Hoa Kỳ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ và tác động đến quan hệ Việt-Mỹ
2020.11.06
Chính quyền Hoa Kỳ vào đầu tháng 10 tuyên bố tiến hành điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ, theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Mới đây, ngày 4 tháng 11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp đặt thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam, viện dẫn tiền đồng của Việt Nam ‘bị định giá thấp.’
Giang Nguyễn có cuộc nói chuyện với ông Gregory Poling, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington DC để tìm hiểu thêm về diễn tiến mới nhất này và tác động đến quan hệ chiến lược Việt-Mỹ.
Giang Nguyễn: Chúng ta biết rằng Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc điều tra theo Mục 301 (của Đạo luật Thương Mại 1974) cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Tổng thống Trump đã nhiều lần lên án Việt Nam vì những hành vi này. Và mới hôm thứ Tư, Bộ Thương mại đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam. Năm 2019, giá trị của hàng nhập khẩu này đạt gần 470 triệu đô la. Ông đánh giá như thế nào về hành động mới nhất này?
Gregory Poling: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy rõ ràng chính quyền (Hoa Kỳ) sẽ không lùi bước. Thuế quan mà Bộ Thương mại áp đặt mới đây chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu lốp xe tải nhẹ và xe hơi. Nhưng USTR, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, vẫn còn cuộc điều tra 301 lớn hơn và nó có thể có nhiều tác động đối với mọi sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
"Một điểm đáng chú ý ở đây là Việt Nam đã rất lo lắng về mối quan hệ thương mại kể từ khi chính quyền Trump lên nắm quyền. Họ đã bị chỉ trích nhiều về khoản thâm hụt. Nhưng trong 6 tháng qua họ thực sự nghĩ rằng họ đã giải quyết được vấn đề này". -Gregory Poling
Giang Nguyễn: Chúng ta có thể mong đợi gì từ cuộc điều tra này? Mục 301 cũng là luật thương" mại đã được sử dụng đối với Trung Quốc để áp đặt mức thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và có thể nói là điều đó đã khởi đầu chiến tranh thương mại. Liệu điều này có thể xảy ra với Việt Nam?
Gregory Poling: Tôi nghĩ rằng Nhà Trắng đang chỉ đạo USTR và Bộ Ngân khố tìm kiếm một thắng lợi. Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc rõ ràng không phải là một thắng lợi cho chính quyền (Hoa Kỳ). Liệu cuộc điều tra thao túng tiền tệ có hậu quả tiêu cực hay không thì không ai biết được. Có một số người có thể lý luận rằng điều Hoa Kỳ đang làm là gửi một thông điệp đến những nước bị cho là thao túng tiền tệ khác. Tất cả điều này thực sự rất khó đoán bởi vì toàn bộ quá trình này diễn ra rất một cách rất lộn xộn và không có tính toán, và không ai có thể thực sự hiểu được có lý do chiến lược nào hay không.
Giang Nguyễn: Ông có thể giải thích thêm? Vậy đây có phải là một hành vi chính trị? Hay là có những mục tiêu kinh tế thực sự mà Mỹ đang theo đuổi?
Gregory Poling: Điểm mấu chốt là chính quyền (Mỹ) không thích thâm hụt thương mại. Thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã gia tăng dưới thời chính quyền Trump, một phần cũng vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, ngành sản xuất đã rời bỏ Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Trong suy nghĩ của Nhà Trắng, thâm hụt thương mại là điều xấu, bất kể các nhà kinh tế có thể nói gì. Và đây là một cách để họ cố gắng giải quyết vấn đề. Bây giờ đã có một mức thuế hạn chế đã được áp dụng cho lốp xe hơi. Liệu các mức thuế này sẽ được mở rộng hay đây chỉ là một hành động có tính cách biểu trưng, thì còn quá sớm để khẳng định.
Một điểm đáng chú ý ở đây là Việt Nam đã rất lo lắng về mối quan hệ thương mại kể từ khi chính quyền Trump lên nắm quyền. Họ đã bị chỉ trích nhiều về khoản thâm hụt. Nhưng trong 6 tháng qua họ thực sự nghĩ rằng họ đã giải quyết được vấn đề này. Và đã có những tiến bộ trong mối quan hệ ngoại giao và an ninh, có các chuyến công du quan trọng của các bộ trưởng Hoa Kỳ v.v. Tôi nghĩ hành động này thực sự làm cho Hà Nội ngạc nhiên.
Giang Nguyễn: Trong các lĩnh vực khác, Việt Nam và Mỹ dường như có cùng quan điểm về mặt chiến lược, chẳng hạn như về hành vi lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông, cuộc điều tra này sẽ ảnh hưởng như thế nào trên quan hệ này?
Gregory Poling: Đó là điều chúng ta chắc chắn nên quan tâm. Có hai vấn đề với những thuế quan và rộng hơn là cuộc điều tra 301. Một là những người có kinh nghiệm làm việc tại Bộ Ngân khố và tại USTR không nghĩ rằng cuộc điều tra này có lý về khía cạnh kinh tế.
Và thứ nhì là đặc biệt với mối quan hệ Việt-Mỹ, (Việt Nam) là đối tác mới có của Hoa Kỳ. Hai bên có quan hệ đối tác toàn diện. Việt Nam chia sẻ những lo lắng của Hoa Kỳ về Trung Quốc. Mối quan hệ quốc phòng đã có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Bây giờ Washington lại chọn một cuộc chiến mà các nhà kinh tế của chính họ cho rằng là vô lý? Tất nhiên điều này sẽ khiến các nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải suy ngẫm. Nó làm cho Mỹ có vẻ không ổn định và thiếu tin cậy hơn. Và Việt Nam sẽ có sự chuyển giao quyền lãnh đạo và đại hội Đảng sắp diễn ra vào năm tới. Sẽ có những động lực để các nhà lãnh đạo Việt Nam trả đũa.
Giang Nguyễn: Nói đến sự thay đổi lãnh đạo, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kết thúc cuộc bầu cử ở Mỹ và chúng ta chưa biết ai sẽ là Tổng thống tiếp theo. Nhưng nếu như cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo, điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc điều tra và thuế quan mà chúng tôi đã đề cập trước đó và nói chung về mối quan hệ chiến lược với Việt Nam?
Gregory Poling: Nếu là Biden, thật khó để tưởng tượng rằng điều này sẽ tiếp diễn. Như tôi đã nói, cuộc điều tra 301 dường như không có lý lắm theo tiêu chuẩn của chính USTR đưa ra. Thật khó để tìm ra các nhà kinh tế học nào cho rằng điều này có lý. Toàn bộ tiêu chí thao túng tiền tệ mà Bộ Ngân khố đã sử dụng ở đây đã bị chỉ trích rất nhiều. Vì vậy những quyết định về cơ cấu đã được đưa ra để chống lại thâm hụt bất cứ nơi nào cũng sẽ bị loại bỏ. Cụ thể đối với các mức thuế đã được công bố, tôi nghĩ một chính quyền Biden có lẽ sẽ dỡ bỏ nó. Tuy nhiên về mặt chính sách, họ có thể tận dụng nó để có được một số loại nhượng bộ khác từ Hà Nội, chẳng hạn như về thương mại hoặc về các vấn đề lao động.
Giang Nguyễn: Còn dưới chính quyền Donald Trump thì tất nhiên nó sẽ tiếp tục, có phải vậy không..?
Gregory Poling: Có lẽ là vậy. Có vẻ như có rất ít sự phối hợp giữa kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ và chiến lược. Thực tế là điều này đã làm suy yếu chính sách chính thức của Bộ Ngoại giao hoặc của Bộ Quốc phòng, nhưng hình như điều này đã không được đo lường trong quyết định của USTR hoặc của Bộ Thương mại. Đáng lý Nhà Trắng phải là nơi đảm bảo việc ăn khớp giữa các bộ. Vì vậy, các mức thuế này là thêm một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn trong quy trình ra quyết định về an ninh quốc gia của chính quyền này.
Giang Nguyễn: Vậy cuộc điều tra 301 tra này sẽ diễn ra như thế nào?
Gregory Poling: Bộ Ngân khố đã nhận định rằng Việt Nam đã định giá thấp tiền tệ Việt Nam và đó là lý do cho các việc áp thuế mới đây. Bây giờ Đại diện thương mại Hoa Kỳ phải quyết định xem việc định giá thấp đó dẫn đến thiệt hại không công bằng cho Hoa Kỳ hoặc cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ hay không. Nếu họ kết luận điều đó thì sau đó họ sẽ phải quyết định về cách hành xử, ví dụ qua hành vi trừng phạt, áp nhiều thuế quan hơn. Họ có thể ngồi xuống đàm phán với Việt Nam để giải quyết vấn đề. Tất cả những thứ đó đều là khả thể.
Giang Nguyễn: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Khi nào họ sẽ tới kết luận và rồi những bước tiếp theo là gì?
Gregory Poling: Tôi không nghĩ rằng chúng ta có một mốc thời gian rõ ràng. Theo tôi câu hỏi là liệu cuộc điều tra sẽ tiếp nối hay không nếu nó chưa kết thúc vào tháng Giêng. Và tôi cho rằng dưới một chính quyền Biden, cuộc điều tra có thể sẽ không có kết luận hoặc kết thúc nhanh chóng và họ quyết định rằng không tìm thấy gì cả. Và vẫn còn những mức thuế mà Bộ Thương mại đã áp đặt. Vì vậy, chính quyền mới phải quyết định sẽ làm gì với những mức thuế đó. Như tôi đã nói, họ có thể tận dụng nó như một đòn bẩy chính trị cho một số nhượng bộ khác từ Việt Nam.
Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Greg Poling rất nhiều đã chia sẻ hiểu biết và thời gian của ông dành cho tôi hôm nay.