Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm và thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
2018.05.25
Trong đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa diễn ra hôm 17/5 tại Washington DC, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền Việt Nam và nêu một số trường hợp đặc biệt, yêu cầu phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, và lao động, về đối thoại lần này.
---------------------------------
Scott Busby: đây là đối thoại nhân quyền thứ 22 mà chúng tôi có với Việt Nam, một trong những đối thoại dài nhất so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Trong đối thoại, chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi là thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói với họ như đã nói trước kia rằng nếu không có sự tiến bộ và hợp tác trong vấn đề nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo và quyền của người lao động, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không thể đạt được triển vọng toàn bộ. Chúng tôi có nêu ra một số trường hợp cụ thể. Chúng tôi có chia sẻ với họ danh sách các cá nhân này. Có hai trường hợp đặc biệt mà chúng tôi nhấn mạnh là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay còn được biết là blogger Mẹ Nấm, người đã nhận giải Phụ Nữ Quả Cảm từ Bộ Ngoại giao năm ngoái. Chúng tôi cũng nêu trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và những người cùng cộng tác trong Hội Anh Em Dân Chủ. Họ vừa bị nhận những án tù nặng nề. Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ.
RFA: Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm nhưng phía Việt Nam đã không thực hiện. Những tù nhân lương tâm được trả tự do, trong một số trường hợp là được yêu cầu phải sang Mỹ. Vậy ông có thể cho biết đây có phải là những gì đang xảy ra đối với danh sách các cá nhân phía Mỹ đưa ra không? Phía Việt Nam có hứa hẹn gì?
Scott Busby: Tôi không thể đi vào chi tiết cụ thể những gì mà chúng tôi bàn với phía Việt Nam nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã đàm phán với họ và yêu cầu họ phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm. Không có một lời hứa nào (của Việt Nam) được đưa ra trong đối thoại.
Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ. - Scott Busby
RFA: Trước đối thoại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Ủy Hội tự do tôn giáo quốc tế trước đó cũng có báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt nam trong năm qua so với năm trước đó và khi phía Mỹ đưa ra đánh giá như vậy thì phía Việt Nam nhìn nhận thế nào?
Scott Busby: Chúng tôi cho rằng đã có sự gia tăng bắt bớ và đàn áp đối với những người thực hiện các quyền cơ bản. Chúng tôi đã nêu ra quan ngại về vấn đề này. Chúng tôi cũng nêu quan ngại về những bản án nặng nề mà những người này phải chịu. Phía Việt nam giải thích rằng những người này đã vi phạm luật pháp và đó là lý do họ bị bắt và bỏ tù.
RFA: Các tổ chức nhân quyền quốc tế vừa qua đã có những chỉ trích chính phủ Mỹ hiện nay đã không cứng rắn trong vấn đề nhân quyền với Việt Nam và đó là lý do khiến Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền. Ông có nhận xét gì về điều này.
Scott Busby: Chúng tôi thường xuyên nêu quan ngại của chúng tôi về vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi gần đây có gặp Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Daniel Kristenbrink và ông ấy thừa nhận là vấn đề nhân quyền nằm trong phần lớn các đối thoại giữa ông ấy với phía Việt Nam. Tôi cũng lưu ý là trong thảo luận của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (UN Human Right Council), chúng tôi đã nêu quan ngại về tình trạng đàn áp đối với những người Việt Nam thực hiện các quyền căn bản của họ.
RFA: Hoa Kỳ có những mặc cả nào cụ thể để gây sức ép lên Việt Nam?
Scott Busby: Việt Nam muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Họ có lo ngại về bạn láng giềng phương Bắc như bạn đã biết. Việt Nam muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Chúng tôi nói với họ rằng là nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ thì họ cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
RFA: Mới đây, Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish có gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và nêu quan ngại về luật an ninh mạng mà Việt Nam đang đề xuất. Ông đánh giá luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước?
Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về luật này. Chúng tôi có cùng mối quan ngại như Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish đã nói đến khi ông ấy ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là luật này được viết để hạn chế hơn nữa quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tụ tập, và cũng cản trở sự phát triển và sáng tạo của nền kinh tế số trong nước. Trong suốt đối thoại, chúng tôi cũng thúc giục Việt Nam hoãn lại việc thông qua luật này để có thêm thời gian cho quá trình tư vấn để xem xét những quan ngại của những bên sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này