Kết luận điều tra của Hải quân Mỹ: Tàu USS Connecticut đâm phải "núi" ngầm ở Biển Đông

2021.11.03
Kết luận điều tra của Hải quân Mỹ: Tàu USS Connecticut đâm phải "núi" ngầm ở Biển Đông Tàu ngầm USS Connecticut tại Yokosuka, Nhật Bản ngày 31/7/2021
Ảnh: Hải quân Mỹ

Sau một tháng điều tra, Hải quân Mỹ vừa kết luận rằng vụ tai nạn liên quan tới tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ là do một thực thể tự nhiên  dưới biển và chưa được biết đến gây ra.

Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối hôm thứ hai về vụ va chạm xảy ra ngày 2/10/2021, Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu USS Connecticut “đã đâm phải một ngọn núi chưa được biết đến dưới biển khi đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. 

Tuyên bố 3 câu này cho biết kết quả của cuộc điều tra đã được trình lên Phó Đô đốc Karl Thomas - Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ để ông này rà soát, phê chuẩn đồng thời quyết định liệu có cần thêm các hoạt động giải trình hay không.

Theo thông tin ban đầu do quân đội Mỹ đưa ra vào thời điểm năm ngày sau vụ va chạm, tàu ngầm USS Connecticut đã va phải một vật thể lạ khi đang hoạt động ở Biển Đông. Theo báo cáo, có 11 thủy thủ bị thương, nhưng không ai bị nguy hiểm đến tính mạng. Tàu ngầm này đang được sửa chữa tại Căn cứ Hải quân Guam.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc - quốc gia cáo buộc Hải quân Mỹ che đậy vụ việc - đã yêu cầu Mỹ giải thích chi tiết những gì đã xảy ra.

Ông Vương Văn Bân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng phía Mỹ chưa thông tin rõ về “hải trình dự định” ban đầu của tàu ngầm, liệu vụ việc có xảy ra trên vùng biển của quốc gia nào không hoặc liệu nó gây ra rò rỉ hạt nhân hay thiệt hại cho môi trường biển hay không.

“Điều này cho thấy rõ sự thiếu minh bạch và vô trách nhiệm của phía Mỹ” – Tân Hoa xã dẫn lời ông Bân. 

Mỹ đã phủ nhận các cáo buộc về việc che đậy thông tin.

Alexander Neill, một chuyên gia tư vấn quốc phòng và an ninh có trụ sở tại Singapore, nói với RFA rằng lời giải thích này của phía Mỹ, theo ông, có vẻ chân thật.

“Tôi không nghĩ Hải quân Mỹ cố che đậy hoặc bóp méo sự thật về bản chất của vụ tai nạn. Họ biết rằng cuối cùng nó có thể sẽ bị rò rỉ theo thời gian” – ông Neill nói.

Giới chuyên gia cho biết trên hải đồ, một khu vực rộng lớn của quần đảo Trường Sa được liệt vào dạng “vùng nguy hiểm” - khu vực mới chỉ được khảo sát sơ sài và cực kỳ khó điều hướng. Đây là vùng nước sâu có nhiều núi mọc lên từ đáy biển.

“USS Connecticut là một trong những tàu ngầm có tốc độ nhanh nhất trong hạm đội. Nó có các công nghệ thủy âm và theo dõi tinh vi nhất để quét những gì xung quanh. Nhưng các điều kiện dưới biển cũng hơi giống như bay trên cao. Thời tiết dưới biển chịu ảnh hưởng của các nhiễu động, dòng chảy, thay đổi độ mặn và nhiệt độ" - nhà phân tích có trụ sở tại Singapore giải thích.

“Điều này có thể có nghĩa là chiếc tàu ngầm đang di chuyển với tốc độ cao có thể đột ngột lao xuống trong khi đáy biển không ổn định và địa hình có thể thay đổi” – ông nói thêm.

Hành động giải trình

Vào năm 2005, một chiếc tàu ngầm khác - tàu USS San Francisco - đã đâm phải một ngọn núi ngầm dưới biển gần đảo Guam khi đang chạy với tốc độ tối đa, khiến một thủy thủ thiệt mạng và 24 người khác bị thương.

Andrew Korybko, một nhà phân tích chính trị người Mỹ có trụ sở tại Mát-xcơ-va - người thường chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á - nói: “Một cách tự nhiên, người ta đặt các câu hỏi về tính chuyên nghiệp của Hải quân Mỹ và rằng liệu Mỹ có nên tiếp tục vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở vùng biển nước ngoài để tránh những rủi ro va chạm khác, mà trong tình huống xấu nhất có thể dẫn đến thảm họa sinh thái”

“Đây là điều rất đáng hổ thẹn vì nó đã có thể tránh được” - ông Korybko nói thêm.

Trong tuyên bố ban đầu ra ngày 7/10, tức năm ngày sau vụ va chạm, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông tin rằng tàu ngầm USS Connecticut đang ở trong "tình trạng an toàn và ổn định" và "bộ phận dẫn động hạt nhân và các khoang khác không bị ảnh hưởng" và vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường. 

Theo ông Neill, sự cố này vừa được điều tra để xác định xem đó là một tai nạn thực sự hay có thể tránh được. 

“Trong hầu hết các trường hợp xảy ra sự cố có thể tránh được, chỉ huy tàu sẽ bị miễn nhiệm và đa phần, đây là sẽ dấu chấm hết cho sự nghiệp hải quân của họ” – ông nói. 

“Cách tiếp cận tốt nhất đối với Trung Quốc là cáo buộc Mỹ hành xử vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp, đồng thời nhắc đến mối đe dọa hạt nhân. Đây cũng là câu chuyên họ đặt ra với AUKUS” – ông Neill nói và đề cập đến một thỏa thuận an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ một Australia-Anh-Mỹ được công bố vào tháng 9 vừa qua.

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ việc AUKUS sẽ giúp Australia phát triển đội tàu ngầm hạt nhân và thỏa thuận này được coi là một biện pháp chống lại sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Biển Đông đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và là khu vực xung đột tiềm năng giữa hai cường quốc. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang mở rộng khả năng tác chiến dưới nước, trong đó việc xây dựng hạm đội tàu ngầm. Hiện tại hạm đội tàu ngầm của Trung Quộc vẫn còn thua kém Mỹ nhưng đang phát triển nhanh chóng.

Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc công bố vào tháng 9 năm 2020 cho biết Trung Quốc đặt ưu tiên cao cho việc phát triển tàu ngầm.

Báo cáo cho biết Hải quân Trung Quốc "có khả năng sẽ duy trì từ 65 đến 70 tàu ngầm trong những năm 2020, thay thế các đơn vị cũ hơn bằng các đơn vị có năng lực hơn theo tỷ lệ gần như là một đổi một”. 

Theo báo cáo, Trung Quốc hiện đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. 

Hải quân Mỹ được cho là có khoảng 70 tàu ngầm, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.