Nỗi gian nan của người chạy xe ba gác ở Vũng Tàu
2016.06.18
Những người chạy xe ba gác ở Vũng Tàu đang điêu đứng vì các cơ quan chức năng tổ chức tịch thu toàn bộ xe ba gác. Việc này đã ảnh hưởng tới việc mưu sinh của nhiều người. Vụ việc diễn ra thế nào?
Tịch thu không thông báo trước
Báo Bà rịa-Vũng Tàu cho biết, thi hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Từ nhiều năm nay, chính quyền Bà rịa-Vũng Tàu đã đình chỉ lưu thông xe ba gác, xe tự chế… với lý do các loại xe này là loại phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Tuy vậy trên thực tế, loại phương tiện này hàng ngày vẫn hoạt động công khai trên nhiều tuyến đường ở các huyện, xã thuộc Vũng Tàu.
Ông Út một người chạy xe ba gác ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong nhiều ngày gần đây các cơ quan chức năng đã đồng loạt kiểm tra, ngăn chặn, vây bắt và tịch thu nhiều xe ba gác máy, mà không có thông báo trước hay sự hỗ trợ nào. Ông nói với chúng tôi:
Tại vì chính quyền ngay từ đầu không cấm, chứ để đến bây giờ dân họ mua đại trà hết rồi thì mới bắt. Mà họ phần đông là dân nghèo, phải chạy xe để nuôi vợ nuôi con, vậy mà làm bất ngờ quá thì ai có thể chuẩn bị kịp?
-Ông Út
“Mấy bữa trước nghe họ nói công an bắt mấy chục chiếc bên Long Hải, còn sáng hôm nay thì công an qua bên này bắt. Lúc nghe nói tôi ra xem thì thấy trong UBND Xã có 5 chiếc, trong đó có 1 chiếc thì công an cẩu lên xe để mang về Huyện rồi. Thì lúc đó dân chúng và mấy người vợ con người có xe đến tụ tập để không cho mang xe về Huyện.”
Trong một tâm trạng hết sức bức xúc, ông Ký một người chạy xe ba gác ở thị trấn Long Hải cho biết, xe ba gác là loại phương tiện phổ thông phù hợp với nhu cầu vận chuyển cá và hàng hóa của những hộ buôn bán ở khu vực cảng cá, nơi mà xe tải không thể vào được. Ông tiếp lời:
“Không phải là vấn đề 5 triệu hay một chiếc xe, mà đó là cái cần câu cơm cho cuộc sống của người ta. Giờ tịch thu thì người ta lấy gì mà ăn? 5 triệu đó có nghĩa lý gì trong khi mua xe giá tới 5-6 chục triệu? Chưa nói đến chuyện hỗ trợ cho họ mua xe xong, thì họ lại phải đăng ký, đóng thuế cho nhà nước. Bây giờ người dân chỉ muốn có cái xe để cho họ làm ăn thôi. Hôm qua có rất nhiều dân chúng họ tràn ra quốc lộ và đã gây nghẹt đường.”
Trên trang facebook cá nhân, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, sáng ngày 16/6/2015, hàng trăm người đã tập trung trước UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tràn vào trong trụ sở Công an xã gần đó, la hét yêu cầu trả lại tài sản cho người dân.
Nói về nguyên nhân của vụ tụ tập đông người trước trụ sở UBND xã Phước Tỉnh. Ông Út khẳng định:
“Ở cái xã Phước Tỉnh này thì hầu như nhà nào cũng có một chiếc xe, dân họ bức xúc vì các ông bắt xe của họ nhưng không thông báo. Họ bảo chính quyền nên du di, hay thông báo trước với người ta để họ còn chuyển đổi nghề, hay xử phạt thì họ cũng chấp nhận đóng phạt. Chứ còn công an bắt xe của họ về rồi tịch thu luôn là không có được. Không những thế họ còn bán thanh lý, mà tôi có thằng bạn mua 1 cái xe thanh lý thì chiếc xe đó lại là cái xe của thằng bạn nó bị bắt. Vì thế người ta mới bức xúc như thế thôi.”
Ông Út thấy rằng việc làm này của chính quyền Bà rịa- Vũng Tàu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều người dân. Theo ông việc tịch thu phương tiện kiếm sống, nhưng không có sự hỗ trợ hay các thông báo cụ thể đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc mưu sinh hàng ngày của nhiều người. Ông cho biết:
“Tại vì chính quyền ngay từ đầu không cấm, chứ để đến bây giờ dân họ mua đại trà hết rồi thì mới bắt. Mà họ phần đông là dân nghèo, phải chạy xe để nuôi vợ nuôi con, vậy mà làm bất ngờ quá thì ai có thể chuẩn bị kịp? Người dân họ cũng chỉ có nguyện vọng địa phương hỗ trợ công ăn việc làm, nhiều người do thất nghiệp nên họ phải vay mượn, nợ nần để mua chiếc xe.”
Phu xe lấy gì để sống?
Theo báo Vũng Tàu, gần khu vực các cảng cá, người đi đường dễ bắt gặp những chiếc xe ba gác tuy đã tả tơi, nhưng vẫn chở đầy hàng hóa chạy trên đường. Hơn nữa, xe ba gác là loại xe do các cơ sở tự sản xuất, thiết kế không theo quy định và không được đăng ký cấp biển số.
Ông Út thừa nhận, hầu hết các loại xe ba gác đang lưu hành hiện nay là bất hợp lệ và không có giấy tờ. Đây là một tình trạng đã kéo dài từ rất lâu mà ai cũng biết, nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn. Ông khẳng định:
Hôm qua rất là đông, nghẹt đường luôn, dân chúng những ai có liên quan thì họ đều phẫn nộ hết. Nhưng khi họp thì họ chỉ để cho một vài người vào thôi, người khác vào họ đuổi ra không cho vào.
-Ông Ký
“Tại sao công an không bắt người bán lại đi bắt người mua. Người bán họ bán xe công khai ngoài đường kia mà? Họ mở một cái tiệm sửa xe gắn máy, để xe dưới đường và họ trưng một cái bảng bán xe, thì dân cứ đến đó mà mua thôi. Mua xe thì họ cũng đưa cho cái cà vẹt. Nhưng theo tôi biết giấy tờ đó 100% là giả vì toàn đeo biển số tỉnh Bình Dương không à.”
Theo ông Út, mấy ngày hôm nay, đã có nhiều hàng hóa thủy hải sản đang chuyên chở bằng các xe ba gác đã bị hư hại. Ông kiến nghị:
“Làm sao mà hỗ trợ năm triệu để họ đổi nghề được? Chính quyền phải có biện pháp nào, chẳng hạn dân họ sai thì xử phạt rồi cho họ đem xe về, phải cho họ có thời gian chứ. Chứ làm gấp như vậy, trong lúc bao nhiêu người phải đi vay tiền để người ta mua. Bây giờ các ông tịch thu thì hỏi họ sẽ lấy gì để sống?”
Theo ông Ký phản ứng tụ tập đông người của người dân ở đây ngày 16/6 tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền không đạt được kết quả gì. Ông cho biết:
“Hôm qua rất là đông, nghẹt đường luôn, dân chúng những ai có liên quan thì họ đều phẫn nộ hết. Nhưng khi họp thì họ chỉ để cho một vài người vào thôi, người khác vào họ đuổi ra không cho vào. Người ta cứ bảo các anh cứ về đi để chúng tôi sẽ giải quyết. Nhưng đến bây giờ thì họ vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới UBND Huyện Long Điền và ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch Xã Phước Tỉnh để hỏi về vấn đề này nhưng không nhận được sự trả lời.
Theo báo cáo từ Ban an toàn giao thông TP.Vũng Tàu, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý xe công nông, xe ba gác, UBND TP.Vũng Tàu đã chi 11,345 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí và chuyển đổi nghề cho các đối tượng chạy xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh bị đình chỉ lưu thông , với mức hỗ trợ từ 4 đến 7 triệu đồng/người. Ngoài ra, UBND TP.Vũng Tàu còn hỗ trợ các đối tượng trên có nhu cầu mua mới xe tải thay thế (mức hỗ trợ 4 triệu đồng/xe). Hiện toàn TP.Vũng Tàu đã giải quyết hỗ trợ kinh phí cho 2.269 xe ba gác máy bị đình chỉ lưu thông.