Gia đình bà Bùi Hằng kêu cứu
2012.01.10
Sức khỏe kém
Một đơn kêu cứu gửi Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và Chữ Thập Đỏ Quốc tế do Bùi Trung Nhân, con trai bà Bùi thị Minh Hằng ký tên được đưa lên mạng Internet trong ngày 10 tháng giêng vừa qua.
Nội dung đơn kêu cứu trình bày lại trình tự sự việc xảy ra đối với bản thân bà Bùi Thị Minh Hằng từ ngày bị bắt hồi 27 tháng 11 năm ngoái, rồi biệt tích và sau đó gia đình được tin bà đang bị giam giữ tại Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc. Người viết đơn cho biết những lần được thăm gặp và tình trạng sức khỏe của bà Bùi Thị Minh Hằng trong lần gặp gần nhất là ngày 7 tháng giêng vừa qua.
Vào tối ngày 10 tháng 1, con trai của bà Hằng là anh Bùi Trung Nhân cho Đài Á Châu Tự Do biết lý do phải viết đơn kêu cứu đến Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế giúp cho người mẹ đang bị giam giữ như sau:
“Bản thân tôi còn nhỏ mới 18 tuổi, kiến thức về luật pháp và xã hội có hạn nên trước mắt phải kêu cứu đến một nơi cụ thể, vì sức khỏe của Mẹ là hàng đầu.”
Cũng như trình bày trong đơn kêu cứu, con trai bà Bùi thị Minh Hằng cho biết tình trạng sức khỏe của bà mẹ qua lần thăm gặp vừa nêu:
“Bà bị bệnh ngoài da như hắc lào, nổi ban; rồi còn bị những chứng bệnh như thấp khớp, sạn thận. Sức khỏe của bà dạo này rất kém, tay tím tái. Tôi được biết họ có cho mẹ uống thuốc và một lần chích thuốc. Bà có nêu ra vấn đề tên thuốc, tác dụng nhưng họ không cho biết nên đến nay mẹ đã ngưng sử dụng thuốc của Cơ sở Giáo dục.
Còn về việc tuyệt thực thì khi bị bắt vào trại mẹ có tuyệt thực 15 ngày để phản đối việc bắt giữ trái phép. Sau lần đó cho đến bây giờ bà không tuyệt thực nữa nhưng bà không ăn thức ăn của Cơ sở Giáo dục Thanh Hà mà chỉ ăn thức ăn do gia đình gửi lên mà thôi.”
Bà bị bệnh ngoài da như hắc lào, nổi ban; rồi còn bị những chứng bệnh như thấp khớp, sạn thận. Sức khỏe của bà dạo này rất kém, tay tím tái. Tôi được biết họ có cho mẹ uống thuốc và một lần chích thuốc.
Anh Bùi Trung Nhân
Vừa qua, bà Bùi thị Minh Hằng có giấy ủy quyền cho luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội giúp bảo vệ cho bà về mặt pháp lý. Tuy nhiên theo luật sư này thì đến lúc nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do tối ngày 10 tháng giêng, ông vẫn chưa được phép gặp thân chủ tại Cơ sở giáo dục:
“Tôi chưa được cho gặp. Tôi gửi văn bản đến Tổng Cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư Pháp. Đây là đơn vị chủ quản của Cơ sở giáo dục Thanh Hà. Một lần tôi mang đến tận nơi và một lần gửi qua đường bưu điện nhưng chẳng có hồi âm.
Tôi cứ chiếu theo Hiến Pháp, luật pháp của Việt Nam và Công ước Quốc tế trong vụ việc này, nhưng chưa thấy chuyển biến gì cụ thể.”
Lý do bị bắt
Trong những cuộc biểu tình diễn ra vào các chủ nhật trong tháng sáu, tháng bảy cho đến chủ nhật 21 tháng 8 năm ngoái, bà Bùi thị Minh Hằng là một thành viên tham gia, ngoài ra còn có nhiều người khác nữa cùng quan điểm không đồng ý với việc Trung Quốc gây hấn cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam tại khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
Một trong những người đó là bà Phương Bích. Trước việc bà Bùi thị Minh Hằng bị đưa vào cơ sở giáo dục, bà Phương Bích cho biết ý kiến cũng như hoạt động để giúp bảo vệ những quyền lợi hợp pháp cho bà Bùi thị Minh Hằng:
“Chúng tôi rất phẫn nộ. Ngoài việc đấu tranh bằng con đường pháp lý, vừa rồi bạn bè và nhân sĩ trí thức có gửi thư cho ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chúng tôi nghĩ với sự lên tiếng của trong nước và tuyền thông nước ngoài thì Việt Nam phải trả lời sự việc đó. Ngoài hai con đường đó và đến thăm chị Hằng, chúng tôi chỉ biết bày tỏ suy nghĩ của mình. Tôi từng viết trong blog, cho rằng việc bắt giữ chị Hằng chẳng hạn là sự trả thù của chính quyền. Nếu chính quyền thấy không đúng như thế thì hãy chứng minh cho chúng tôi thấy. Chúng tôi là người dân, chúng tôi có quyền nói lên suy nghĩ của mình; còn phía chính quyền phải chứng minh cho chúng tôi thấy việc làm của họ là hợp pháp. Họ không đứng ra đối thoại nên cũng không biết làm thế nào cả.
Nếu bắt với lý do ‘gây rối trật tự’ thì phải bắt nhiều người chứ không phải bắt một mình chị Hằng. Việc chị Hằng có mặt ở Hồ Gươm và làm gì, mọi người đều hiểu cả. Chúng tôi muốn nói nếu đứng ra đối thoại họ phải đưa ra bằng chứng hành vi gây rối của chị Hằng là gì? Nếu như thế chúng tôi cũng là những người ‘gây rối’, kể cả những nhân sĩ trí thức cũng là những ‘người gây rối’.
Họ kết tội như thế có đúng không? Bản thân họ biết thừa họ không thể đưa ra bằng chứng; tôi không hiểu họ có thể im lặng được bao lâu. Ngay cả chuyện anh Điếu Cày chúng tôi có ký vào văn bản yêu cầu trả tự do nhưng họ vẫn im lặng. Việc bắt anh Điều Cày và chị Hằng như thế không phải là chuyện tự do mà là vấn đề sinh mạng nữa.”
Xin được nhắc lại, bà Bùi thị Minh Hằng bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh hồi ngày 27 tháng 12 vừa qua khi đang cùng một vài người khác đưa ra khẩu hiệu ‘Phản đối việc bắt giữ người yêu nước’.
Nếu bắt với lý do ‘gây rối trật tự’ thì phải bắt nhiều người chứ không phải bắt một mình chị Hằng. Chúng tôi muốn nói nếu đứng ra đối thoại họ phải đưa ra bằng chứng hành vi gây rối của chị Hằng là gì?
Bà Phương Bích
Hồi ngày 6 tháng 1 vừa qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, trả lời câu hỏi của báo giới về quyết định bắt giữ bà Hằng, thì ông này cho rằng bà Hằng không bị bắt vì vấn đề chính kiến, ở Việt Nam không có ai bị bắt giữ vì bất đồng chính kiến.
Vào ngày 5 tháng 1, Đại sứ quán Hoa Kỳ ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin nói bà Bùi Thị Minh Hằng bị kết án không qua xét xử đến hai năm giam giữ tại một cơ sở giáo dục do tham gia vào hoạt động biểu tình ôn hòa.
Trong khi các tổ chức theo dõi nhân quyền, cũng như phía Hoa Kỳ cho rằng việc bắt giữ bà Bùi Thị Minh Hằng là vi phạm công ước về các quyền dân sự chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết; chính quyền Việt Nam cho rằng bà Hằng bị đưa vào cơ sở giáo dục về tội gây rối trật tự.
Theo dòng thời sự:
- Bày tỏ chính kiến và vi phạm pháp luật
- Việt Nam tuần qua
- Chống Trung Quốc bị đưa đi Phục Hồi Nhân Phẩm?
- Khi những người yêu nước bị biến thành tội phạm
- Những vụ xử các nhà bất đồng chính kiến trong năm 2011
- TT Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi ban hành luật biểu tình
- Khi niềm tin bị khủng bố
- Bị công an bắt vì mặc áo No U?
- “Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính”có vi hiến?