bà con ngư dân, ví dụ chiều dài chỉ chênh nhau 1dm thì một con tàu được đánh bắt xa bờ, còn một con tàu thì không. Tôi cho rằng họ quy định như vậy không những hành dân mà còn phản tác dụng với quyền lợi của đất nước. Trong khi nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ để vừa bảo vệ nguồn tài nguyên gần bờ, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.”

Tuy nhiên theo nhà báo Minh Hải, chuyện tàu dài hơn 15m mới được đánh bắt xa bờ, nếu nhìn về mặt an toàn thì không phải là gây khó dễ, vì thật sự tàu 15m là quá ngắn, sóng gió trên biển ở Việt Nam thì ai cũng biết là khắc nghiệt. Ông cho rằng, không thể nói là đúng hay sai, nhưng thật sự phải quy định rõ ràng như thế nào là xa bờ.

Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019.
RFA

Trả lời báo chí trong nước, một ngư dân cho biết, đang giữa mùa khai thác cá ngừ đại dương nhưng gia đình ông và nhiều ngư dân khác ở Phú Yên rất … thảnh thơi vì quy định mới này. Ông cho biết hơn 1 tháng nay, tàu cá của gia đình ông không đi khai thác mà nằm bờ chờ quy định mới, mặc dù rất lo lắng về vấn đề hạn ngạch.

Vị chủ tàu cho biết, lâu nay tàu nhà ông hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, với tàu dài dưới 15m, ông cùng 10 ngư dân cùng đánh bắt, nhưng giờ nếu đánh bắt ven bờ, tàu chỉ cần 3 đến 4 người, nguồn cá lại khan hiếm, các anh em sẽ bị thiếu việc, thiếu ăn… Chỉ riêng địa phương ông đã có 145 tàu cá nằm bờ vì quy định này.

Trả lời RFA hôm 30/7/2019 liên quan vấn đề này Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết như sau:

“Đây không phải là gây khó, mà là chưa chuẩn bị kịp thời, chưa giải quyết được bất cập. Trước đây chưa có luật mới, luật thủy sản 2003 quy định theo mã lực của tàu, từ 90cv trở lên được đánh bắt xa bờ, lúc đó không quy định theo tải trọng, tức chiều dài tính bằng mét. Đến khi chuyển sang luật mới thì chưa kịp chuyển tiếp, có rất nhiều tàu dưới 15m nhưng đã 3 hay 4 trăm mã lực, tại vì nó tùy thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, khí đó tàu 14m nhưng nhiều mã lực thì ra xa bờ bình thường. Bây giờ quy định tiến bộ hơn là theo tải trọng, chiều dài dưới 15m thì không được ra khơi, thì sẽ có mấy ngàn chiết tàu mã lực lớn, đủ đi xa nhưng chiều dài không đủ. Đây là tồn tại rất là khó cho bà con ngư dân.”

Luật không bám thực tế

Luật thủy sản năm 2003 quy định, tàu có tổng công suất máy chính từ 90cv trở lên được khai thác thủy sản tại vùng khơi xa bờ. Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, thì lại chuyển tiêu chí từ công suất sang chiều dài của tàu, theo đó tàu cá phải bảo đảm dài 15 m trở lên mới được đánh bắt xa bờ. Nhiều người cho rằng, với khung thời gian hai năm là quá ít để ngư dân có thể chuyển đổi, xoay xở; chưa kể phải đầu tư để cải hoán tàu theo đúng tiêu chuẩn.

Để tìm hiểu thêm, hôm 30/7, phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật Gia thành phố Hồ Chí Minh, và được ông cho biết:

“Quy định này thì đúng luật pháp, chỉ cần mình linh hoạt cho ngư dân, vì có rất nhiều tàu dưới 15m, nhưng theo quy định mới thì tàu phải dài 15m trở lên thì mới khai thác đánh bắt xa bờ được, vì lý do khí hậu thời tiết gì đó quy định như vậy. Nhưng bây giờ, số lượng tàu dài dưới 15m rất đông thì cần phải có một thời gian, tạo điều kiện ngư dân để cải hoán, chứ bây giờ bắt làm liền thì cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người khai thác thủy sản, nếu họ phải làm theo đúng quy định của chính phủ.”

Theo Luật sư Hậu, phải có hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi của ngư dân, nhưng vẫn đảm bảo pháp luật và an ninh quốc phòng trên biển. Ông cho rằng, Tổng cục Thủy sản phải tổng hợp số tàu bị vướng giấy phép khai thác này, để làm sao đảm bảo công ăn việc làm cho ngư dân và thực thi pháp luật nghiêm túc.

Ở Việt Nam không có quy định gì đúng hết, ví dụ như chuyện tàu SB trước đây (tàu đường thủy nội địa), thì có mui che mới được ra ngoài biển, nhưng là không quy định rõ giữa đảo và bờ xa bao nhiêu là đường thủy nội địa. Những cái bất hợp lý bây giờ ở Việt Nam rất nhiều.
-Nhà báo Minh Hải

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết thêm:

“Hiện nay Hội Nghề Cá cũng đã kiến nghị với Chính phủ cho cải hoán một số tàu đủ mã lực để điều chỉnh lại chiều dài. Hoặc là có giai đoạn nhất định phù hợp với nghề, phù hợp môi trường, thì 14,5m hay 14m cũng cho đánh bắt có thời hạn, để ngư dân sắp xếp lại chuyển đổi. Thực tế đây là luật mới, quản lý theo một số thông lệ quốc tế là theo tải trọng, chứ không phải luật gây khó khăn cho bà con ngư dân mà do chưa đủ thời gian để chuyển đổi.”

Đây không phải là lần đầu tiên có những quy định được cho là vội vã, không chuẩn bị kỹ, gây lãng phí và khó khăn cho những người hành nghề trên biển. Trước đây, chính quyền Việt Nam từng đưa ra quy định liên quan tàu đường thủy nội địa SB (sông pha biển), theo quy định này tàu SB có mui che mới được ra biển.

Liên quan vấn đề này, Nhà báo Minh Hải nhận định:

“Ở Việt Nam không có quy định gì đúng hết, ví dụ như chuyện tàu SB trước đây (tàu đường thủy nội địa), thì có mui che mới được ra ngoài biển, nhưng là không quy định rõ giữa đảo và bờ xa bao nhiêu là đường thủy nội địa. Những cái bất hợp lý bây giờ ở Việt Nam rất nhiều.”

Theo Nhà báo Minh Hải, các nơi có đảo như Đà Nẵng, Quảng Nam, hay từ Hội An đi Cù lao Chàm, Quảng Ngãi đi Lý Sơn, thì chính phủ bắt đóng tàu SB có mui che, nhưng cơ quan chức năng đã không hiểu gió biển mà có mui che thì nguy hiểm như thế nào? Trong khi để mui trần thì độ an toàn cao hơn.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ một thời gian sau đó, chính phủ lại có quy định, các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên biển, phải đóng tàu mới thì mới được phép kinh doanh. Nhà báo Minh Hải nói tiếp:

“Đơn cử trường hợp Cù Lao Chàm, bắt thay 150 tàu cao tốc SB mới được kinh doanh. Quy định này làm người ta phải bán rẻ bán tháo, đóng hơn cả tỷ mà bán 100 triệu không ai mua. Quy định về tàu SB là một quy định lãng phí, không hợp lý và gây nguy hiểm.”

Mặc dù chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác hải sản xa bờ như hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản, hỗ trợ 100% kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên… với kinh phí được nói là lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng khi những hỗ trợ này chưa đến được tay ngư dân, thì lại có những quy định “làm khó” ngư dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.